Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Bàn việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự
(ANTĐ) - Ngày 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và dự án Luật Phòng chống mua bán người.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 62 điều, trong đó sửa đổi 42 điều, bổ sung thêm 10 điều, bãi bỏ 10 điều. Theo thẩm tra của Ủy ban (UB) Tư pháp, một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS lần này là “gỡ” cho được những trường hợp sau khi xét xử giám đốc thẩm lại phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng thẩm phán là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của Hội đồng thẩm phán.
UB Tư pháp đề nghị bổ sung thêm 1 điều về kiến nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Theo đó, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC có quyền kiến nghị khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng tại quyết định. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Nếu phát hiện có sai lầm nghiêm trọng có thể giao cho tòa án cấp dưới giải quyết lại hoặc hủy bản án và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
UB Tư pháp cũng đề nghị sửa đổi quy định về thời hạn yêu cầu kháng nghị và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để bảo vệ lợi ích của các bên đương sự. Hoàn toàn thống nhất với quan điểm “đã sai là phải sửa, dù đã xử ở cấp cao nhất”, song Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng việc sửa đổi vẫn phức tạp, rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho dân. “Đã xác định sai mà lại trả hồ sơ, quay vòng xuống tòa cấp dưới xử lại là không thuyết phục” - ông Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn.
Báo cáo kết quả Chiều 17-9, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp QH thứ 8. Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8, QH sẽ làm việc trong 31,5 ngày. Dự kiến, nội dung chất vấn sẽ được sắp xếp từ ngày 22 đến hết buổi sáng 24-11 để Thủ tướng Chính phủ có thể tham dự tất cả các phiên chất vấn. Tờ trình cũng đề nghị, Chính phủ và các cơ quan của QH bổ sung nhiều báo cáo quan trọng để gửi đến đại biểu QH như báo cáo về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng (vấn đề đã được nêu từ kỳ họp thứ 7); kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về nâng cao kết quả sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước... |
Một vấn đề khác là vai trò của Viện Kiểm sát trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Qua bàn thảo, đa số ý kiến thành viên UBTVQH thống nhất với quan điểm của UB Tư pháp, theo đó Viện Kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp sơ thẩm; phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng nhưng không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự. Nhưng đối với các phiên tòa, phiên họp sau đó (phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), kiểm sát viên có quyền phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ việc dân sự.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu giải thích thêm: “Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của VKS tại phiên sơ thẩm, tức là khi chưa có bản án, thì đúng là VKS chưa nên phát biểu về việc giải quyết vụ việc dân sự và như vậy cũng có thể làm ảnh hưởng đến tính khách quan của bản án. Nhưng với các phiên sau đó, VKS có thể phát biểu là vì KSV theo dõi phiên tòa sơ thẩm đã có thể thấy được những sai phạm (nếu có) trong quá trình xét xử, dẫn đến bản án thiếu chính xác; đồng thời bảo vệ kháng nghị trong trường hợp Viện trưởng VKS có kháng nghị”.
Liên quan đến dự án Luật Phòng chống mua bán người, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng, dự thảo đã có bước tiến mới. Tuy nhiên, nhiều nội dung vẫn còn chung chung, chưa có sự phân định rõ ràng giữa nội dung “phòng” và “chống”. Một số ủy viên UBTVQH cùng chia sẻ nỗi lo lắng về khả năng chi của ngân sách, khi nhiều nội dung trong dự luật có thể dẫn đến tình trạng hỗ trợ tràn lan, không phân hóa đối tượng thật sự cần trợ giúp.
Chính Trung