Bán hàng online tung ảnh 'bóc phốt' khách 'bùng' tiền có phạm luật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số cá nhân đã đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của người mua, bán hàng online có dấu hiệu “bùng tiền”, “bùng hàng” lên mạng để cảnh giác hoặc nhờ tìm kẻ lừa đảo mà không biết điều này là phạm pháp.

Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, chị Vũ Thanh Thủy ở khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm Hà Nội chia sẻ, chị bán hàng online đã được 3 năm. Thông tin liên lạc chủ yếu qua tin nhắn trên Zalo, Facebook.

Trong khoảng thời gian đó có một số cá nhân đã nhận hàng và không thanh toán tiền nhiều lần. Khi người bán nhắn tin, gọi điện đòi tiền thì không nghe máy, không trả lời, thậm chí tắt máy, chặn cuộc gọi, hủy kết bạn.

Không còn cách nào nào, chị Thủy đành đăng ảnh của cá nhân lên các hội nhóm trên mạng xã hội kèm theo các hình chụp tin nhắn đặt, mua hàng trao đổi giữa hai bên để ‘bóc phốt’ và cảnh báo.

'Cách đây vài ngày, một trong những người bị tôi đưa thông tin lên mạng đã gọi điện dọa sẽ kiện tôi vì đã bêu riếu, làm nhục họ khiến tôi khá lo lắng. Theo pháp luật hiện hành, việc làm của tôi có trái quy định?' – Chị Thủy đặt câu hỏi.

Cảnh báo khách 'bùng' hàng xuất hiện khá phổ biến trên mạng xã hội

Cảnh báo khách 'bùng' hàng xuất hiện khá phổ biến trên mạng xã hội

Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp sử dụng hình ảnh của cá nhân để đăng lên mạng kèm theo đó là nội dung bịa đặt, sai sự thật, vu khống… là một trong các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, có 2 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân mà không cần sự đồng ý của người đó, đó là hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật....

Như vậy, trường hợp có nghi ngờ ai đó có hành vi lừa đảo và chứng minh được hành vi lừa đảo đó, cá nhân có thể đăng hình ảnh và thông tin cá nhân người này lên mạng để cảnh giác với bạn bè, người thân hoặc để tìm ra đối tượng lừa đảo.

Việc làm này được coi là sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích cộng đồng, song ảnh và nội dung kèm theo phải đúng sự thật, không thêm bớt, bịa đặt.

Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác đăng lên mạng mà không chứng minh được hành vi lừa đảo được coi là hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác… có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về xử phạt hành chính, theo Nghị định 15/2020, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân (trong đó có sử dụng hình ảnh của người khác mà không được cho phép) nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu sử dụng trái phép hình ảnh người khác nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người đó.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân tự ý đăng ảnh, thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ, bêu riếu có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 khung hình phạt lên tới 5 năm tù.