Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội:

Bám sát hiện thực khách quan, lắng nghe hơi thở cuộc sống để có phiên chất vấn sôi nổi, thực chất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 7-6, Quốc hội bắt đầu tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV được tổ chức trong 2,5 ngày (từ chiều 7 đến hết 9-6-2022) và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, kênh Truyền hình Quốc hội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời.

Về nhóm vấn đề chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và các tiêu chí lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, đề xuất chất vấn của 63 đoàn đại biểu Quốc hội, các phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những vấn đề nổi lên thông qua báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 5 nhóm vấn đề trình Quốc hội xem xét, biểu quyết lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về cách thức đặt câu hỏi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tiếp tục kế thừa cách thức thực hiện “hỏi nhanh, đáp gọn” tại các kỳ chất vấn trước, mỗi lượt sẽ có từ 3 đến 5 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn. Mỗi ĐBQH có thể nêu câu hỏi ngắn hoặc dài nhưng không quá 1 phút. Mỗi câu hỏi chỉ nên tập trung một hoặc vài vấn đề mà ĐBQH thấy cần thiết nhất. Trường hợp ĐBQH không đồng ý với câu trả lời thì sử dụng bảng tên đăng ký để tranh luận. Thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút và đề nghị ĐBQH không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn, không tranh luận giữa các ĐBQH với nhau.

Người trả lời chất vấn có thể phát biểu không quá 5 phút trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Thời gian trả lời không quá 3 phút đối với một vấn đề chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan tham gia giải trình để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của ĐBQH hoặc trả lời trực tiếp các chất vấn mà các ĐBQH nêu.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, cử tri, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH, các Bộ trưởng, Trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện thực khách quan, lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất, xây dựng, hiệu quả cao nhất, tiết kiệm, sử dụng tối đa thời gian kỳ họp dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nhân dân, cử tri cả nước đang chờ đợi câu trả lời thẳng thắn và trách nhiệm của các Bộ trưởng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình làm rõ hơn vấn đề các ĐBQH quan tâm, trực tiếp trả lời chất vấn của các vị ĐBQH. Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn để nâng cao hiệu lực thi hành và làm căn cứ để Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Nhóm vấn đề nông nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đó là: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Trả lời chất vấn trong chiều 7-6 là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham gia trả lời vấn đề này còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

TTXVN

TTXVN