Hà Nội: Hiệu quả trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù

Bài 4: Nhận diện những khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Những khó khăn, thách thức đã được nhìn nhận trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù trên địa bàn Thành phố.

Nhờ việc chủ động đưa nội dung thực hiện biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù vào kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân, cùng với đó là sự phối hợp tốt giữa lực lượng Công an với với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi, người chấp hành xong hình phạt tù chưa tiến bộ tại cộng đồng dân cư đã phòng ngừa tốt, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái phạm và vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương, đồng thời đã nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng và quần chúng nhân dân.

Lao động và việc làm sẽ giúp phạm nhân đẩy nhanh quá trình tái hòa nhập cộng đồng

Lao động và việc làm sẽ giúp phạm nhân đẩy nhanh quá trình tái hòa nhập cộng đồng

Việc phối hợp tổ chức tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng đã giúp tăng cường sự liên kết, gắn bó giữa các cơ quan, tổ chức xã hội, lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự...

Một số mô hình tái hòa nhập cộng đồng hoạt động hiệu quả ở một số địa phương đã không những góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương mà còn giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, có ích cho xã hội, thậm chí một số trường hợp còn tạo được công ăn, việc làm ổn định cho nhiều người khác ở địa phương. Từ đó, đã có tác động tích cực, góp phần vào việc thực hiện các chương trình, kết hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Quá trình thực hiện, cơ quan chức năng đã đúc kết, nhận diện được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm

Về tồn tại, hạn chế, việc triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, thiếu tính sáng tạo, năng động trong việc đề ra chủ trương, biện pháp, cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể ở từng địa bàn, việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chưa được thực hiện thường xuyên nên hiệu quả chưa cao, ở một số địa phương còn hiện tượng giao phó cho lực lượng Công an, chưa huy động được sức mạnh của các ban, ngành, đoàn thể tham gia. Do đó, số lượng mô hình đã xây dựng còn hạn chế, hiệu quả hoạt động mô hình chưa cao, ít có mô hình điển hình để nhân rộng.

Bên cạnh đó, tuy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng các chủ trương, chính sách của Đàng và Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng nhưng vẫn chưa thay đổi được nhận thức của một bộ phận người dân, dẫn đến vẫn còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong án phạt tù. Về phía người chấp hành xong án phạt tù, một số còn chưa thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, nhiều người không chấp hành quy định của pháp luật về cư trú, tiếp tục vi phạm pháp luật. Một số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương vẫn còn tư tưởng mặc cảm với quá khứ tội lỗi, tự ti nên khi gặp khó khăn về đời sống kinh tế, việc làm, thiếu sự quan tâm của cộng đồng dân cư đã thiếu quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Mặc dù đã có sự quan tâm, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù nhưng số lượng người được nhận vào làm tại các doanh nghiệp hoặc được vay vốn để tự sản xuất, kinh doanh còn thấp.

Về nguyên nhân, việc tổ chức cho phạm nhân học nghề tại các trại giam thuộc Bộ Công an chưa đa dạng về ngành nghề, một số ngành nghề phạm nhân được học không phù hợp với thực tiễn ở địa phương nên khó tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, gia đình còn hạn chế, vẫn có trường hợp cơ quan, đoàn thể, gia đình được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng nhưng chưa nhận thức được trách nhiệm của mình nên thực hiện còn hình thức, không sát sao, thiếu trách nhiệm, cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng cơ quan Công an. Việc phân công cán bộ chuyên trách quản lý, theo dõi chưa cụ thể, một số Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức xã hội chưa nhận thức và thực hiện đầy đủ về việc tiếp nhận, phân công người giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù ở địa phương mình quản lý.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi, có thời điểm chưa có sự quan tâm đúng mức; có những đối tượng không có mặt tại địa phương nên cơ quan chức năng không thể tiếp xúc để phổ biến giáo dục pháp luật; có đối tượng còn e ngại, tự ti, không muốn tiếp xúc với cơ quan Công an, chính quyền địa phương, cộng đồng xung quanh nên việc phổ biến giáo dục pháp luật cũng gặp khó khăn nhất định…