Tháng tư nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc:

Bài 2: Cất cánh với nguồn điện quốc gia

ANTĐ -Từ tháng 9-2014, điện lưới quốc gia đã tới với Lý Sơn sau nhiều năm dài chờ đợi. Đây thực sự là bước ngoặt quan trọng bậc nhất giúp huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc thực sự có đủ lực để cất cánh trong tương lai. 
Bài 2: Cất cánh với nguồn điện quốc gia ảnh 1

Tàu đang chờ đón du khách ở cầu cảng đến tham quan đảo bé Lý Sơn

Du khách tăng 500%

Tới cầu tàu Lý Sơn những ngày tháng 4 này, chúng tôi cảm nhận ngay được những bước chuyển đáng kể của huyện đảo kể từ khi được đóng điện lưới quốc gia (cuối tháng 9-2014). Vừa rời tàu, chúng tôi đã được “săn đón” bởi đội taxi màu vàng như thể đang ở giữa trung tâm Hà Nội. Chỉ cách cầu cảng chừng 50 mét, bên kia đường, một khách sạn 3 sao đầu tiên của đảo với dịch vụ wifi miễn phí tới từng phòng vừa hoàn thành xây dựng và đã đi vào hoạt động được 45 ngày. Cách đó không xa, hàng loạt công trình quy mô khác cũng đang được thi công gấp rút... 

Ông Trần Thành Đãi, Giám đốc khách sạn Central Lý Sơn (cầu cảng thôn Tây, xã An Vĩnh) cho biết, dù đã “thai nghén” ý tưởng xây khách sạn tại đảo từ 5 năm trước song chỉ sau khi huyện có điện lưới quốc gia, ông mới chính thức bắt tay vào xây dựng. Với niềm tin du lịch Lý Sơn sẽ cất cánh, ông Đãi đã tăng gấp 2,5 lần tổng mức đầu tư dự án của mình (từ 10 thành 25 tỷ đồng). Tính toán của doanh nghiệp dường như khả thi bởi trong quý I-2015, có khoảng 15.884 lượt khách đã tới Lý Sơn để tham quan thắng cảnh, tìm hiểu và thưởng thức các lễ hội truyền thống nhân dịp Xuân Ất Mùi, tăng 12.510 lượt khách (gần 500%) so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Lý Sơn đã phải liên tục tăng chuyến tàu ra đảo để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách.

Bài 2: Cất cánh với nguồn điện quốc gia ảnh 2

Du khách tới khám phá Lý Sơn tăng gấp 5 lần trong 3 tháng đầu năm 2015

Bên cạnh thời tiết thuận lợi, điện lưới ra đảo giúp nâng chất lượng, hạ giá thành dịch vụ là yếu tố chính đẩy lượng du khách tới đảo tăng vọt. Theo ông Trần Thành Đãi, hiện nay, các nhà đầu tư lớn cũng đã để mắt tới Lý Sơn. Trong đó, một doanh nghiệp bất động sản – du lịch lớn ở phía Bắc đã cử nhân viên tới khảo sát để đầu tư một khách sạn quy mô 40 tầng.

Lãnh đạo huyện Lý Sơn cũng xác nhận thông tin về chủ trương cải tạo lại sân bay quân sự trên đảo để có thể tiếp nhận máy bay dân sự.Điện lưới về đảo cũng làm hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản sôi động hẳn. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, riêng trong quý I-2015, người dân đã đầu tư thêm khoảng 35 bè nuôi tôm hùm, nâng tổng số bè nuôi tôm hùm lồng hiện nay lên hơn 50 bè (lồng), với số lượng nuôi trên 80.000 con.

Ngoài ra, một số hộ đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi cá mú bè thương phẩm với số lượng 1.400 con... UBND huyện Lý Sơn đã xác định, kinh tế biển là ngành mũi nhọn. Trong đó, nuôi trồng đánh bắt hải sản và dịch vụ du lịch là những lĩnh vực mà đảo có thế mạnh.

Chưa hết khó khăn 

Lái xe người địa phương, anh Nguyễn Thành Leo cho biết, đội taxi đầu tiên trên đảo mới đi vào hoạt động được khoảng 2 tháng. Với 9 chiếc hoạt động ngày đêm, đội xe không thể “bao” hết lượng khách tới đảo đang ngày một tăng.

