Uống rượu, bia xong cầm lái ô tô, xe máy không khác gì giết người hàng loạt:

Bài 2 - Xem xét xử lý lái xe sử dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng như tội giết người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, thuộc tổ 2, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang đêm 2-6 khiến 3 người tử vong hiện đang trở thành tâm điểm của dư luận. Bức xúc, lên án gay gắt, thậm chí phẫn nộ là tâm lý chung của dư luận xoay quanh vụ việc… Trước đó, rất nhiều vụ tai nạn giao thông tương tự đã xảy ra mà nguyên nhân là do người gây tai nạn có sử dụng rượu, bia trước khi lái xe. Vậy, tại sao tình trạng này vẫn tiếp diễn? Liệu có phải chế tài xử lý quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm:

“Sử dụng rượu bia hay chất kích thích sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và nhận thức của người điều khiển phương tiện, nên việc xảy ra tai nạn là điều khó tránh khỏi. Mặc dù ai cũng hiểu được những tác hại của rượu, bia và tính nguy hiểm khi điều khiển phương tiện, nhưng trên thực tế tình trạng người điều khiển phương tiện vẫn cố tình sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông luôn là vấn nạn, gây ra hiểm họa khôn lường cho xã hội.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Luật phòng chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2019 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đã quy định tại Điều 5, có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa. Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe…

Luật giao thông đường bộ đã quy định tại Điều 8, các hành bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe ô tô đã uống rượu với mức cao nhất (Theo quy định tại Điều 5): Nồng độ cồn trong máu vượt quá 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lml khí thở phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ có thời hạn tùy từng trường hợp.

Hiện trường vụ lái xe uống rượu, bia gây tai nạn ở đường Láng (Hà Nội) khiến một nữ lao công tử vong
Hiện trường vụ lái xe uống rượu, bia gây tai nạn ở đường Láng (Hà Nội) khiến một nữ lao công tử vong

Về trách nhiệm hình sự, đối với hành vi người điều khiển phương tiện có lỗi, sử dụng rượu bia hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất 15 năm tù giam.

Như vậy, về cơ bản, quy định của pháp luật hiện hành đã có chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, tùy theo tính chất mức độ, hậu quả sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo 100/2019/NĐ-CP, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện vẫn đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt sau khi đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây hậu quả thảm khốc, cướp đi sinh mạng của nhiều người đang là nỗi lo chung cho sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông và cũng là bài toán đặt ra cho các cơ quan quả lý Nhà nước cần có thêm những giải pháp để ngăn ngừa những hành vi vi phạm.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, cần xem xét xử lý hành vi sử dụng rượu, bia rồi lái xe gây tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như tội giết người, cố ý gây thương tích

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, cần xem xét xử lý hành vi sử dụng rượu, bia rồi lái xe gây tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như tội giết người, cố ý gây thương tích

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, cần có những giải pháp để ngăn ngừa và phòng chống tác hại của hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông như:

Tuyên truyền phổ biến pháp luật về tác hại của rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ bằng các hình thức qua tin nhắn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…;

Đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải luôn ý thức bản thân “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Nếu xác định uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện là hành vi cố ý, chấp nhận sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nên xảy ra hậu quả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật;

Cán bộ công chức, viên chức phải nêu gương trong việc thực hiện nghiêm Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và chấp hành luật giao thông đường bộ;

Chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ phương tiện phải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông;

Lực lượng Cảnh sát giao thông, người có thẩm quyền thường xuyên, liên tục có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông, hoặc gây ra tai nạn giao thông. Không vì nể nang, e ngại mà bỏ qua quy trình tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn tại địa phương mình quản lý;

Xem xét hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển ô tô gây hậu quả nghiêm trọng là lỗi cố ý gián tiếp để xử lý về các tội thuộc nhóm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác như tội giết người, cố ý gây thương tích…

Bởi lẽ, pháp luật buộc công dân phải nhận thức được khi đưa vào cơ thể mình rượu, bia hay chất kích thích mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, thấy trước được hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả.

Trong trường hợp này, lỗi của người vi phạm thuộc lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm đến đó.