Huyền thiêng côn đảo:

Bài 2: Từ địa ngục trần gian đến thiên đường du lịch

(ANTĐ) - Đặc thù mỗi năm có chừng 4, 5 tháng mùa biển động, gió chướng khiến Côn Đảo không phát triển được nghề nuôi trồng thủy sản.
Bài 2: Từ địa ngục trần gian đến thiên đường du lịch ảnh 1
Hệ thống biển, khu nghỉ ở Côn Đảo giống như những bức tranh thủy mặc

Nhưng mảnh đất này lại tạo được dấu ấn cho riêng mình bằng sự hoang sơ của các bãi biển, sự u trầm của khu vườn rừng quốc gia, và cả những chứng tích tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ: hệ thống nhà tù!Nối gần những chuyến đi Nếu như chừng 5 năm về trước, việc đến Côn Đảo chỉ có thể đáp ứng bằng thuyền cao tốc, và ngày 2 lần tàu bay, thì bây giờ, mỗi ngày Côn Đảo có tới 14 chuyến bay đi-về. Cảng hàng không Côn Đảo, hay như cách gọi dân dã của người dân địa phương-sân bay Cỏ Ống-luôn nườm nượp khách. Tới Côn Đảo lần đầu tiên, không ít người lạ lẫm với danh từ Cỏ Ống. Danh từ này được đặt tên cho sân bay, và cả trục đường chính từ sân bay về trung tâm Côn Đảo, bởi khu vực này thuở trước mọc nhiều loại cỏ Ống, thân như cây trúc, cao chừng 1 mét, chạy dài hai bên trục đường. Sau giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp quản Côn Đảo, đường Cỏ Ống vẫn là trục đường chừng 15km nằm trên các triền núi, trên các rẻo rừng mọc giữa núi đá xanh. Từng bước một, Nhà nước đã đầu tư, hạ dần độ cao của đường Cỏ Ống xuống chân các triền núi, vẫn quanh co, khúc khuỷu nhưng an toàn hơn đối với du khách. Đến Côn Đảo bây giờ đơn giản, thuận tiện hơn nhiều so với chục năm trước. Người dân Côn Đảo bảo, phần đông du khách đến đảo là người Thủ đô. Từ Hà Nội đi máy bay vào TP Hồ Chí Minh, chuyển tiếp máy bay chừng 45 phút là đến sân bay Cỏ Ống. Thêm chừng 45 phút nữa trên xe buýt, bạn đã đặt chân đến thủ phủ Côn Đảo.Phát triển du lịch tâm linh Côn Đảo có ưu thế bởi sự hoang sơ của những bãi cát trắng miên man, những hàng dương ngút tầm mắt, và quần thể rừng quốc gia, núi đá xanh hùng vĩ. Côn Đảo hiện có 5 khu resort, gồm 3 khu của tư nhân, 1 khu của Nhà nước và 1 khu của một Tập đoàn thương mại Mỹ. Mỗi khu đáp ứng được nhu cầu ăn nghỉ của cả trăm lượt khách, và luôn tấp nập vào những tháng trái mùa gió chướng. Đêm ở Côn Đảo, thú vị nhất là được nghe tiếng sóng biển hòa nhịp cùng điệu reo của những hàng dương. Gió lồng lộng song không tạo cảm giác lạnh. Cát ở Côn Đảo đều là cát trắng. Mỗi trận gió biển thổi vào, cát cuộn thành những con thoi chạy dài bên bờ bãi, và chỉ mấp mé mắt cá chân du khách chứ không bao giờ bị cuộn lên mặt. Trước giải phóng, Côn Đảo còn được gọi là Côn Lôn, là đảo chính trong hệ 16 đảo nhỏ vùng cửa biển. Ở 16 khu đảo này, duy nhất Côn Đảo có người sinh sống, bởi vị trí trung tâm của nó, và nhất là hệ thống bãi bờ tuyệt đẹp. Lang thang Côn Đảo cả ngày trời, tuyệt nhiên không thấy rác thải. Côn Đảo hấp dẫn du khách bởi những bãi tắm nước trong leo