Bỏ rơi trẻ sơ sinh tại bệnh viện:
Bài 1: Cưu mang những sinh linh bé nhỏ
(ANTĐ) - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ bỏ rơi trẻ sơ sinh tại các bệnh viện, nơi công cộng khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Đau lòng hơn cả trong số những sinh linh bé bỏng bị những người mẹ mất nhân tính bỏ rơi ngay từ khi chào đời đã có những đứa trẻ không còn cơ hội làm người…
Các em được lớn lên trong môi trường yêu thương và chăm sóc của các mẹ |
Những số phận bị từ bỏ
Gần đây nhất, ngày 16-11-2010, tại đường Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh), người dân đã phát hiện một em bé vẫn còn ngậm dây rốn nằm trong túi nilon. Trước đó, ngày 19-4-2010, người dân đi tập thể dục qua hồ Bảy Mẫu (Hà Nội) xót xa phát hiện xác một cháu bé sơ sinh chết nổi trên mặt hồ.
Ngày 22-7-2010, một cháu bé sơ sinh chưa đầy 1 tuần tuổi cũng bị bỏ rơi ở đống rác ngay trước bến xe Hà Tĩnh và được những người hành nghề “xe ôm” nhặt trong đống rác. Khoảng 17h ngày 30-9-2010, trong lúc phân loại rác đưa đi xử lý, một số công nhân của Công ty cổ phần Vietstar (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cũng đã phát hiện xác một bé gái sơ sinh nặng 2kg được gói trong bọc nilon.
Và chắc hẳn dư luận vẫn chưa quên trường hợp của bé Hồ Thiện Nhân (tên được cha mẹ nuôi đặt). Vào năm 2005, em bé này đã bị bỏ rơi ở một nơi vắng vẻ khi mới 3 ngày tuổi. Khi được phát hiện, bé đang trong tình trạng bị kiến bám kín người, bị động vật ăn mất một chân và cả bộ phận sinh dục. Bé được đưa đến bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu và thoát chết trong gang tấc, sau hơn 2 giờ phẫu thuật.
Trên đây chỉ là một số trường hợp trong hàng trăm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải trong thời gian gần đây khiến dư luận đau đớn, xót xa và phẫn nộ tột cùng. Trong quá trình tìm đến những nơi hiện đang nuôi dưỡng những đứa trẻ đáng thương bị bỏ rơi, chúng tôi đã được nghe và tận mắt nhìn thấy những câu chuyện cảm động. Nơi chúng tôi đến là ngôi chùa Bồ Đề nằm ngay bên bờ sông Hồng thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Được biết, từ năm 1989 khi nhà chùa nhận trẻ mồ côi đầu tiên cho đến nay đã có hơn 150 em lớn lên và trưởng thành dưới mái chùa này. Nhiều em đã thi đỗ vào đại học rồi tốt nghiệp, có việc làm và gia đình riêng. Họ sống chan hòa, đùm bọc nhau trong một ngôi nhà lớn, với sự quán xuyến tận tụy của sư thầy Thích Đàm Lan. Chia sẻ với chúng tôi, sư thầy Thích Đàm Lan cho biết: “Cách những đứa trẻ đến đây dường như rất giống nhau, có những trường hợp khắc sâu vào lòng tôi những nỗi xót xa.
Các cháu ở đây mỗi đứa một hoàn cảnh với đủ loại đối tượng. Hầu hết các cháu đều bị người thân bỏ lại hoặc lang thang, vạ vật đói khát ở một nơi nào đó được tìm thấy đem đến gửi chùa. Cũng có cháu được người nhà mang đến chùa xin làm phước nuôi giúp nhưng họ không hề quay lại đón. Có cháu bị tàn tật, thiểu năng trí tuệ bị cha mẹ bỏ, hoặc những em sinh viên chẳng may nhỡ nhàng cũng mang con đến bỏ, cha mẹ bị nhiễm HIV cũng bỏ, hoặc những phụ nữ lang thang ngoài đường bị cưỡng hiếp có thai cũng đến đây bỏ con.
