Bạc Liêu - đâu chỉ có một dòng tộc lẫy lừng

ANTD.VN - Tôi đến Bạc Liêu lúc chập tối. Trước chuyến đi đã viết ghi chú: “Must do: Sẽ nghỉ lại một tối trong căn phòng của công tử Bạc Liêu”. Nhưng… 

Bạc Liêu - đâu chỉ có một dòng tộc lẫy lừng ảnh 1Chùa Xiêm Cán

“Thương hiệu” của Bạc Liêu

Dinh cơ lừng lẫy ba mặt tiền của công tử Bạc Liêu nằm trọn đường bờ sông Điện Biên Phủ, đường Mai Thanh Thế và Hoàng Văn Thụ giờ đã biến thành Khách sạn Công đoàn 1 sao có kèm nhà hàng cho khách ăn nghỉ. Phòng ngủ của Hắc công tử khi xưa hóa phòng VIP cho khách du lịch. 

Nhưng đến trước cửa số 4 (Biệt thự có 4 cửa) thì thấy treo biển: Khách sạn ngừng mở cửa để tu sửa. Nghĩ bực: “Để hoài gần thế kỷ không sửa sao nhằm đúng ngày mình đến để sửa chứ”. Rồi đành tự trách mình: “365 ngày sao không đến Bạc Liêu mà lại chọn đúng ngày tu sửa biệt thự”.

Việc sử dụng lãng phí một công trình mang tính lịch sử như nhà hàng - khách sạn Bạc Liêu là một câu chuyện dài (đã được báo chí nhắc đến nhiều), nhưng dù sao tôi vẫn cất công đi bộ một vòng quanh tòa biệt thự đã làm nên “thương hiệu” của Bạc Liêu.

Ngôi nhà khổng lồ của Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch) được thiết kế rất mỹ thuật theo kiến trúc Pháp (1919). Cửa chính trông ra bờ sông mát mẻ, cửa sau trông ra đường lớn Hoàng Văn Thụ, vị trí đẹp nhất của Bạc Liêu cả thời ấy và bây giờ. Tôi cũng chưa nhìn thấy một tư gia nào ở trung tâm thành phố mà hoành tráng đến thế, dù phần nhiều đã bị hư hao vì những thờ ơ của hậu thế.

Đứng dưới bóng râm vỉa hè đường Mai Thanh Thế, tôi gắng hình dung cảnh công tử Bạc Liêu lái chiếc Ford Vedette từ đường Hoàng Văn Thụ rồi đậu điệu nghệ ở sân sau mà không thể. Cũng bởi khoảng sân trước đây có lẽ đã rất thơ mộng, khoáng đạt với dấu vết của ao hồ non bộ giờ lổn nhổn bàn ghế, ống nước và một chòi xây mới lợp ngói đỏ. Nom giống sân nhà văn hóa nhiều hơn. Buồn là thế, thậm chí còn không giữ được nguyên bản như ngôi nhà của cha con Hoàng Yến Chao ở Bắc Hà. 

Bạc Liêu - đâu chỉ có một dòng tộc lẫy lừng ảnh 2Tác phẩm: “Vườn chim Bạc Liêu” (Ảnh: Phan Thanh Cường)

Dòng tộc thượng lưu nổi tiếng xứ Nam Kỳ

Đến Bạc Liêu, trừ người đi công cán, không ai là không ghé thăm “Nhà Lớn” (theo cách gọi của người Bạc Liêu trước 1975). Cũng vì thế mà nhiều khách muốn được nghe ông Trần Trinh Đức, con trai của công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy kể chuyện về dòng tộc thượng lưu nổi tiếng xứ Nam Kỳ. Ông Trần Trinh Trạch sở hữu 74 đồn điền và hàng loạt biệt thự sang trọng ở khắp Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt.

