Hà Nội chủ động và hiệu quả trong công tác tái hòa nhập cộng đồng

Bài 3: Nhìn nhận kỹ những thuận lợi, khó khăn

ANTD.VN - Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành, đoàn thể từ Thành phố Hà Nội đến cơ sở quan tâm thực hiện, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù, giáo dục, giúp đỡ họ có ý thức vươn lên, làm lại cuộc đời, hòa nhập cộng đồng.

Lực lượng Công an các cấp thuộc Thành phố đã làm tốt công tác tham mưu Đảng ủy, UBND các cấp trong chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng cùng phối hợp với lực lượng Công an làm tốt những nhiệm vụ được giao trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa phương, tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng; hạn chế các điều kiện tái phạm tội, vi phạm pháp luật.

Hỗ trợ vốn vay là yếu tố quan trọng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng

Hỗ trợ vốn vay là yếu tố quan trọng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng

Nhiều đơn vị, địa phương, ban ngành, đoàn thể, gia đình được sự tham mưu, hướng dẫn của lực lượng Công an cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo, xây dựng được nhiều mô hình mới giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù đạt hiệu quả cao, trở thành những gương tiêu biểu xứng đáng được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.

Công an các xã, phường, thị trấn cơ bản đã thực hiện tốt biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng; chủ động rà soát địa bàn, xác định diện đối tượng cần thiết phải tổ chức tái hòa nhập cộng đồng; thu thập tài liệu bổ sung, phân loại, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất việc để sót lọt đối tượng trong diện cần thiết tái hòa nhập cộng đồng, kể cả số đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn. Đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể giúp đỡ, giới thiệu việc làm, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho đối tượng, giúp họ thoát khỏi tâm lý tự ti, mặc cảm, tích cực trong các hoạt động cộng đồng, góp phần làm giảm nguy cơ vi phạm pháp luật của đối tượng.

Cần thường xuyên trang bị kiến thức trên nhiều lĩnh vực cho người có quá khứ lầm lỗi (ảnh minh họa)

Cần thường xuyên trang bị kiến thức trên nhiều lĩnh vực cho người có quá khứ lầm lỗi (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, có không ít những khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng về công tác tái hoà nhập cộng đồng của một số ít cấp uỷ, chính quyền ở cơ sở chưa đầy đủ, dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện còn chưa quyết liệt, nên chưa thực sự huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự chung tay tham gia của cộng đồng xã hội trong công tác này.

Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tái hoà nhập cộng đồng của một số Công an cấp huyện, cấp xã phải kiêm nhiệm nhiều mặt công tác khác nhau; cán bộ mới tiếp nhận làm công tác này còn chưa nắm chắc được các nội dung, văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác tái hòa nhập cộng đồng, dẫn đến việc tham mưu tổ chức triển khai, thực hiện công tác chưa đạt được hiệu quả cao trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối người chấp hành xong án phạt tù.

Tuy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng các chủ trương, chính sách của Đàng và Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng nhưng vẫn chưa thay đổi được nhận thức của một bộ phận người dân, dẫn đến vẫn còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong án phạt tù.

Về phía người chấp hành xong án phạt tù, một số còn chưa thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, nhiều người không chấp hành quy định của pháp luật về cư trú, tiếp tục vi phạm pháp luật. Một số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương vẫn còn tư tưởng mặc cảm với quá khứ tội lỗi, tự ti, số người chấp hành xong án phạt về địa phương có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật kém, một số không có tay nghề, lười lao động…. đối với số đối tượng này nếu được vay vốn thì khả năng thu hồi là rất khó nhưng trong Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg chưa có hướng dẫn rõ ràng về các trường hợp này nên Công an cấp xã lúng túng trong việc rà soát, vận động người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất, kinh doanh...

(còn nữa)