Bài 2: Thận trọng kẻo mang “tật”

(ANTĐ) - Để tìm câu trả lời chính xác về “hàng xách tay”, chúng tôi đã tìm đến hãng mỹ phẩm Lancôme - một trong những hãng mỹ phẩm nổi tiếng có lượng sản phẩm tiêu thụ mạnh tại thị trường Việt Nam.

Mua “hàng xách tay”: “May nhờ, rủi chịu”:

Bài 2: Thận trọng kẻo mang “tật”

(ANTĐ) - Để tìm câu trả lời chính xác về “hàng xách tay”, chúng tôi đã tìm đến hãng mỹ phẩm Lancôme - một trong những hãng mỹ phẩm nổi tiếng có lượng sản phẩm tiêu thụ mạnh tại thị trường Việt Nam.

>>> Bài 1: Nhập nhèm hàng ngoại

Có thể quan sát bằng mắt thường

Vừa thấy hộp phấn phủ nhãn hiệu Lancôme trên tay chúng tôi, bà Đinh Thu Cúc - cửa hàng trưởng cửa hàng mỹ phẩm Lancôme ở siêu thị Parkson - Hà Nội khẳng định ngay: “Đây là hàng giả. Vỏ ngoài của hộp được làm nhái theo mẫu của hàng chính hãng không còn lưu hành trên toàn thế giới cách đây 3 năm.

Về mặt cảm quan, sản phẩm phấn phủ chính hãng được bày bán vỏ riêng và hộp riêng. Khi hết phấn khách hàng chỉ cần mua phấn khác thay vào hộp. Vỏ hộp được thiết kế tinh xảo sắc nét, đóng nhẹ nhàng và khít. Trong khi đó ở sản phẩm giả, ngăn đựng phấn cũng như bông đánh phấn nhỏ hơn so với bình thường, đóng hộp không khít, ngày sản xuất in không đúng theo quy định chung, hình bông hoa trên bề mặt ngăn phấn bị in ngược và rất cẩu thả, mùi phấn có độ hắc hơn so với sản phẩm chính hãng, giấy chắn bảo vệ hộp phấn mềm, không trùng khít với hộp.

Khi đánh phấn giả, da sẽ bị bờ, không có chiều sâu nên nhìn không thật. Giá sản phẩm chính hãng cũng cao hơn. Hộp gồm cả vỏ, cả phấn có giá 1.180.000đ. Nếu sử dụng thường xuyên sản phẩm của Lancôme khách hàng có thể nhận biết được đâu là sản phẩm thật, đâu là hàng giả bằng mắt thường”…

Cũng theo bà Cúc, để khách hàng không mua phải hàng giả, hãng mỹ phẩm Lancôme đã có thông báo tại điểm bán sản phẩm trong đó nêu rõ cách phân biệt: Hàng thật bao bì sắc nét, mã code được in đầy đủ, các thông tin được in rõ ràng và không sai lỗi chính tả. Giấy in bóng    đẹp.

 Vỏ nhựa (hay thủy tinh) của sản phẩm bóng đẹp, sắc nét và tinh xảo, logo cũng như các chữ viết trên đó sắc cạnh, không lem nhem và dây mực, các đường viền, nét cạnh, gờ của vỏ sản phẩm được cán sắc sảo. Màu sắc của sản phẩm phải mới, tươi mát, khi quan sát bằng mắt thường màu sắc chất liệu kem phải có độ bóng, không bị xỉn, đục màu. Sản phẩm tuyệt đối không có mùi khét hoặc mùi dầu cũng không quá thơm nồng nặc để át đi mùi hóa chất. Sản phẩm thật có mùi thơm nhẹ nhàng, phảng phất dễ chịu, không gây sốc khi ngửi.

