Bước vào “phố” Trung Quốc:

Bài 2: Những mảnh đời xa xứ

ANTĐ - Sự  hình dung của chúng tôi về cách ăn uống cầu kỳ với hàng chục thứ bát đũa bày biện món ăn mà người Trung Quốc thường mô tả trong những bộ phim truyện bỗng dưng trở thành trò đùa.
 

Bữa ăn đơn giản của A Chang - một công nhân TQ đã ngoài 50 tuổi

Nhìn những công nhân ngồi bệt dưới đất với 1 bát sắt ô tô hổ lốn, tôi nghiệm ra rằng: Đời thợ thì dù Tàu hay ta cũng như nhau cả, sướng hay khổ thì còn phải tùy thuộc vào sự tử tế của những nhà tuyển dụng lao động mà thôi.

Nheo nhóc tạm bợ

Mở cửa một căn phòng, đập vào mắt tôi là hàng đống chăn màn quần áo cáu bẩn treo lủng lẳng. Trên mấy tấm ván ghép lại thành giường, 3 thanh niên trần trùng trục cuộn mình mở mắt nhìn khách với vẻ ngái ngủ. Căn phòng trọ rộng chưa tới 10m2 này là nơi tá túc của 6 con người. Đám thợ này gần như bị chính người chủ của họ vắt kiệt sức lao động với 2 ca làm việc. Mỗi ca phải làm liên tục 12 tiếng.

Để tiết kiệm chi phí thuê trọ, họ chia nhau ra làm 2 tốp. Cứ 3 người đi làm thì 3 người ngủ và cứ thế luân phiên. Thành ra thực tế phòng lúc nào cũng có 3 người. Lương thì không biết họ trả bên Trung Quốc nhiều hay ít, nhưng riêng tại Việt Nam họ chỉ trả cho thợ 2-3 triệu chi tiêu, thế nên bù vào tiền ăn, tiền ở là hết.

Một khu trọ khác của gia đình ông Đỗ Văn Dư ở xóm 2, xã Tam Hưng cũng có 30 công nhân Trung Quốc thuê ở. Đó là ngôi nhà 5 tầng thuộc khu tái định cư của Nhà máy nhiệt điện. Nhìn bề ngoài, ngôi nhà rất khang trang, nhưng bên trong là nghìn câu chuyện khổ của những mảnh đời công nhân xa xứ. 

Họ là những người mà theo tìm hiểu của chúng tôi bị “đem con bỏ chợ, đi không được mà ở cũng không xong” do những ông chủ lừa lọc. Với cách tuyển dụng ồ ạt theo kiểu chợ người để giảm tối đa chi phí, những ông chủ của họ đã tìm những người ở vùng sâu, xa của tỉnh Hồ Bắc rồi làm giấy tờ đưa sang lao động tại Nhà máy nhiệt điện.

Những viễn cảnh hão mà ông chủ trước khi đưa sang lao động tại Việt Nam là những chiếc bánh vẽ chỉ thấy sướng không thôi. Để rồi khi đến nơi họ phải sống chật vật với những cơ cực về chỗ ăn ở bởi đồng lương ít ỏi mà quay về thì cũng không xong do không có tiền và chủ đã cầm giấy tờ tùy thân. Chúng tôi đã chụp những tấm ảnh về nơi gọi là “phòng ngủ” của những công nhân lao động đều ở vùng sâu của tỉnh Hồ Bắc nằm tại xóm 2 xã Tam Hưng.

Đó là những tấm bạt che tạm bợ ở gầm cầu thang, ở góc nhà… hay ở bất cứ nơi nào mà không bị dột khi mưa. Chị Vũ Thị Kim Thúy làm phiên dịch cho những công nhân ở xóm 2 này cho biết: “Tôi chưa thấy ai sống khổ như họ”. Rồi chị Thúy chỉ một công nhân già khắc khổ trên tay đang bưng bát tô cơm hổ lốn, nói: “Ông này là người dân tộc của tỉnh Hồ Bắc nên không biết tiếng Trung Quốc phổ thông. Người ta thường gọi ông là ông Chang. Ông ta thường xuyên nấu một bữa mà ăn cả ngày. Tôi nấu cơm cho họ mới biết họ cơ cực nghèo khổ thế nào. Cơm thừa canh cặn họ để lại ăn bữa tiếp theo chứ không bao giờ bỏ đi cả. Nhiều lúc thấy những miếng cháy cơm khô cứng bảo họ bỏ đi để nấu cơm khác họ cũng không bỏ, rồi họ mang bóp nhỏ ra hấp lại để bữa sau ăn…”.

