Bán hàng onnline tăng trưởng nóng nhưng quyền lợi người dùng chưa được đảm bảo

ANTD.VN - Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2017 cho biết, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25%

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục

Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, ước tính tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 tăng khoảng 25% so với năm 2016. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cũng dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2018 sẽ duy trì ở mức tương tự.

Theo VECOM, năm 2017, một số lĩnh vực tăng trưởng rất ngoạn mục, chẳng hạn như bán lẻ trực tuyến. Với hàng nghìn website thương mại điện tử đang hoạt động cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu lên tới 35%. Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát cũng đạt kỷ lục, từ 62 đến 200%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng đến 75%.

Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết tăng trưởng từ 100-200%. Ngoài ra, lĩnh vực du lịch cũng ghi nhận những dấu mốc ấn tượng của sự tăng trưởng. 

Bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc khách hàng khu vực miền Bắc Nielsen Việt Nam cho hay, thương mại điện tử Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và có thể nhìn thấy điều này từ xu hướng công nghệ- yếu tố tác động trực tiếp đến thương mại điện tử.

"Những năm gần đây tốc độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam là trên 20%. Động lực tăng trưởng là cơ sở hạ tầng tốt với trên 50% người Việt Nam sử dụng Internet. Năm 2020 khoảng 59 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, chiếm hơn 60%, từ đó có nhu cầu về phát triển thương mại điện tử.

Tỷ lệ người Việt Nam mua hàng online nhiều chủ yếu là giới trẻ, công chức và phụ nữ"- Bà Đặng Thúy Hà cho biết.

Cũng theo đại diện của Nielsen miền Bắc, mặc dù thương mại điện tử có nhiều cơ hội phát triển nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khi một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng quan ngại về chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng, thậm chí cả ứng dụng thương mại điện tử phức tạp hay dễ sử dụng... 

Đơn cử như gần đây, các vụ việc sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shopee, Lazada... không đảm bảo quyền lợi khách hàng bị khách hàng phản ứng hay Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phải vào cuộc cho thấy rào cản phát triển của thương mại điện tử còn khá lớn.

Tới đây, khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nước ngoài có tên tuổi như: Alibaba hay Amazon, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đứng trước sự cạnh tranh gay gắt hơn, trong khi người tiêu dùng lại có thêm nhiều lựa chọn, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam dễ dàng hơn, giá cả cạnh tranh hơn và thời gian giao hàng được rút ngắn.

Ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, 10 năm qua, nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam chưa thể thành công. Đây là bài học cho các doanh nghiệp. Muốn phát triển và "ra biển lớn", ngoài quyết tâm, doanh nghiêp còn cần sự thông thái và lựa chọn thông minh để mục đích cuối cùng là thành công.

Trong năm 2017, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại Lazada.vn. Theo đó, các vụ việc chủ yếu tập trung vào các hành vi như: chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ/đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm...

Thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đến hết năm 2017, Lazada đã giải quyết thành công 40/41 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng theo phương thức thương lượng. Còn lại 1 vụ việc đang trong quá trình thương lượng hoặc các bên không thống nhất về phương án thương lượng, hòa giải đồng thời dự kiến chuyển sang tòa án giải quyết.