lẻo, soi rõ tận đáy, và sóng biển không cao quá đầu người. Độ thoải của những bãi tắm khiến con trẻ đến Côn Đảo cũng có thể vô tư hòa mình vào biển. Đó là chưa kể đến những bãi tắm như khu Bến Đầm, du khách vừa tắm biển, vừa chiêm ngưỡng những rặng núi có những tảng đá chơ vơ như… sắp rời khỏi đỉnh. “Đặc sản” du lịch không thể thiếu khi đến Côn Đảo chính là hệ thống các nhà tù, cùng những địa danh bao phen chứng kiến gương hy sinh dũng cảm của những người tù cách mạng. Cầu 914, Ma Thiên Lãnh, Sở Lò vôi, “chuồng cọp” Mỹ, “chuồng cọp” Pháp, bãi Sọ người, nghĩa trang Hàng Dương… Gần 40 năm qua, những chứng tích lịch sử ấy có cái đã xuống cấp, hoang phế, song nhiều điểm đã được trùng tu, phục dựng, giúp du khách đến Côn Đảo hiểu được phần nào khái niệm “địa ngục trần gian” thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chiếm đóng. Côn Đảo-một trong bảy hệ thống rừng quốc gia đang được bảo tồn hiện nay, cũng chính là một trong năm nhà tù khét tiếng thời trước khi giải phóng.
Bài 2: Từ địa ngục trần gian đến thiên đường du lịch ảnh 2
Tái hiện cảnh chế độ cai trị tra tấn tù binh
Hơn 130 năm kể từ khi thực dân Pháp đặt chân chiếm Côn Đảo, rồi sau đó thiết lập hệ thống nhà tù; trải qua 53 đời chúa đảo, có trên 2 vạn lượt người tù đã nằm lại trên mảnh đất này. Phần lớn trong đó là tù chính trị. Cứ liệu mà BQL di tích Côn Đảo lưu giữ cho thấy, trong hơn 2 vạn người đã khuất trên Côn Đảo, chỉ có chưa đầy 2.000 ngôi mộ được tìm thấy. Những người còn lại, hoặc bị ném ra biển, hoặc bị vùi xuống dưới lớp cát trắng. Khái niệm “du lịch tâm linh” ở Côn Đảo có lẽ xuất phát từ thảm kịch quá khứ đầy bi thương này. Thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo bây giờ mới hiểu được chế độ cũ đã “cai trị” những người tù thế nào. Thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, duy nhất ở Côn Đảo có một chế độ cai trị nhà tù. Tất cả chỉ có đàn áp và đàn áp. Mỗi địa danh bây giờ được đặt tên theo đúng hình thức mà bọn cai trị đã áp dụng với tù nhân. Khu “chuồng bò”: tù nhân bị dìm ngập đầu xuống những bể phân bò, tra tấn. “Chuồng cọp” Pháp: tù nhân bị tra tấn bằng vôi bột vào mùa hè, và nước thải vào mùa rét. Cai ngục còn dùng những cây gậy tre dài cả mét, đứng trên cao chọc xuống những tù nhân dám nói chuyện hay cựa mình mạnh. Đáng sợ hơn cả là “chuồng cọp” Mỹ; đã hơn 35 năm nhưng khi đến Côn Đảo những ngày này, chúng tôi vẫn ngộp thở bởi không gian chật chội, bức bí của các “chuồng cọp”. Có “chuồng cọp” rộng không quá 10m2 nhưng nhốt tới 30 tù nhân. Phía trước khu “chuồng cọp” này, chế độ cai trị bố trí khoảng sân rộng, có cây xanh mướt. Mục đích của nó để những người tù nhân khi ở trong “chuồng cọp”, nhìn ra khoảng sân vườn sẽ nao núng ý chí đấu tranh. So với những kiểu tra tấn “chuồng bò”, Sở lò vôi thời Pháp, hệ thống “chuồng cọp” của Mỹ bị đánh giá tàn độc hơn, bởi nó tác động trực tiếp đến tâm lý của người tù.