Khi “nhập chùa” có cháu bé như con chuột con, nhũn nhèo tím tái, cuống rốn chưa rụng. Hiện trong chùa có 115 cháu đang nương náu, nhỏ nhất chỉ vài ngày tuổi, lớn nhất đang học hệ cao đẳng. Phần lớn nhà chùa phải trông chờ vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm xa gần để có thêm tiền trang trải bởi các cháu ngày càng đông. Thi thoảng vẫn có người đến chùa xin nhận những đứa trẻ ở đây làm con nuôi nhưng nhà chùa không cho vì biết đâu có một ngày người thân của chúng sẽ đến tìm... ”. Cho đến thời điểm hiện tại số lượng trẻ trong chùa đã ở trong tình trạng quá tải. Những đứa trẻ ở đây như những cây non tự sống và lớn lên mà không được lựa chọn hoàn cảnh và môi trường sống cho mình. Khi thấy khách đến thăm, chúng quấn lấy như muốn tìm hơi ấm. Có một câu hỏi mà không sao chúng tôi có thể cắt nghĩa được khi nhìn những gương mặt trong veo ấy là tại sao những người mẹ lại đang tâm bỏ những đứa con rứt ruột đẻ ra như thế?
Không thể nhận hết trẻ bị bỏ rơi
Nơi dừng chân tiếp theo của chúng tôi là làng trẻ SOS Việt Nam. Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận ở ngôi làng này chính là mái ấm yêu thương của những người mẹ ở đây. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, những người mẹ này đã giúp cho những em bé mất cha mẹ, người thân hay bị bỏ rơi ở đâu đó được sống và làm người. Bà Trần Thị Kim Dung - Phó Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam cho biết: “Hiện SOS Việt Nam có 13 ngôi làng được xây dựng và hoạt động với cùng một mô hình ở khắp các tỉnh, thành.
Đây là năm thứ 23 làng trẻ SOS tham gia giúp đỡ cộng đồng. Thế hệ đầu tiên được nuôi dưỡng tại đây đã lập gia đình và tham gia vào các ngành nghề khác nhau trong xã hội. Mỗi làng chỉ nhận tối đa là 160 trẻ và trước khi được nhận về nuôi dưỡng đều phải tuân theo trình tự xác định nhân thân, cam kết của cá nhân hay đơn vị giao, nhận trẻ. Sau đó, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng ký với chính quyền địa phương. Sau 20 ngày nếu không có người thân nhận lại trẻ bị bỏ rơi, làng sẽ làm giấy khai sinh cho các bé. Họ của chúng được đặt theo họ những người mẹ trong làng SOS.
Những trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện, hay được ai đó tìm thấy mang đến, bỏ lại ở cổng sẽ được nhận nếu trong làng vẫn còn khuyết chỗ và tiến hành các thủ tục cần thiết. Khi được nhận nuôi dưỡng, các em sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng thể, trẻ có sức khỏe bình thường sẽ được ở lại làng, trẻ bị khiếm khuyết, dị tật sẽ được chuyển đến những cơ sở nuôi trẻ tàn tật khác. Hiện trong Làng trẻ SOS Hà Nội có 16 gia đình, mỗi gia đình có 10 con/mẹ chăm sóc. Các trẻ được nuôi dưỡng và sinh hoạt như một gia đình bình thường. Làng trẻ nuôi dưỡng các em ăn học từ lúc nhận vào cho đến khi trưởng thành. Nguyên tắc của Làng trẻ SOS Việt Nam là không cho trẻ làm con nuôi, không môi giới con nuôi. Các bà mẹ nếu có mong muốn trở thành mẹ của các trẻ trong làng phải cam kết không lập gia đình, không có con suốt đời”. Bà Dung còn cho biết: “Gần đây, làng trẻ SOS đã đón 4 cháu bé sơ sinh ở Bến Tre bị mẹ vứt ở cổng. Hiện các bé đang được nuôi dưỡng và làm các thủ tục cần thiết để làm giấy khai sinh”.
Có thể thấy ngày càng nhiều những đứa trẻ bị bỏ rơi đã bị những người mẹ nhẫn tâm tước đi quyền được yêu thương. Trong sâu thẳm những tâm hồn còn non nớt ấy, chúng khát khao tình thương, sự chở che và hai tiếng “gia đình”. Tương lai của chúng sẽ đi về đâu...?
Ngọc Bảo - Huệ Linh