Bài 3: Không thể đổ thừa cho quá tải

(ANTĐ) - Nói đến BV bất cứ ai cũng nghĩ ngay đến quá tải. Dẫu vậy, mọi nguyên nhân phát sinh trong BV không thể đổ thừa cho quá tải, đặc biệt là những khu nhà vệ sinh (NVS).

Ám ảnh nhà vệ sinh bệnh viện:

Bài 3: Không thể đổ thừa cho quá tải

(ANTĐ) - Nói đến BV bất cứ ai cũng nghĩ ngay đến quá tải. Dẫu vậy, mọi nguyên nhân phát sinh trong BV không thể đổ thừa cho quá tải, đặc biệt là những khu nhà vệ sinh (NVS).

>>> Bài 2: Nghịch lý

>>> Bài 1: Nỗi kinh hoàng của bệnh nhân

Chúng ta có thể đầu tư những NVS hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, nhưng một khi nhận thức của người dân còn hạn chế thì không ai dám chắc những khu NVS cải tạo thậm chí xây mới sẽ ra sao nếu người bệnh lẫn người nhà BN vẫn thiếu ý thức.

Cha chung không ai khóc

Trước đây, hầu hết tại các khoa, phòng của BV Việt-Đức khá bẩn, BN đi lung tung, vứt phế phẩm không đúng chỗ, một nhà vệ sinh có quá nhiều người dùng, trong khi không có người thường xuyên theo dõi nhắc nhở thì nay những vấn đề này đã được khắc phục. BS Nguyễn Văn Thư - Trưởng phòng Hành chính Quản trị - BV

Việt-Đức cho biết: “Hiện ngoài lực lượng y tá, hộ lý được cử để giám sát và phổ biến nội quy cho người nhà BN cũng như BN đang điều trị trong BV, BV còn thuê thêm hơn 100 nhân viên của Công ty Vệ sinh công nghiệp (ITC) dọn vệ sinh liên tục 3 ca. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục tới các khoa, phòng, từng giường bệnh hướng dẫn cách sử dụng NVS cũng như nâng cao ý thức của người bệnh. Đặc biệt, BV đã cho xây khu dành cho người nhà BN để giảm tình trạng quá tải, song quan trọng vẫn là ý thức và trình độ nhận thức của người dân”.

Bồn tiểu cho nam bị “băng bó” do bệnh nhân sử dụng sai mục đích
Bồn tiểu cho nam bị “băng bó” do bệnh nhân sử dụng sai mục đích

Chuyện khá phổ biến ở các BV là mặc dù đã có biển chỉ dẫn “Đi xong dội nước” hay “Bỏ giấy vào thùng”, song nhiều người vẫn làm ngơ, vô tư bỏ giấy bừa bãi. Bên cạnh những cố gắng giữ gìn môi trường của các BV, trang bị đầy đủ các vật dụng trong nhà tắm, NVS thì một số người thiếu ý thức còn vứt đồ cá nhân của phụ nữ bừa bãi trong khu vệ sinh, thậm chí có người còn bẻ trộm vòi hoa sen, tay nắm cửa, vòi nước… Họ sử dụng bừa bãi đến nỗi hầu hết những chỗ tiểu đứng dành cho nam ở khu nhà 11 tầng - BV Việt-Đức phải “băng bó” túi nilon bên ngoài để hạn chế người sử dụng. Tuy nhiên, do số người sử dụng NVS quá đông và không có chỗ để “giải quyết” nên họ cứ đi “bừa” cả vào chỗ hỏng.

Quá lạc hậu và thiết kế không phù hợp

Đây là khẳng định của TS.BS Nguyễn Duy Thắng - Phó Giám đốc BV Nông nghiệp khi trao đổi với chúng tôi. TS.BS Thắng khẳng định: “Để giải quyết vấn đề quá tải NVS trong BV giải pháp lâu dài hơn cả là đập đi xây mới toàn bộ những khối nhà cũ. Những tòa nhà BV Nông nghiệp được xây dựng cách đây trên 30 năm nên không còn phù hợp với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân hiện nay. Trước đây, mỗi khoa chỉ có 30 giường bệnh thì đến nay số giường bệnh đã gấp 2-3 lần. Trong khi đó, NVS lại chỉ có một cái, thậm chí có khoa còn phải dùng chung với khoa khác thì lấy đâu ra chỗ phục vụ BN”.

Cùng chung quan điểm với TS.BS Thắng, BS Đặng Văn Chính - Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết: “Hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra những quy định chung về phòng bệnh đạt chuẩn. Bên cạnh đó, khi xây dựng những toà nhà trong các khoa, phòng điều trị, chúng ta vẫn chưa thực sự quan tâm đến khâu thiết kế sao cho phù hợp để BN vừa dễ sử dụng, vừa đáp ứng được nhu cầu người bệnh. Qua quá trình sử dụng, BV thấy rằng, những NVS nằm trong các khoa, phòng, BN bảo quản và giữ vệ sinh tốt hơn những NVS chung. Đây chính là điều chúng ta nên tính đến trước khi xây dựng”.

Hiện nay, nhiều BV lớn của Hà Nội đã và đang sử dụng những tòa nhà quá cũ, với tuổi thọ lên tới hàng chục năm, có khu nhà lên đến hàng trăm năm điển hình như BV Việt-Đức, BV Thanh Nhàn, BV Xanh Pôn, BV Nông nghiệp, BV Bạch Mai. Mặc dù, qua thời gian sử dụng những BV này cũng có cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhưng không thể thay đổi thiết kế ban đầu và đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vì vậy, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đáp ứng đủ nhu cầu khám, điều trị bệnh tại các BV kéo theo hàng loạt những vấn đề đặc biệt là ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu NVS đang diễn ra hiện nay.

Để giải quyết tình trạng quá tải, giảm nguy cơ phát sinh mầm bệnh ở những khu NVS tại các BV, đã đến lúc Bộ Y tế cùng các cơ quan có chức năng nên xây dựng một giải pháp mang tính lâu dài và đồng bộ cho vấn đề này. Hơn nữa, trong khi chờ thay đổi được cái lớn, các BV nên quan tâm, cải tiến những cái nhỏ để đảm bảo sức khỏe cho người dân và mỗi người bệnh cần nâng cao nhận thức, có ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn vệ sinh chung cho chính mình và cộng đồng.

Ngọc Hân