Bài 2: Cơ chế tuyển sinh mở và cơ hội nâng cao bậc học

(ANTĐ) - Tác động tích cực đầu tiên đối với khối Trung cấp chuyên nghiệp chính là nhu cầu đòi hỏi cao về nguồn lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thị trường lao động thực tế đang đòi hỏi người lao động phải có điều chỉnh về nhận thức đối với bằng cấp thực hay chỉ là “giấy”.

Tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp 2008:

Bài 2: Cơ chế tuyển sinh mở và cơ hội nâng cao bậc học

(ANTĐ) - Tác động tích cực đầu tiên đối với khối Trung cấp chuyên nghiệp chính là nhu cầu đòi hỏi cao về nguồn lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thị trường lao động thực tế đang đòi hỏi người lao động phải có điều chỉnh về nhận thức đối với bằng cấp thực hay chỉ là “giấy”.

>>> Bài 1: Đào tạo nghề hướng tới nhu cầu doanh nghiệp

Nhiều yếu tố thuận lợi cho đào tạo nghề

Tác động tích cực đầu tiên đối với khối Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) chính là nhu cầu đòi hỏi cao về nguồn lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thị trường lao động thực tế đang đòi hỏi người lao động phải có điều chỉnh về nhận thức đối với bằng cấp thực hay chỉ là “giấy”.

Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia về đào tạo nghề, lâu nay mặc dù đầu vào của các trường ĐH, CĐ được tuyển chọn khá kỹ nhưng đầu ra dễ dãi khiến cho nhiều thí sinh lao vào bậc học này.

Với chủ trương đòi hỏi thực chất, Bộ GD-ĐT đang đưa ra các quy chế siết chặt đầu ra với việc buộc các trường ĐH, CĐ phải công khai chuẩn đào tạo, chuẩn tốt nghiệp... thì những thí sinh không đủ thực lực sẽ phải lựa chọn kỹ hơn trong việc đăng ký vào đại học hay vào các trường đào tạo nghề.

Bên cạnh đó việc Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế đào tạo liên thông cũng là một cú hích đáng kể đối với hệ TCCN khi các học viên sẽ được tạo điều kiện tiếp tục học tập nếu thực sự có nhu cầu. Do vậy, đào tạo TCCN được khẳng định là sẽ ngày càng được nhiều thí sinh quan tâm, lựa chọn hơn cho mục đích tìm kiếm công việc phù hợp.

Tuyển sinh 2008: Thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn (Ảnh minh họa)
Tuyển sinh 2008: Thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn
(Ảnh minh họa)

Không hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh TCCN

Đứng trước nhu cầu tăng cao về nguồn lao động đã qua đào tạo nghề, ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT khẳng định, chỉ tiêu tuyển sinh vào khối TCCN là không hạn chế.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT vẫn yêu cầu các trường tự đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh của mình trên cơ sở quy định về tỷ lệ sinh viên/giảng viên. Thực tế, kết thúc kỳ tuyển sinh TCCN 2007, các trường cũng chưa thể tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Theo số liệu thống kê từ 352 trường TCCN, trường ĐH, CĐ và các cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN đã báo cáo về Bộ, có 392.670 thí sinh đăng ký dự tuyển vào TCCN trên tổng chỉ tiêu được giao là 259.541 (bao gồm chỉ tiêu chính quy và vừa làm vừa học), trong đó số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là 203.005.

Như vậy, tỷ lệ nhập học chỉ đạt 78,21% so với chỉ tiêu. Về lý do các trường không tuyển đủ được chỉ tiêu được giao, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng có hai nguyên nhân. Thứ nhất là yếu tố tâm lý của xã hội.

Đa số cha mẹ học sinh đều muốn hướng con cái mình vào các trường ĐH hoặc chí ít cũng là CĐ với mong muốn có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao nên dù không phải thí sinh nào cũng đủ năng lực thi vào ĐH, CĐ nhưng vẫn đăng ký cầu may và bỏ qua hệ thống đào tạo nghề.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân các trường có đào tạo TCCN chưa tiếp cận được với những người có nhu cầu đào tạo thông qua các kênh thông tin đại chúng. Việc thiếu thông tin cần thiết về khả năng, chất lượng, khối ngành đào tạo của các trường TCCN khiến cho các thí sinh chưa quan tâm đến bậc học này.

Sẽ có nhiều hình thức tuyển sinh

Kỳ thi tuyển sinh năm 2007, toàn quốc có 497 trường TCCN, các cơ sở đào tạo TCCN thuộc các trường ĐH, CĐ được giao chỉ tiêu tuyển sinh TCCN hệ chính quy. Có 395 trường thực hiện hình thức xét tuyển (không tổ chức thi) để tuyển sinh, chiếm 79,47%; trong đó việc xét tuyển chủ yếu căn cứ vào kết quả học tập ở phổ thông của thí sinh; số trường lựa chọn hình thức thi tuyển để tuyển sinh chỉ chiếm trên 20,53%.

Theo Quy chế tuyển sinh TCCN 2008, hiệu trưởng các trường sẽ được quyền lựa chọn hình thức tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế của trường: xét tuyển hoặc thi tuyển.

Việc xét tuyển có thể căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THCS hoặc THPT tùy theo hệ tuyển của từng trường; điểm tổng kết môn học năm cuối cấp của hai môn học phù hợp với các ngành đào tạo của trường; điểm học bạ THCS hoặc THPT năm cuối cấp; kết quả điểm thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ đối với những thí sinh đã dự thi ĐH, CĐ năm 2008 (tổng điểm hoặc điểm của hai môn học phù hợp với các ngành đào tạo của trường).

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn yêu cầu các trường mở rộng việc tuyển sinh cho đối tượng chưa tốt nghiệp THPT bởi con số học sinh trượt tốt nghiệp năm ngoái chiếm hơn 20% số thí sinh dự thi và với chủ trương siết chặt kỷ luật thi cử, kỳ thi tốt nghiệp 2008 cũng sẽ là một thử thách không nhỏ đối với nhiều học sinh phổ thông năm nay.

Vinh Hương