Một câu chuyện phân biệt chủ tớ của họ với nhau thể hiện rất rõ ở những khu xóm trọ này được chị Thúy chứng kiến. Chị cho biết: “Tòa nhà bên cạnh xóm trọ còn có một nhóm ông chủ là “sếp” của những công nhân này. Thế nhưng tuyệt nhiên họ chẳng bao giờ chào nhau hay hỏi han nhau lấy nửa lời cả. Họ phân biệt chủ tớ một cách miệt thị vô cùng”.

“Đấu pháp” quản lý “đám đông”

 

Chị Wang Zong Hong đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho những người thợ

Năm 2006 là đỉnh điểm của cơn “địa chấn” dân số cơ học đột ngột tập trung ở Thủy Nguyên. Có lúc cao điểm lên đến gần 2 nghìn công nhân Trung Quốc lao động tại địa bàn. Thời điểm ấy, và kể cả đến hiện nay người ta lo ngại về những hệ lụy của những công nhân ngoại quốc tập trung đông ở phố huyện ven biển này. Người ta lo ngại về những rơi rớt bỏ lại sau lưng khi những công nhân này về nước. Người ta lo ngại về sự hỗn lẫn văn hóa  “vương” lại sau những ngày tháng sinh sống của công nhân Trung Quốc tại Thủy Nguyên. Điều đó có hay không?

Sau những ngày thâm nhập thực tế, chúng tôi muốn khẳng định lại một lần nữa những gì mình ghi được trong sinh hoạt của những công nhân Trung Quốc từ cơ quan quản lý tại địa phương. Nơi tìm đến đầu tiên là Công an huyện Thủy Nguyên và những người trực tiếp thường xuyên làm nhiệm vụ  giữ bình yên cho nhân dân đã khẳng định chắc chắn rằng, tất cả công việc các anh đang làm đều nhẹ nhàng, đơn giản như việc giữ bình yên ở nơi không có Nhà máy nhiệt điện xây dựng. 

Ngay khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu những phát sinh hay khó khăn trong việc quản lý số đông công nhân là người Trung Quốc thì Thượng tá Đinh Xuân Khải - Phó CAH Thủy Nguyên thẳng thắn trả lời: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ bình yên cho nhân dân, bảo vệ vững chắc tình hình an ninh chính trị và TTATXH tại địa phương. Vậy thì cho dù là ai, đông đến bao nhiêu chúng tôi cũng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”.

Những chiến sỹ công an bao giờ cũng thế, nhiệm vụ được giao luôn đặt trên hết và khó đến mấy cũng hoàn thành. Phẩm chất người chiến sỹ công an thì ở đâu cũng thế, cho nên đối với các anh việc quản lý những công nhân ở Nhà máy nhiệt điện là điều đã được tiên liệu và có giải pháp.

Đối với những công nhân Trung Quốc làm việc, lao động tại Nhà máy nhiệt điện thì việc quản lý các anh đều kiểm tra nghiêm ngặt từ những ngày bước vào lãnh thổ Việt Nam. Hơn nữa, nhiệm vụ nắm tình hình hàng ngày về hoạt động, thay đổi của lao động trong nhà máy các anh đều phải rà soát kỹ lưỡng, nghiêm ngặt theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Thượng tá Đinh Xuân Khải khẳng định: “Từ khi cao điểm năm 2006 đến nay chúng tôi có thể khẳng định chưa hề có vụ việc nào gây bất ổn về an ninh trật tự đối với những công nhân Trung Quốc. Trừ mấy vụ đánh lộn do trộm cắp vặt và vụ tai nạn giao thông thì chúng tôi đã xử lý và hoàn tất hồ sơ chuyến lãnh đạo cấp trên làm các bước cần thiết”.

Chỉ có điều đặt ra với cơ quan quản lý về lao động, tỉnh táo và có lý lẽ khi ký những hợp đồng lao động tương tự. Cần có quy chế nghiêm ngặt ngay từ ban đầu đối với nhà thầu để hạn chế lao động nước ngoài lấn át lao động trong nước đang còn dư thừa như hiện nay. Bởi trên thực tế, họ là lao động phổ thông, không có trình độ gì. Có khi các ông chủ của họ ở bên kia, tuyển thẳng từ “chợ người” cũng nên...