Bài học chưa cũ

ANTĐ - Hơn 1 tháng qua, các lực lượng thuộc CATP Hà Nội phối hợp với cơ quan quản lý thị trường liên tục phát hiện những vụ nhập lậu xe đạp điện, linh kiện xe đạp điện với quy mô lớn, số lượng có vụ lên tới cả nghìn chiếc. Không cần nói cũng biết đấy chính là căn nguyên khiến loại phương tiện đang được coi là “mốt”  này tràn ngập trên đường phố, gây nên nhiều hậu quả khó lường. Dư luận bắt đầu lo ngại, trong khi các cơ quan chức năng vẫn… lặng im, thiếu những giải pháp triệt để.

Cũng dăm năm trước, xe máy Trung Quốc ồ ạt đổ về Việt Nam, len lỏi tới mọi vùng miền từ thành thị đến nông thôn. Ước mơ có được một chiếc xe máy vốn tưởng chừng không thể với nhiều người đã trở thành hiện thực, bởi những chiếc xe đó giá rẻ, hợp túi tiền. Nhưng giá rẻ thì khó đồng hành với chất lượng, chỉ sau 2-3 năm là những chiếc xe đó không khác gì đống sắt vụn. Giờ thì muốn tìm một chiếc xe kiểu đó phải lên… miền núi. Các nhà sản xuất, kinh doanh nước bạn “ăn” đủ, bỏ túi những khoản lợi nhuận khổng lồ, còn dân mình thì “ôm” đống rác, không biết sau này giải quyết “hậu quả” ra sao?

Bài học này lại đang có nguy cơ lặp lại với xe đạp điện. Không bị kiểm soát khâu nhập khẩu, xe đạp điện do nước ngoài sản xuất thoải mái đổ về Việt Nam. Không có quy chuẩn kỹ thuật kiểm định nên khâu quản lý lưu thông bị buông lỏng, người dân bỏ ra vài triệu đồng là mua được một chiếc mang về phóng vù vù. Tai nạn chết người cũng đã có, tai nạn thông thường thì đầy rẫy, thêm vào đó là bao nhiêu nguy cơ khác hiển hiện ngay trước mắt, mà lớn nhất là ô nhiễm môi trường khi hàng triệu bộ ắc quy hết “đát” được thải ra. Nghĩa là “bò” đã mất và còn mất nữa, vậy mà các nhà quản lý vẫn chậm trễ trong việc “làm chuồng”. Cơ quan đăng kiểm, hải quan, giao thông vận tải… đều im lặng, áp dụng rất tốt tinh thần “không phải việc của tôi”. Trong khi đó, áp lực lại đổ dồn lên đầu lực lượng CSGT trong xử lý vi phạm nhưng lại thiếu chế tài mạnh, cảnh sát kinh tế trong việc bắt xe nhập lậu. Đến giờ này, khi mọi việc bắt đầu có vẻ đã vượt quá tầm kiểm soát, người ta mới rậm rịch kiểm tra, thống kê, báo cáo, đề nghị, tìm phương án… Trong khi đợi một phương án giải quyết triệt để do cơ quan quản lý Nhà nước thảo ra thì xe đạp điện không rõ nguồn gốc vẫn tiếp tục “vượt biên”, đổ về nội địa, được đưa đến tay người sử dụng và tiếp tục trở thành mối đe dọa trên đường phố. 

Bài học xe máy Trung Quốc vẫn còn sờ sờ ra đấy, nay đến bài học xe đạp điện, mai sẽ lại tiếp tục còn thứ gì khác gây hậu quả chỉ vì “ngoài vòng quản lý”? Phải có giải pháp triệt để ngay, giải quyết vụ xe đạp điện trước mắt là một chuyện, xa hơn là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để về lâu về dài, sẽ không còn tình trạng chạy theo đuôi mà dọn hậu quả như thế này nữa.