Trần Trinh Huy cũng là người đầu tiên ở Việt Nam có phi cơ riêng. Lúc ấy cả nước chỉ hai người có máy bay riêng và sử dụng xe Peugeot thể thao là ông và Vua Bảo Đại. Ông còn dùng chiếc phi cơ này để đi thăm ruộng, những cơ ngơi điền sản mênh mông đến độ đi xe hơi cũng kiệt xăng. Còn ông Trần Trinh Đức thì nay không có nổi mái nhà để nương thân (ông chỉ mới được tỉnh Bạc Liêu cấp nhà hồi đầu năm 2013), không công ăn việc làm, lại phải nuôi người con gái tật nguyền.

Giờ ông Đức gần đến tuổi cổ lai hy mà vẫn sáng sáng ra uống cà phê vỉa hè ở chính căn nhà hồi nhỏ đã từng vào ra để kể chuyện xưa hầu du khách. Thôi thì các cụ xưa nói phải: Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời. Đời người cũng như cái đồ thị hình sin, đã thăng thì phải giáng, ấy cũng là lẽ thường của vũ trụ.

Bạc Liêu - đâu chỉ có một dòng tộc lẫy lừng ảnh 3Nhà công tử Bạc Liêu

Mẩu quảng cáo thơ mộng Vườn chim Bạc Liêu

Nhà hàng khách sạn Bạc Liêu đóng cửa để tu sửa nên tôi cũng chẳng còn cơ hội được gặp hậu duệ của công tử. Đi khắp vùng Bạc Liêu nắng cháy, cây cỏ khô cằn, khó tìm được một quán cà phê sang trọng, nơi lưu trú sang trọng nhất chỉ ba sao (khách sạn Bạc Liêu, nằm ngay cạnh ngôi nhà cũ của Hội đồng Trạch). Vậy mà điền thổ này từng là nơi xuất thân của hàng loạt công tử nhà giàu con các đại địa chủ, được đi du học Pháp, và cưới những cô vợ đẹp nhất. Thành ngữ “công tử Bạc Liêu” khi ấy hóa ra không chỉ hàm ý ám chỉ mình công tử Trần Trinh Huy.

Việc thứ hai phải làm vào buổi sáng duy nhất ở Bạc Liêu, là thuê một chiếc taxi hãng Công Tử để chở tôi ra nhà lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Vòng vèo qua những con đường nhác đã giống ngoại ô, dù mới chỉ vài cây số từ trung tâm thành phố, tôi đến nhà lưu niệm của tác giả bản “Dạ cổ hoài lang” (sau này phát triển thành “Vọng cổ”). Sân nhà lưu niệm còn lưu giữ bốn mộ phần của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vợ và ông bà thân sinh của ông.

Bên trong nhà lưu niệm cũng sơ sài, khó có gì lưu giữ khách ở lại lâu hơn được. Những điểm tham quan ở Bạc Liêu cũng tiện một tuyến đường. Anh lái xe cho biết tất cả những chỗ tôi muốn đi cứ theo lối ấy mà tịnh tiến: Vườn chim Bạc Liêu; Vườn nhãn Bạc Liêu; Chùa Xiêm Cán; Tượng Phật Bà Nam Hải... Từ nhà lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu rẽ vào Vườn chim Bạc Liêu không xa là mấy, nhưng thấy hoe hoắt, chim đâu chẳng thấy mà người cũng không. Bảo vệ không cho vào vì lý do đang mùa khô, sợ cháy rừng nên cấm du khách tham quan. Tôi lấy lý do là nhà báo đi thực tế viết bài, hứa chỉ vào ngó một cái rồi quay ra ngay.

