Tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù dưới góc độ tâm lý học

Bài 2: Công việc và sự sẻ chia, cảm thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc được các thành viên trong gia đình đón nhận, cảm thông và chia sẻ sẽ giúp những người có quá khứ lỗi lầm nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm của bản thân, cố gắng làm lại cuộc đời.

Như đã phân tích, Trại giam là nơi người mãn hạn tù đã sinh sống và cải tạo trong suốt thời gian thi hành án. Sự đối xử của những phạm nhân cùng đội làm việc, cùng buồng giam và cách giáo dục, cải tạo của quản giáo không chỉ có ảnh hưởng to lớn đối với họ khi còn lao động, cải tạo tại đó mà còn ảnh hưởng nhiều đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ khi mãn hạn tù. Sự quan tâm, giáo dục đúng cách của cán bộ quản giáo giúp họ nhận ra những sai lầm, nâng cao ý chí phấn đấu để sửa mình trở thành người công dân tốt...

Ngược lại, nếu sự quan tâm, giáo dục của quản giáo không phù hợp thì sẽ không khơi dậy nghị lực, ý chí trong họ mà càng làm họ thấy chán nản và buông thả, dẫn đến ngay cả khi được trở về với cộng đồng họ cũng khó tái hòa nhập. Bên cạnh đó, thái độ của những phạm nhân cùng sinh hoạt, lao động cũng ảnh hưởng nhiều đến định hướng tương lai của họ. Có những phạm nhân khi được trở về họ giữ liên lạc với nhau, động viên, an ủi nhau cùng làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, cũng có những người lại bị lôi kéo tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Sự quan tâm của gia đình: Đây là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quá trình tái hòa nhập xã hội của người đã chấp hành xong hình phạt tù. Trong quá trình chấp hành án trong trại giam, việc được người thân thường xuyên vào thăm, động viên là động lực rất lớn để phạm nhân cải tạo tốt. Đến khi họ mãn hạn tù thì gia đình là môi trường quan trọng nhất mà phần lớn đối tượng được hòa nhập sau khi trở về với cuộc sống cộng đồng. Việc được các thành viên trong gia đình đón nhận, cảm thông và chia sẻ sẽ giúp họ nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm của bản thân, cố gắng làm lại cuộc đời.

Sự cảm thông của cộng đồng: Để người mãn hạn tù hòa nhập nhanh chóng thì cộng đồng dân cư nơi họ về sinh sống phải có cái nhìn cởi mở và vị tha hơn với họ. Bởi lẽ, dù họ có quyết tâm, cố gắng nhưng nếu người xung quanh không đón nhận, mà kỳ thị thì tâm lý tích cực trong họ sẽ mất dần, điều này có thể một lần nữa đẩy họ vào con đường sai trái.

Vai trò của các tổ chức, cá nhân: Các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sẽ giúp đỡ người mãn hạn tù rất nhiều trong tìm việc làm, bởi lẽ khi ổn định được kinh tế, có thể nuôi sống bản thân và gia đình sẽ hạn chế nguy cơ tái phạm của họ. Chính vì thế, cần có sự tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân để tạo điều kiện cho họ làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng và bắt đầu cuộc sống mới.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng

Đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù: Người đã chấp hành xong hình phạt tù để tái hòa nhập cần có sự chuẩn bị về tâm lý và nghề nghiệp để tự nuôi sống bản thân mình. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào công tác giáo dục, cải tạo tại trại giam, đặc biệt là các cán bộ quản giáo. Việc chuẩn bị cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng sẽ phải diễn ra ngay từ khi ở trong trại giam, trong quá trình lao động, cải tạo, chính người đang chấp hành hình phạt tù phải tự nhận ra được lỗi lầm của mình, tích cực cải tạo, học tập để từ đó quyết tâm thay đổi bản thân trở thành người có ích cho xã hội. Vấn đề học nghề trong trại giam cần có định hướng cụ thể để sau khi trở về với cuộc sống đời thường, họ có thể tiếp tục làm nghề được học để tạo thu nhập nuôi sống bản thân.

Đối với cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương nơi người chấp hành xong hình phạt tù trở về: Chính quyền địa phương cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vấn đề tái hòa nhập cộng đồng. Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh,... cần phát huy triệt để vai trò cầu nối giúp người mãn hạn tù nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai có hiệu quả Nghị định số 49/2020 để giúp đỡ kịp thời về chính sách, tư vấn tâm lý, tạo việc làm đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù.

Đối với cán bộ quản giáo: Để làm tốt công tác giáo dục cải tạo, cán bộ trại giam cần nâng cao năng lực, thái độ, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên học hỏi đúc rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc; tham gia các lớp tập huấn, các lớp học tập chuyên sâu nhằm nắm bắt các chế độ chính sách mới, quy định mới của pháp luật về công tác giáo dục phạm nhân, thực hiện chính sách của nhà nước đối với phạm nhân...

Cán bộ quản giáo cần tác động tâm lý; giải thích, tuyên truyền về bản chất của chế độ chính sách đối với phạm nhân; động viên, giúp đỡ họ an tâm cải tạo, tạo lập những suy nghĩ, hành động, thói quen tích cực để được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước. Qua việc nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của phạm nhân, các cán bộ trại giam cần có biện pháp giáo dục, tác động đến tâm tư, tình cảm, thái độ của phạm nhân giúp họ vượt qua những khó khăn; đồng thời, chuẩn bị tâm lý cần thiết cho phạm nhân để tái hòa nhập cộng đồng, nhất là những phạm nhân chuẩn bị hết thời gian thi hành án./.