Cũng theo anh Leo, hoạt động vận chuyển khách trên đảo bằng ô tô vẫn rất khó khăn bởi ngoài 9 chiếc taxi, lượng xe khách loại nhỏ chạy trên đảo rất ít, chỉ chừng hơn 10 chiếc. 

Không chỉ thiếu ô tô, ngay số tàu phục vụ đưa khách và hàng hóa từ đất liền ra đảo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Bất lợi về giao thông khiến giá nguyên vật liệu trên đảo cao gấp 4-5 lần trong đất liền.

Bài 2: Cất cánh với nguồn điện quốc gia ảnh 3

Hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch trên đảo mới bắt đầu khởi sắc

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch trên đảo cũng mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu hình thành, còn thiếu và yếu. Nguồn nước trên đảo cũng là vấn đề lớn. Tại khu vực đảo lớn Lý Sơn, từ khoảng tháng 4 trở đi, 2/3 diện tích đảo bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt về dùng. Đảo bé Lý Sơn (xã An Bình) không có nước ngọt, chỉ dùng nước mưa. Dù là đảo nhưng Lý Sơn lại đặc biệt thiếu... cát. Phần lớn lượng cát xung quanh đảo đã bị khai thác quá mức phục vụ trồng tỏi. Hiện nay, người dân phải mua cát khai thác từ vùng biển xa với giá hơn 100.000 đồng/m3 để trồng tỏi.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng bắt đầu rình rập huyện đảo trong khi đề án tổng thể bảo vệ môi trường huyện Lý Sơn giai đoạn 2015-2020 vẫn chưa được duyệt, trong khi dự án nhà máy xử lý rác thải mới chỉ “sắp đi vào vận hành”... Cùng với điện lưới quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn      2015-2020. Đây là những tiền đề quan trọng, tạo sức bật cho huyện đảo vươn lên. Không chỉ có dự án sân bay, hàng loạt đề án lớn đang được huyện đảo ấp ủ. Tất nhiên, Lý Sơn cũng cần tích cực phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp, kịp thời chấn chỉnh, rũ bỏ những tồn tại, hạn chế để có thể cất cánh trong tương lai gần.

Chiếc xe ô tô của Báo An ninh Thủ đô - CATP Hà Nội tặng huyện đảo vẫn chạy tốt
Cơ quan Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Lý Sơn hiện chỉ có 5 chiếc xe ô tô. Đáng chú ý, trong số đó, chiếc Mercedez 16 chỗ do Báo An ninh Thủ đô - CATP Hà Nội tặng huyện đảo từ năm 2009 vẫn hoạt động tốt.

Năm ấy, trong một chuyến công tác ra Lý Sơn, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, Đại tá Đào Lê Bình đã chứng kiến những khó khăn vất vả, hy sinh, mất mát mà cán bộ, nhân dân huyện đảo đang ngày đêm phải đối mặt trong khi đảo vẫn chưa có phương tiện vận tải lớn (ô tô). Trên cơ sở đề xuất của Báo An ninh Thủ đô, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã báo cáo, xin ý kiến và được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý tặng huyện đảo chiếc xe Mercedez 16 chỗ. “Cũng đã được gần 6 năm, chiếc xe vẫn vận hành rất tốt. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo An ninh Thủ đô, tới Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ chiến sỹ CATP Hà Nội đã tạo điều kiện cho đảo có chiếc xe ô tô đầu tiên” - ông Nguyễn Tài Luân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn nói. 

Nhắc tới Báo An ninh Thủ đô, lãnh đạo Huyện ủy Lý Sơn cũng đặc biệt cảm ơn bởi sự sẻ chia, tiếp sức kịp thời tới ngư dân Quảng Ngãi đúng vào những ngày hè nóng bỏng năm 2014, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Nguyễn Tài Luân nói: “Dự án “10 nghìn lít dầu tiếp sức ngư dân huyện đảo Lý Sơn” do Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, Đại tá Đào Lê Bình khởi xướng và thực hiện có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi thời điểm ấy. Sự động viên kịp thời của bạn đọc Báo An ninh Thủ đô đã giúp ngư dân Lý Sơn vững tâm bám biển sản xuất ngay cả trong những thời khắc cam go nhất...”.