Theo chỉ huy CAQ Đống Đa, mấu chốt trong việc thực hiện thành công bước đầu Kế hoạch 231 của CATP, là sự gương mẫu, quyết liệt của người chỉ huy; là tính thống nhất cao trong chỉ đạo; là sự sâu sát, chắc chắn về tổ chức điều tra cơ bản trong công tác quản lý về ANTT và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các đối tượng kinh doanh tài chính bất hợp pháp trên địa bàn.
Muôn mặt “cạm bẫy” tín dụng
Nhận định các loại tội phạm hoạt động dưới hình thức kinh doanh tài chính, “tín dụng đen” có nhiều diễn biến phức tạp, là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, đổ chất bẩn chất thải vào nhà riêng... CAQ Đống Đã đã tổ chức rà soát trên toàn bộ địa bàn. Qua thống kê cho thấy số con nợ chủ yếu là thành phần các đối tượng ăn chơi, cờ bạc, tiếp viên nhà hàng... do không có tiền đã chấp nhận vay với lãi suất cao. Đến khi không có khả năng chi trả thì trốn tránh, nên bị các đối tượng cho vay nợ đến tận nhà đe dọa, gây sức ép để buộc phải thanh toán.
Hiện trường một vụ "khủng bố" người vay tiền chậm thanh toán nợ bằng cách đổ chất bẩn vào cửa nhà để gây áp lực
Mặt khác, để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, các đối tượng kinh doanh “tín dụng đen” thường không có địa điểm cố định mà thay đổi lưu động thường xuyên như các quán nước vỉa hè, quán cà phê trên nhiều địa bàn. Cứ đến giờ thu tiền, các đối tượng này sẽ thông báo cho "con nợ" biết địa điểm hoặc cử người đến tận nơi ở, nơi làm việc của "con nợ" để thu tiền. Chính vì vậy, việc đấu tranh phòng ngừa cũng như đưa vào quản lý các đối tượng này là vô cùng khó khăn.
Qua nắm tình hình, các trinh sát Đội CSHS - CAQ Đống Đa phát hiện có sự thay đổi về phương thức thủ đoạn hoạt động của các đội tượng này. Đó là ngoài việc tổ chức “tiếp thị” đến từng ngõ ngách bằng cách dán tờ rơi quảng cáo thì chúng còn chia nhỏ nguồn tiền và phát triển mạng lưới cho vay theo kiểu kinh doanh đa cấp. Các thành viên tổ chức tuyển cộng tác viên trên các trang mạng xã hội để tìm khách hàng. Mỗi khi giới thiệu được một khách vay tiền thì kẻ giới thiệu sẽ được chi phần trăm hoa hồng và một phần lợi nhuận từ khách vay đó.
Đổ chất bẩn vào nhà để gây áp lực với "con nợ" là cách mà các đối tượng kinh doanh "tín dụng đen" quen dùng
Các đối tượng cho vay, bốc bát họ... còn thông qua việc cho vay để tuyển dụng thêm tay chân mở rộng mạng lưới, mở rộng địa bàn. Thậm chí nhiều đối tượng cho vay ở cấp thấp còn giới thiệu cả người nhà, người quen để vay tiền của nhóm đối tượng cầm đầu (thường gọi là công ty) để được hưởng phần trăm lợi nhuận. Cùng với sự phát triển của mạng lưới vay tiền, chúng còn lôi kéo cả những đối tượng tham gia chỉ mới 15-16 tuổi trong các trường học, từ đó đưa “tín dụng đen” xâm nhập vào học đường.
