Bao cấp ngược

ANTĐ -Tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế mới đây, Tổng giám đốc Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định: đang diễn ra tình trạng không công bằng trong khám chữa bệnh, người nghèo hưởng phần bảo hiểm y tế (BHYT) ít hơn người giàu.

Ông Tổng giám đốc đưa ra dẫn chứng: Cùng một số tiền đóng thẻ BHYT là 460.000 đồng/năm, người dân vùng kinh tế khó khăn khám chữa bệnh chủ yếu ở y tế cơ sở, chỉ chi vài trăm nghìn đồng một lần, trong khi ở các thành phố lớn, nhiều trường hợp chi vài chục triệu đồng một lần.

Thống kê của BHXH Hà Nội năm 2010, thành phố có tới 676 trường hợp chi BHYT từ 100-400 triệu đồng/lần điều trị. Cá biệt có trường hợp chi tới 1 tỷ đồng. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết, hiện nay BHYT Việt Nam mới có khoảng 62% dân số tham gia, còn khoảng 38% dân số vẫn… đứng ngoài lề, phần lớn thuộc đối tượng nghèo khó và lao động tự do. Với phương thức chi trả phí theo dịch vụ cộng với việc chưa “phủ sóng” BHYT toàn dân là các yếu tố tạo ra nhiều “hậu quả không mong muốn” đối với cả hệ thống y tế, bệnh viện và người dân. Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh tại một hội nghị bàn về dự thảo nghị định cơ chế tài chính cho bệnh viện công, cùng với chủ trương tăng viện phí là việc tiến tới BHYT toàn dân. Đây là cơ sở vững chắc để tạo công bằng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, về lý thuyết nghe có vẻ đúng. Còn trên thực tế thì sao? Viện phí sẽ tăng tức thì, nhưng BHYT toàn dân xem ra còn khá xa vời và cũng chẳng hề đơn giản khi thực hiện. Các nghiên cứu đúc kết kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước trong khu vực cho thấy, chưa có nước nào đạt được tham vọng BHYT toàn dân thông qua cơ chế BHYT tự nguyện. Hơn nữa, chiến lược này tốn khá nhiều tiền vì phải rất nỗ lực thu hút người tham gia, thu phí BHYT, bắt tuân thủ đối với người thu nhập trung bình là người bình thường khỏe mạnh, không ý thức được nhu cầu mua BHYT. Phải thừa nhận rằng, thực hiện tự chủ và xã hội hóa các cơ sở y tế đã mang lại một sinh khí mới. Theo Bộ Y tế, đến nay có gần 100% các cơ sở từ tuyến huyện trở lên đã thực hiện tự chủ tài chính. Hàng loạt trang thiết bị y tế hiện đại đã được đầu tư, đời sống cán bộ nhân viên được cải thiện. Song, một khi các bệnh viện được giao tự chủ và vận hành theo cơ chế thị trường, tất yếu sẽ tiêm nhiễm mặt trái thị trường. Nguy cơ chạy theo lợi nhuận và thương mại hóa y tế đã xuất hiện. Hệ thống y tế đang tạo nên xu hướng “bao cấp ngược”. Điều này xuất phát từ tình trạng “tận thu” của các bệnh viện lớn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi, kéo người dân từ các địa phương đổ xô đến chữa bệnh, kể cả những bệnh thông thường. Vì thế, hoạt động của hệ thống y tế cơ sở đã nghèo lại càng xập xệ hơn; đồng thời còn tạo ra sự quá tải, nhồi nhét bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trên.

Đương nhiên, các bệnh viện tuyến trên giỏi hơn, điều trị những ca khó hơn đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền hơn và tay nghề cao hơn. Cho nên ngân sách Nhà nước phải “rót” nhiều hơn tuyết dưới. Xét về tài chính thì có lý, còn xét về khả năng thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân? Vô hình trung đang diễn ra nghịch cảnh “bao cấp ngược” ngay từ ngân sách Nhà nước. Người nghèo “bao cấp” cho người giàu, bởi vì tỷ lệ người nghèo được sử dụng dịch vụ y tế tuyến trên thấp hơn rất nhiều so với người giàu. Sự phân bổ tài chính ngầm chứa nghịch lý: ngân sách Nhà nước phân bổ nhiều hơn cho người giàu.