Tôi không hút thuốc lá. Yên trí không lo tôi vô tình làm cháy cả vườn chim. Nhưng đi dạo một vòng mới thấy dân Bạc Liêu hay khách du lịch, dù có đang mùa cháy rừng hay không cũng chẳng thiết vào Vườn chim. Nhìn trước ngó sau chỉ thấy mỗi rừng cây xơ xác và những con kênh cạn nước. Chim có vài bồ nông được nhốt trong chuồng. Nhà cửa, cảnh quan bỏ hoang, hỏng gãy. Tôi nghi rằng các nhà làm phim bây giờ có làm lại “Đất rừng phương Nam” hay bất cứ bộ phim nào lấy bối cảnh những đồng lúa Bắc bộ ngút mắt với cánh cò chao liệng ắt phải dùng kỹ xảo điện ảnh. Bởi từ Bắc chí Nam, những vườn chim vườn cò dần dà biến đâu mất hết chim, chỉ còn lại vườn. Chim chóc là của trời đất, chứ của riêng ai đâu mà giữ, nên mới ra nông nỗi Vườn chim Bạc Liêu chỉ còn là một mẩu quảng cáo thơ mộng. 

Tỉnh thành đầu tiên sử dụng điện gió

Một điểm tham quan nữa chỉ tồn tại trong quảng cáo là Vườn nhãn cổ trăm năm tuổi. Những cây nhãn sai trĩu quả để người nhàn tản nằm mắc võng dưới bóng râm thơm mùi nhãn chín giờ được đốn đi làm quán bánh xèo. Do nhãn bị rớt giá vì nhiều lý do nông nghiệp, người ta đốn nhãn cổ để bán củi nhãn. Thế vào đó là hàng loạt quán bánh xèo mọc lên ở khu vườn nhãn, thành đặc khu bánh xèo. Nhiều hàng, nhưng duy chỉ có quán A Mật là ngon nhất. Ai cũng bảo thế. Tôi gọi hai chiếc bánh xèo ở nhà A Mật. Bánh quả là ngon, ngon hơn ở món cùng loại tôi đã ăn ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Lúc sáng tôi đã thử một đặc sản nữa của Bạc Liêu là bún bò cay, giống như bún ăn với thịt bò kho. Vị không ngon lắm. So với Sóc Trăng thì ẩm thực Bạc Liêu kém phong phú hẳn.

Tiết trời nực nội, nhưng ngồi chốc lát thấy gió lộng thổi từ biển vào. Lúc đi trên đường, anh lái xe đã chỉ tôi mấy quạt gió màu trắng. Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành đầu tiên sử dụng điện gió. Càng đi ra sát biển, gió càng mạnh. Gần khu vực Nhà Mát có cây cầu dài ngút dẫn ra tận nhà nổi ngoài biển, có biển đề là khu ẩm thực Bạc Liêu. Cây cầu hẹp nhưng rất nhiều ngư dân bày mẹt hải sản đủ loại trên cầu để mong bán cho khách, chủ yếu là dân Bạc Liêu. Lúc này gió thổi mạnh đến nỗi phụ nữ mặc váy thì rất không nên đi lên cầu. Biển Bạc Liêu không đẹp, nhiều sình cát và những chùm rễ đước bật tung gốc, không gợi chút gì cảm hứng muốn được ngâm trong sóng biển. 

Khác với sự đông đúc cầu cúng và hàng quán ở tượng Phật Bà Nam Hải, chùa Xiêm Cán tĩnh lặng trên đường vào Vườn Nhãn. Một trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất mà tôi từng được biết. Đứng giữa sân chùa, nhìn bức tượng Phật bốn mặt và trần nhà cao vọi với những bức tranh tường sặc sỡ bên trong, một lần nữa tôi có cảm giác mình đang ở đâu đó tận Phnompenh. Kiến trúc kiểu Khơ-me, dù nhà hay chùa đều có một hàng lang thông thoáng chạy vòng quanh để trong gian thờ lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng như cung điện, chứ không âm u, huyền bí giống chùa phía Bắc. Chùa Xiêm Cán khá xa trung tâm, tận 15 cây số, nhưng vẻ đẹp của công trình tôn giáo cũng thực bõ công du khách đi đường xa mà chiêm ngắm. Và tôi không hề tin lời người lái taxi khi anh ta cười mỉm nói về tỉnh nhà: “Khách đến Bạc Liêu chỉ một lần chắc không muốn quay lại…”.