Phương thức và thủ đoạn khi cho vay theo hình thức “tín dụng đen” thường là chúng sẽ yêu cầu kiểm tra chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Sau đó cử người đến tận nhà “thẩm định” năng lực chi trả của "con nợ", từ đó mới tiền hành cho vay, cắt lãi, chi trả tiền công cho kẻ đi thu nợ. Bản thân người vay cũng chỉ biết số điện thoại của người cho vay (chủ yếu là sim rác) chứ không hề biết chủ nợ ở đâu, nhân thân thế nào. Chính vì vậy khi chậm trả nợ và bị đe dọa, đổ chất bẩn, họ cũng không biết kẻ chủ mưu là ai để trình báo cơ quan công an.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Đứng trước những khó khăn, phức tạp của tình hình hoạt động "tín dụng đen", CAQ Đống Đa bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ đã lên danh sách được tổng số các cơ sở, cá nhân có hoạt động kinh doanh tài chính, từ đó sàng lọc ra các đối tượng hợp pháp và bất hợp pháp. Thiếu tá Lê Trọng Hiếu, Đội phó Đội CSHS - CAQ Đống Đa cho biết: “Nhờ nắm tốt tình hình, đến nay đơn vị đã tập trung đánh mạnh vào các băng nhóm cầm đồ, "tín dụng đen" và làm rõ được 14 vụ đổ chất bẩn. Xử lý hình sự, khởi tố 3 đối tượng và xử lý hành chính 3 vụ với 9 đối tượng, đang chờ xử lý 5 đối tượng đã từng gây ra 10 vụ đổ chất bẩn, chất thải khác nhằm khủng bố "con nợ". Bên cạnh đó đơn vị cũng xử lý được 2 vụ cướp tài sản, 3 vụ cưỡng đoạt tài sản, khám phá bắt giữ tổng số 8 đối tượng. Tất cả những vụ việc này đều xuất phát từ nguyên nhân vay nợ theo kiểu "tín dụng đen" mà ra”.
Nhóm đối tượng Long, Quân, Vương bị Đội CSHS - CAQ Đống Đa bắt giữ
Trong số các vụ án có nguồn gốc từ loại tội phạm “tín dụng đen”, cần nhắc đến vụ nhóm đối tượng Nguyễn Thành Long, Trần Hồng Quân và Lê Văn Vương cho anh Đỗ Đình Hưng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) vay nợ và sau đó dẫn đến hành vi cưỡng đoạt tài sản. Vụ việc bắt đầu khi anh Hưng vay của Long 35 triệu đồng nhưng sau đó bỏ trốn không chi trả. Tháng 1 -2017, Long rủ đồng bọn tìm đến nhà mẹ anh Hưng là bà Trần Thị Tam (ở Tập thể Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) gây áp lực buộc bà Tam phải trả nợ thay.
Sau nhiều lần đòi không được, nhóm đối tượng đã có hành vi đe dọa, chửi bới, thậm chí dùng dây thép buộc, khóa cửa ngoài khiến gia đình bà Tam không thể ra được. Do lo sợ và ngại dư luận với hàng xóm nên bà Tam đã phải thanh toán cho nhóm của Long số tiền 25 triệu đồng dù bản thân bà không hề liên quan đến sự việc. Tuy nhiên, để đòi được số tiền 10 triệu đồng còn lại, nhóm của Long đã tổ chức mua mắm tôm, chất bẩn ném vào nhà bị hại. Những lần sau đó, nhóm này còn liên tiếp tìm đến cũng như gọi điện đe dọa bà Tam và người thân trong gia đình bà buộc nạn nhân phải cầu cứu cơ quan công an.
Qua điều tra và thu thập tài liệu chứng cứ, CAQ Đống Đa đã bắt khẩn cấp nhóm đối tượng trên. Tại cơ quan công an, Long, Quân, Vương đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và vụ án sau đó đã được đưa ra truy tố trước pháp luật.
Mỗi ổ nhóm, đối tượng hoạt động "tín dụng đen" bị bóc gỡ, triệt phá, CAQ Đống Đa đã góp thêm sự bình yên cho thành phố. Đó cũng là minh chứng cho sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, quyết liệt của Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP, trước những sự việc, hiện tượng bất ổn về ANTT.