Bán nhà trả nợ cho "con trai bé bỏng"

ANTĐ - Đúng là cuộc sống bây giờ con trẻ rất dễ sa chân vào cạm bẫy nhưng người làm bố làm mẹ sát sao, kề cận với con hơn, để con tự do nhưng trong tầm kiểm soát, trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết... thì chuyện đáng tiếc có thể đã không xảy ra.

Nhận được tin nhắn của chị Mai, tôi phóng xe đến nhà chị. Nhìn chị nằm trên giường, hai mí mắt sưng húp, khuôn mặt hốc hác, tiều tụy như một người vừa trải qua một cơn bệnh nặng.

Thấy tôi đến, chị gượng ngồi dậy vừa kể vừa ôm mặt khóc:

- Nào chị có ngờ đâu, thằng Hùng nó lại như thế. Nó làm vậy khác nào giết bố mẹ rồi em ơi.

Biết là không thể an ủi được chị lúc này nên tôi để chị khóc cho nhẹ nhõm. Ngồi bên chị, lòng tôi cũng rối bời vì những gì vừa nghe được. Hùng là con trai đầu lòng của vợ chồng chị Mai, là niềm tự hào, hãnh diện của người mẹ yêu con hơn yêu chính bản thân mình. Chị Mai chưa bao giờ nói ra điều đó nhưng trong những câu chuyện chị em chúng tôi "buôn" hằng ngày ở cơ quan Hùng là nhân vật chính. Thằng bé học giỏi từ khi còn nhỏ, sở trường là các môn tự nhiên, đi thi lần nào cũng giành được giải cao. Cả phòng tôi từng được chị Mai mời đến ăn khao khi Hùng đỗ một lúc hai trường đại học tốp đầu với số điểm cao ngất ngưởng. Đồng nghiệp trong phòng không ngớt lời khen anh chị phúc lớn có được cậu con trai ngoan lại học cực giỏi. Nhiều người còn lấy Hùng ra làm gương cho con mình.

Từ ngày Hùng vào đại học, câu chuyện của chị Mai càng hào hứng hơn. Chị khoe Hùng nhận được học bổng cao nhất khóa. Nghĩ rằng học bổng là công sức của con nên chị cho con toàn quyền sử dụng. Chị còn đổi cho con chiếc điện thoại mới để làm phần thưởng. Vì sự học của con chị đâu có tiếc gì. Có hôm đang ở cơ quan, con gọi điện xin tiền chị cũng không nỡ để con đợi đến mai mà giữa trưa trời nắng chang chang phóng xe về nhà đưa tiền cho con kịp giờ con đi học.

Khi nghe con kêu ca cái máy tính main yếu muốn đổi sang cái laptop với nhiều tiện ích để phục vụ cho việc học tập, chị đồng ý ngay. Năm thứ ba Hùng bảo với mẹ là cần tiền, có khi lên đến tiền triệu để làm các bài tiểu luận chị Mai liền đưa cho con mà không có bất kỳ thắc mắc gì. Chị tin con một cách tuyệt đối. Ngay cả khi chị hỏi con về điện thoại, laptop, nó trả lời: Điện thoại của con bạn mượn còn laptop bị kẹt bàn phím phải đưa đi sửa, chị cũng không chút nghi ngờ.

Dạo gần đây, chị Mai thấy Hùng gầy rộc đi, khuôn mặt nhiều lúc thất thần, chị sốt sắng hỏi chuyện con thì nó vẫn cứ khăng khăng là năm cuối học hành căng thẳng chứ không có chuyện gì. Chị lại tin con vì đêm nào cũng thấy con thức làm khóa luận trên máy tính 2-3 giờ sáng mới đi ngủ. Lo cho sức khỏe của con, chị càng chăm chút con hơn. Tiền tiêu vặt chị cũng cho con nhiều gấp đôi để con bồi dưỡng thêm những hôm mẹ không kịp chuẩn bị bữa sáng hay bữa trưa ở lại trường ăn cơm.

Chị Mai mong lắm ngày Hùng ra trường đi làm vì chị đã nhờ người quen "xí chỗ" cho Hùng. Ngày 8/3 cơ quan cho chị em đi xuống làng Lụa Hà Đông, chị Mai cũng đã chọn tấm vải lụa rất đẹp may áo dài mới để đi dự ngày Hùng làm lễ tốt nghiệp. Nhưng ngày đó chưa đến thì chị ngã quỵ khi nghe tin sét đánh Hùng chơi cá độ bóng đá. Laptop, điện thoại, cả cái thẻ sinh viên danh giá Hùng đã cắm hết ở tiệm cầm đồ. Bọn chủ nợ còn đến tận nhà chị cảnh cáo: Nếu chị không thanh toán nợ cho con, bọn chúng sẽ báo cho nhà trường biết việc con chị đã cắm thẻ sinh viên để lấy tiền chơi bời, đến lúc đó con chị chỉ đừng có mơ tốt nghiệp.

Chị Mai như ở trong cơn ác mộng. Để con bị đuổi ra khỏi trường khi sắp cầm tấm bằng tốt nghiệp đồng nghĩa với việc chấm dứt con đường vào của nó, đồng nghĩa với việc đổ xuống sông, xuống biển biết bao công sức, tiền bạc và cả sự kỳ vọng của vợ chồng chị bấy lâu. Rồi còn danh dự của gia đình nữa...

- Thế giờ anh chị định thế nào?

- Tiền nợ, tiền lãi lên đến cả tỷ đồng chứ có ít đâu. Đến nước này, chỉ còn cách bán nhà trả nợ cho con chứ biết làm thế nào hả em?

Vừa nói, chị vừa quẹt nước mắt. Tôi nhìn chị mà thấy xót xa. Từ nhà chị về, đầu óc tôi cứ lấn bấn chuyện của Hùng. Vì đâu mà một đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo lại sa vào cạm bẫy? Chị Mai bảo vì con chị dại nên bị bạn bè rủ rê, bị bọn người xấu lôi kéo nhưng tôi nghĩ bố mẹ Hùng cũng không vô can trong chuyện này.

Đúng là cuộc sống bây giờ con trẻ rất dễ sa chân vào cạm bẫy nhưng người làm bố làm mẹ sát sao, kề cận với con hơn, để con tự do nhưng trong tầm kiểm soát, trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết cũng như dạy con biết quý trọng và sử dụng đồng tiền một cách hợp lý chắc sự việc đáng tiếc đã không xảy ra.