Bài học đắt giá

ANTĐ - Cầu Nhật Tân là cây cầu thứ bảy bắc qua sông Hồng, kết cấu nhịp cầu chính theo dạng dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng có tổng mức đầu tư 13.600 tỷ đồng. Khi cầu này hoàn thành sẽ kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, rút ngắn tuyến đường từ trung tâm đến sân bay quốc tế Nội Bài. Có tầm quan trọng đặc biệt nhưng công trình cầu Nhật Tân đang bị chậm tiến độ 2 năm. 
Với lý do phải thi công đường dẫn cầu Nhật Tân cầm chừng suốt 1,5 năm do mặt bằng chậm giải phóng, vừa qua nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đã đề nghị được bồi thường 200 tỷ đồng. Đây là vụ việc mà Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phải thốt lên là “chưa có tiền lệ đền bù khi chậm giải phóng mặt bằng”. 
Để chậm bằng ấy thời gian, nhà thầu phạt là đúng. Bởi việc chậm bàn giao mặt bằng khiến nhà thầu không thể triển khai dự án. Nguồn vốn bị ứ đọng, lãi vay ngân hàng, rồi chi phí lao động phát sinh, giá cả vật tư tăng lên và muôn vàn các chi phí khác. Tuy nhiên, chính thức thì 200 tỷ đồng này không phải là tiền mà Tokyu đòi phía Việt Nam bồi thường, mà là những chi phí phát sinh phải được thanh toán do hợp đồng chậm trễ. Nhà thầu này đưa chuyên gia, kỹ thuật cùng máy móc thiết bị sang Việt Nam cả năm trời mà thi công cầm chừng đã gây ra thiệt hại khá lớn. Đó là chưa tính việc ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của nhà thầu này ở nơi khác trong cả năm trời.
Việc chậm tiến độ các dự án, công trình xây dựng ở nước ta là “chuyện thường ngày ở huyện”. Gần như không mấy công trình, dự án xây dựng đảm bảo được tiến độ không kể duy nhất một dự án lớn mà vượt tiến độ tới 3 năm như Nhà máy Thủy điện Sơn La đã được xem là một kỳ tích hiếm hoi. Còn như hàng loạt các dự án như đoạn cầu Nhật Tân dẫn đến sân bay Nội Bài, cao tốc Hà Nội đi Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai cùng nhiều công trình lớn nhỏ khác đang bị chậm ngay từ khâu GPMB.  
Số tiền 200 tỷ đồng mà Tokyo đề nghị thanh toán đã là lớn nhưng còn là rất nhỏ nếu so với thiệt hại từ việc chậm trễ đưa cầu Nhật Tân vào sử dụng. Với tổng vốn đầu tư xây dựng lên tới 13.600 tỷ đồng thì việc chậm đưa vào sử dụng dù chỉ 1 tháng thôi, dự án này cũng đã thiệt hại rất lớn chứ chưa nói tới 2 năm như hiện nay.
Chúng ta còn khó khăn về vốn xây dựng, nên rất nhiều công trình, dự án hạ tầng lớn được xây dựng bằng vốn vay nước ngoài. Dù có nhiều ưu đãi song vốn ODA vẫn là đồng tiền đi vay và phải trả. Gánh nặng nợ nần sẽ càng nặng hơn do các công trình “rùa” như dự án cầu Nhật Tân. Chưa rõ Bộ GTVT sẽ đàm phán với phía nhà thầu Nhật Bản ra sao nhưng đây là hợp đồng quốc tế và nếu một bên làm sai những nội dung đã được quy định trong hợp đồng thì bên phía nhà thầu có quyền căn cứ theo hợp đồng để yêu cầu thanh toán. Chưa có tiền lệ  thì nay Tokyu đã mở ra tiền lệ!  Các cơ quan chức năng phía Việt Nam hẳn đã nhận thức được vấn đề sau sự việc của nhà thầu Tokyu. Từ tiền lệ Tokyu, hy vọng  việc này là bài học kinh nghiệm đắt giá để xử nghiêm việc chậm giao mặt bằng thi công, chấm dứt một thứ bệnh kinh niên trong ngành xây dựng ở nước ta.