Vi phạm tại nhiều điểm trông giữ xe:

Bài 2: Nước xa khó chữa lửa gần

ANTĐ - Một bộ phận người dân (chủ yếu những người đi ô tô) thường tặc lưỡi trước mức giá mà người trông giữ đưa ra. Dạng thứ hai, vì ngại va chạm với nhân viên trông giữ, nên nghe họ “thét” thế nào cũng cứ móc hầu bao ra trả. Xe gửi rồi, chẳng nhẽ lấy ra lại “dám” không trả tiền. Tâm lý, thái độ thiếu kiên quyết của người dân đã khiến dịch vụ trông giữ xe tự phát hình thành khung giá “đen”

Lực lượng chức năng CATP lập biên bản tại một điểm trông giữ xe, hôm 2-9 vừa qua


Lý giải “mầm” vi phạm

Có một câu chuyện rất thật thế này: một “bác” đi Lexus mới cáu cạnh vào điểm trông giữ ở phố Đinh Tiên Hoàng. Nửa tiếng sau, “bác” Lexus ra lấy xe. “Anh cho em xin 5 choạc (50.000 đồng)”, cậu nhân viên trông giữ xe, nước da đen nhẻm vừa nhăn nhở cười nịnh, vừa chìa tay ra thu tiền vé. “Cậu có bị sao không đấy, tôi gọi Thanh tra giao thông đến nhé”, “bác “ Lexus đe. “Ấy, em nói thì cứ nói thế, bác cho em 2 choạc (20.000 đồng) cũng được”.

Câu chuyện trên tôi được nghe Trung tá Trượng - Đội trưởng Đội Giao thông-bưu điện, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV kể. Và anh phân tích, “nhiều khi tâm lý, thái độ của người gửi xe sẽ quyết định… giá tiền trông giữ phải trả”. Không khó để tìm hiểu, nắm vững được mức giá trông giữ xe do thành phố ban hành.

Một bộ phận người dân (chủ yếu những người đi ô tô) thường tặc lưỡi trước mức giá mà người trông giữ đưa ra. Dạng thứ hai, vì ngại va chạm với nhân viên trông giữ, nên nghe họ “thét” thế nào cũng cứ móc hầu bao ra trả. Xe gửi rồi, chẳng nhẽ lấy ra lại “dám” không trả tiền. Tâm lý, thái độ thiếu kiên quyết của người dân đã khiến dịch vụ trông giữ xe tự phát hình thành khung giá “đen” song song với khung giá mà thành phố ban hành. Và khung giá “đen” ấy đã và đang khiến cơ quan chức năng, dư luận xã hội phải đau đầu.

Một nguyên nhân quan trọng, mấu chốt, khiến dịch vụ trông giữ xe có “điều kiện” để hình thành, lây lan vi phạm, là thái độ thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở. Sự thiếu quyết liệt này có thể do nhận thức, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân do chủ quan. Rất thật một điều thế này, nhà dân dù ở sâu trong ngõ, có “đua” ra tí mái vẩy, có nâng chút ít độ cao nóc nhà, hôm trước làm, hôm sau đã có cán bộ phường đến “hỏi”. Trong ngõ còn nắm chặt vậy, mà mấy cái điểm trông giữ xe hoạt động công khai ở vỉa hè, ở những khu đất rộng, ở chốn đông người qua lại, vi phạm sờ sờ mà chính quyền địa phương không biết.

Cấp phường là đơn vị hành chính nhỏ nhất, cuối cùng; nhưng phường có đầy đủ bộ máy “công quyền” như cán bộ thuế, quản lý thị trường, công an, đoàn thể. “Nhỏ”, nhưng phường đủ thẩm quyền và đủ lực lượng để chấm dứt hay ngăn chặn hoạt động của điểm trông giữ xe vi phạm. Vấn đề là phường không làm. Và quận, huyện nhiều khi cũng “buông”. Đơn cử như điểm trông giữ xe trên vỉa hè phố Nguyễn Đình Chiểu, thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Khu vực vỉa hè này lâu nay bị chiếm dụng trông xe không phép. Quận từng định tổ chức cấp phép cho một pháp nhân vào đây trông giữ xe, nhưng không thực hiện được. Giải tỏa một thời gian, xe máy, ô tô lại ngồn ngộn trên vỉa hè.

Trong tháng 8 vừa rồi, những cá nhân trông xe ở khu vỉa hè này “dính” mấy biên bản phạt hành chính lên đến hơn 50 triệu đồng. Họ nộp phạt và tiếp tục trông xe. “Quận đang có “chủ trương” phạt cho tồn tại đối với các điểm trông giữ xe vi phạm hả anh?”, tôi từng đặt câu hỏi này với một đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng. Và được nghe giải thích: “Không có chủ trương ấy, nhưng quận đang xem xét để tìm pháp nhân thích hợp vào trông xe ở khu vực này. Giải tỏa tiếp cũng được, nhưng không có lực lượng duy trì…”.

Xử điểm để làm gương

Điểm trông xe không phép trên phố Nguyễn Đình Chiểu

Vi phạm quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và kiếm được “siêu” lợi nhuận từ vi phạm này, gây bức xúc dư luận xã hội… nhưng cho đến thời điểm hiện tại, sau rất nhiều những cuộc kiểm tra, ra quân, vẫn chưa thấy điểm trông giữ nào bị đưa ra “xử điểm”. Hành vi kinh doanh không đăng ký, không giấy phép; quá trình kinh doanh không chấp hành các quy định về thuế, có dấu hiệu trốn thuế, vậy tại sao cơ quan chức năng không củng cố hồ sơ, “chọn” những trường hợp vi phạm mang tính điển hình - hệ thống nhất để xử lý nghiêm trước pháp luật?

Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện mới đây, Giám đốc CATP-Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đã nhấn mạnh yêu cầu trong công tác rà soát, kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe vi phạm. Đó là từng địa bàn, từng lực lượng chức năng phải giám sát, phát hiện và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra những tồn tại kéo dài mà không được giải quyết. Ở đây, vai trò, trách nhiệm của cấp cơ sở được đồng chí

Giám đốc CATP chỉ rõ, phải là chủ công trong việc xử lý, ngăn chặn vi phạm của dịch vụ trông giữ xe.

Lực lượng chức năng thành phố ra quân xử điểm, làm mạnh những cơ sở trông giữ vi phạm nghiêm trọng để làm gương, để thể hiện ý chí của thành phố không cho những vi phạm có cơ hội tiếp diễn. Nhưng biện pháp dài hơi không thể thiếu chính là trách nhiệm, sự vào cuộc thường xuyên của cấp cơ sở. Nắm bắt vi phạm là cơ sở, xử lý ban đầu cũng là cơ sở, và thông tin, báo cáo kịp thời những vi phạm đến cấp có thẩm quyền, không ai khác hiệu quả hơn chính là cơ sở. “Nước xa khó chữa lửa gần”; sớm “dập tắt” được những “đám cháy” - vi phạm tại những điểm trông giữ xe, hơn ai hết, chính cấp cơ sở được hưởng “lợi” đầu tiên, là sự ổn định về ANTT.