Bãi đỗ xe tại Hà Nội - ở đâu cũng thiếu

ANTĐ - Thiếu bãi đỗ xe đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân Hà Nội. Đây cũng là bài toán nan giải đối với ngành giao thông. Tại hầu hết các khu đô thị,  khu nhà tập thể cũ, do chưa tính đến điều này nên bãi đỗ xe ô tô bị thiếu trầm trọng, trong khi các khu thương mại, khu chung cư hiện đại mới xây dựng thì việc  quy hoạch  bãi đỗ xe lại chưa được thực hiện triệt để.


Những con số giật mình

Giao thông tĩnh, được hiểu là các bến bãi, các điểm đỗ xe công cộng. Trong những năm qua, luôn trong tình trạng thiếu  và đã  trở thành bài toán gây nhức nhối cho ngành giao thông.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 1,5 triệu xe máy và hơn 320.000 ôtô trong khi chỉ có khoảng vài chục bãi đỗ xe với sức chứa chỉ vài chục đến vài trăm xe một bãi. Điều đó đã khiến người dân vô cùng cơ cực mỗi khi tìm một chỗ gửi xe. Đặc biệt khi Nghị định 34/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được triển khai thực hiện quyết liệt, những vi phạm về dừng, đỗ xe sai quy định bị xử lý nặng khiến người trong cuộc luôn khóc dở mếu dở bởi đi đâu hỏi cũng hết chỗ gửi xe, trong khi để xe dưới lòng đường thì bị phạt.

Trong một bài viết của mình, PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến (Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) đã đưa ra những con số giật mình. Hiện, ở Hà Nội có gần 320.000 xe ô tô các loại, khoảng 1,5 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp, xích lô. Trong khi, chỉ có khoảng 134 điểm đỗ xe với tổng diện tích khoảng 258.890m2, cho phép đỗ trên 7.000 xe, trong đó 7 bến đỗ xe trong khuôn viên được xây dựng theo quy hoạch ổn định, với tổng diện tích là 185.250m2, chứa khoảng 2.800 xe. 127 điểm đỗ xe trên hè phố, đất lưu không với diện tích 73.639m2, chứa khoảng 4.500 xe. Khoảng 15 bến, bãi đỗ xe khách nội tỉnh và xe khách liên tỉnh với quy mô 1,15 ha. Ngoài ra, có khoảng 150 điểm trông giữ xe của các cơ quan tận dụng các diện tích như sân trường, bệnh viện, hầm ngầm của các khách sạn lớn, nhà chung cư... Như vậy, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới chỉ chiếm khoảng 0,72% quỹ đất xây dựng đô thị (5.676 ha), nếu tính cho đất nội thị (8.438 ha) thì chỉ chiếm 0,48%.

Theo thông tin từ Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh trong khu vực nội thành hiện đã hết. Còn tại các khu đô thị mới thì tình trạng thiếu trầm trọng bãi đỗ xe cũng thường xuyên xảy ra.  Tại khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, vỉa hè đã biến thành bãi đỗ xe khổng lồ. Phía sau tòa nhà chung cư 2F, N3A, N3B phần sân chơi dành cho trẻ em từ lâu đã biến thành bãi đỗ xe do Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác khu đô thị quản lý. Xe xếp chật cứng, chỉ còn một lối nhỏ dẫn vào thang máy.  Trong gần 40 tòa nhà cao tầng với hàng chục nghìn căn hộ đã đưa vào sử dụng thì có tới hơn chục tòa nhà không có tầng hầm, còn lại chỉ có 1 tầng hầm chủ yếu đủ trông xe máy, xe đạp.

Tại KĐT mới Văn Quán, nhân viên trông xe từ chối nhận xe vì bãi đỗ quá chật. KĐT Linh Đàm, Mễ Trì Hạ, Pháp Vân, Mỹ Đình…  cũng thiếu bãi đỗ xe nghiêm trọng vì nhiều tòa chung cư tại đây không có tầng hầm chứa ô tô. Áp lực bãi đỗ xe tăng cao còn do nhiều khu căn hộ cho thuê làm văn phòng hoặc kinh doanh dịch vụ. Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Lam - Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng cho biết: Đơn vị hiện quản lý khoảng 171 điểm đỗ, trông giữ xe trong khu vực nội thành, tổng diện tích hơn 106.000m2 với sức chứa 10.000 ô tô (chủ yếu tận dụng vỉa hè, lòng đường) nhưng mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng ôtô đăng ký mới trên địa bàn là gần 4.900 phương tiện, mô tô là 30.070 phương tiện… nâng tổng số xe trên địa bàn lên hơn 3,7 triệu phương tiện - chưa kể tới phương tiện từ các địa phương khác lưu thông về hàng ngày.

Điểm đỗ thiếu, nhưng nhu cầu của người dân lại ngày một tăng. Có cầu ắt có cung, hàng loạt bãi trông giữ xe tự phát mọc lên, thu phí vô tội vạ. Trên khắp các tuyến phố Hà Nội, rất hiếm nơi nào khách được gửi xe với giá  đúng theo quy định. Đặc biệt tại nhiều khu chung cư, chi phí hàng tháng cho dịch vụ trông giữ xe rất khá cao. Mới đây, chủ đầu tư tòa tháp cao nhất Việt Nam Keangnam quyết định giảm phí trông xe theo tháng còn 1,25 triệu đồng thay vì 1,462 triệu đồng như trước đó. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn chưa hài lòng vì cho rằng mức giá đưa ra còn quá cao.