Đối với kem dưỡng da, sản phẩm thật phải mịn màng như kem và trắng như sữa, xốp và thẩm thấu cũng như lan tỏa rất nhẹ nhàng trên da, không bết dính. Còn đối với kem giả màu của sản phẩm trắng      đục, vàng đục bết dính, không xốp nhẹ, thoa lên không thẩm thấu nhanh. Son giả thường có màu xỉn, tối và không có nhiều độ ẩm, thoa lên tay rất khô có mùi thơm mạnh để át chất liệu sáp rẻ tiền.

Phấn giả màu sắc xấu, mùi thơm rất mạnh, thoa lên khô, bị vón cục, nước và bột đôi khi tách rời nhau, không dàn đều được, độ bám dính chặt và dày lên da. Nước hoa giả có màu vàng hoặc màu trắng không có bọt của alcohol khi dốc ngược chai để kiểm tra. Còn dầu thơm giả do có độ cồn nhiều nên ngay khi xịt, mùi khuếch tán mạnh có thể gây nhức đầu và chỉ giữ mùi trong 1 giờ.

Nên đến địa chỉ chính hãng

Cũng theo bà Cúc, mỹ phẩm Lancôme tại Hà Nội chỉ bán tại Parkson. Đối với các sản phẩm dưỡng da của Lancôme, ngoài cách phân biệt như trên, trước khi sử dụng lần đầu tiên, khách hàng đều được các chuyên viên tư vấn soi da để xác định loại mỹ phẩm phù hợp…

Trên địa bàn Hà Nội, các cửa hàng giảm giá 50-55% hoặc "mua 1 tặng 1" các sản phẩm Lancôme, L’Oreal Paris, L’Oreal Professional đều bán hàng giả. Trên các sản phẩm giả có tem chống hàng giả, sai lỗi chính tả, thông tin nhãn phụ sai. Thông thường, các sản phẩm giả nhãn hiệu L’Oreal luôn đi sau về mẫu mã, hình thức, nhiều sản phẩm L’Oreal Việt Nam không còn phân phối nhưng những cửa hàng bán   hàng giả vẫn bày bán.

Các sản phẩm giả ở các cửa hàng giảm giá, xả hàng có giá rẻ tuy nhiên cũng có nhiều mặt hàng giá đắt hơn hàng thật. Khi sử dụng những sản phẩm này da bị sần, ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn, viêm da và thậm chí bị lột da do hóa chất pha trộn trong sản phẩm quá mạnh. Bề mặt da bị viêm, á sừng và các chức năng của da bị yếu, mất khả năng tự đề kháng bảo vệ trước các tác nhân kích thích bên ngoài. Bị dị ứng do mùi cồn và hương tinh dầu mạnh, gây tác hại về mặt tâm lý khi sử dụng phải sản phẩm giả như hoang mang, lo lắng, không có được sự tư vấn chuyên môn và không tìm được giải pháp chữa trị khi làn da có vấn    đề…

Theo đại diện Chi cục QLTT Hà Nội, không riêng mỹ phẩm cao cấp Lancôme mà một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Tresór, Miracle, Dior… cũng bị làm giả. Thời gian qua, chi cục đã kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh hàng “xách tay” tại phố Nguyễn Sơn và phát hiện nhiều mặt hàng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá bán chỉ thấp hơn hàng thật một chút.

Thủ đoạn của các chủ cửa hàng là để những thùng carton chứa hàng ngay ở cửa ra vào trên đó có dán tem hải quan để tạo lòng tin đối với khách hàng. Một số công ty còn nhập hàng quá hạn sử dụng rồi tẩy xóa dán hạn sử dụng mới lên trên sản phẩm. Những vi phạm này sẽ bị xử phạt với lỗi giả mạo chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng và không nhãn mác… Song điều đáng nói là hiện nay chế tài xử phạt còn quá nhẹ.

Huệ Linh - Ngọc Bảo

Đằng sau những lời lẽ ngọt ngào, avatar bắt mắt và nick name… “nóng bỏng” rất có thể là một kẻ lừa đảo, chực rình để lừa cả tình lẫn tiền của những cô gái nhẹ dạ cả tin…

Đón đọc trong số thứ Hai, ngày 14-3:

Những “bẫy tình” trên mạng