Sẽ có bãi đỗ xe cao tầng và bãi đỗ xe ngầm

Trước tình trạng thiếu điểm đỗ, bãi trông giữ xe, mới đây Sở GTVT đã trình UBND TP Hà Nội kế hoạch phát triển hạ tầng GTVT giai đoạn 2011-2015. Theo đó, 5 năm tới, TP sẽ triển khai xây dựng khoảng 50 bãi đỗ, trông giữ xe theo phương thức xã hội hóa, với tổng kinh phí 926 tỉ đồng, tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông thêm từ 0,3-0,5%/năm để đạt 8,5%-9% vào năm 2015. Riêng đất dành cho giao thông tĩnh đạt 0,5%. Hiện nhiều bãi đỗ xe được hình thành trên đường giao thông, làm thu hẹp diện tích giao thông, dự kiến, sẽ có 12 bãi đỗ xe cao tầng lắp ghép kết hợp cơ giới hóa được đầu tư xây dựng. Giai đoạn đầu chủ yếu triển khai tại các công viên, vườn hoa như công viên Nghĩa Đô, Thủ Lệ, Tuổi Trẻ, Bách Thảo, Cổ Tân, Lý Tự Trọng… Đặc biệt, sẽ nghiên cứu xây dựng 5 bãi đỗ xe ngầm tại một số địa điểm trong trung tâm TP do thiếu mặt bằng làm nơi đỗ xe như vườn hoa Vạn Xuân, triển lãm Vân Hồ, triển lãm Giảng Võ…

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nghiên cứu, triển khai 4 dự án xây dựng điểm trông giữ xe thông minh tại các địa điểm: Số 1 Trần Nhật Duật (quận.Hoàn Kiếm), diện tích gần 1.600m2 điểm cuối phố Phùng Hưng, Hàng Lược, diện tích 150m2; điểm mương đã cống hóa phố Nguyễn Công Hoan, diện tích gần 1.400m2 và điểm dọc bờ tây sông Tô Lịch (từ cầu Lủ đến cầu Dậu), diện tích hơn 35.000m2.

Tuy nhiên đại diện Sở GTVT cho biết, cho đến nay các dự án mới đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, còn thời gian khởi công và nguồn vốn thì chưa được ấn định. Ngoài ra, đối với những dự sán xây dựng bãi đỗ xe thông minh hiện đang gặp rất nhiếu khó khăn, vướng mắc do mức đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn chậm nên không hấp dẫn các doanh nghiệp. Đơn cử, như bãi đỗ xe thông minh ở M5 Nguyễn Chí Thanh chỉ riêng về hệ thống thiết bị máy móc đã khoảng 1,3 triệu USD. Đấy là chưa tính đến các phần đầu tư, thi công  mặt bằng để đặt máy móc. Tuy nhiên hiện tại mức thu ban đầu 800.000-1.000.000 đồng/tháng xe gửi hàng tháng và mức phí 10.000 đồng/giờ với mỗi xe của khách. Mỗi tháng hơn 200 chỗ để xe tại đây cũng chỉ thu về khoảng 200-300 triệu đồng. Như vậy kể cả tăng mức phí lên 1,5 triệu đồng/xe/tháng thì cũng phải 10 năm nữa doanh nghiệp mới có thể thu hồi được vốn. Nhưng việc tăng  mức thu phí đối với người sử dụng phương tiện thuê bãi là rất khó, nên doanh nghiệp đầu tư đang lưỡng lự, không mấy mặn mà với bãi xe thông minh.

Để tìm lối thoát có tính hiệu quả và lâu dài cho bãi đỗ xe trong bối cảnh ngày càng tăng cao các phương tiện giao thông, thành phố Hà Nội cần có những chính sách rõ ràng và biện pháp quyết liệt hơn nữa.

Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đều dành khoảng 15%-25% diện tích đất xây dựng đô thị cho giao thông động, 3%-5% cho giao thông tĩnh. Trong khi đó, ở nước ta, giao thông động chỉ chiếm từ 6%-7%, còn giao thông tĩnh chưa đạt tới 1% diện tích đất xây dựng.
UBND TP Hà Nội vừa bàn giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe cao tầng đầu tiên tại Mỹ Đình, Từ Liêm. Theo đó, Công ty CP Đầu tư tài chính và địa ốc FLC sẽ tiếp nhận 4500m2 tại xã Mỹ Đình để thực hiện công trình bãi đỗ xe cao tầng. Trong số hơn 4.500 m2 đất, thành phố yêu cầu phải dành hơn 3.600 m2 đất để xây dựng công trình bãi đỗ xe cao 5 tầng và trồng cây xanh; 979 m2 đất nằm trong chỉ giới mở đường theo quy hoạch không được xây dựng công trình.