Ba rủi ro lớn về an toàn thông tin của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Nguyễn Gia Đức- Giám đốc quốc gia Fortinet Việt Nam cho biết, cùng với quá trình chuyển đổi số rõ nét, sâu rộng thì những rủi ro về an toàn thông tin với doanh nghiệp cũng phát sinh. Đó là các cuộc tấn công mạng vào doanh nghiệp gia tăng về mức độ tinh vi, nguy hiểm; thiếu hụt nhân sự chất lượng cao về an toàn thông tin và tính phức tạp của hệ thống khiến nảy sinh nhiều nguy cơ về an toàn thông tin.
Fortinet cập nhật về tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam

Fortinet cập nhật về tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam

Dẫn báo cáo mới nhất của Fortinet về an toàn thông tin tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Gia Đức cho biết, quý I-2023, trung bình mỗi ngày hệ thống phát hiện 9 triệu mối đe dọa tấn công mạng, bao gồm nguy cơ từ virus, botnets và tấn công thăm dò (IPS)… Trong đó, tấn công thăm dò lỗ hổng IPS là nhiều nhất. Các cuộc tấn công này nhằm vào các thiết bị trong gia đình, doanh nghiệp như: router…

“Doanh nghiệp có thể chưa nhìn thấy ngay thiệt hại nhưng hacker đã dò quét lỗ hổng, sau đó hacker có thể nằm im đợi khi nào doanh nghiệp mất cảnh giác nhất thì tấn công”- ông Nguyễn Gia Đức nói.

Lĩnh vực hacker “dòm ngó” nhiều nhất là: công ty chuyên về công nghệ (technology).Bên cạnh đó lĩnh vực tài chính ngân hàng nằm nhiều nhất trong các cuộc tấn công do thám, dò quét IPS .

Fortinet cũng cho biết, khảo sát trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho thấy 50% doanh nghiệp gặp tình huống tấn công mất trung bình 1 triệu USD cho các cuộc tấn công.

Về thiếu hụt nhân lực CNTT, có 74% doanh nghiệp lo ngại thiếu hụt đội ngũ làm về an toàn thông tin, nhất là nhân lực CNTT chất lượng cao.

Bên cạnh đó, tính phức tạp của hệ thống do doanh nghiệp vận hành sau quá trình làm việc tại nhà do dịch bệnh, nhiều thiết bị đều có thể kết nối hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp khiến kết nối không an toàn lan rộng.

Theo khảo sát mới nhất của Fortinet, phương thức làm việc kết hợp và sự tăng lên của các kết nối được quản lý và không được quản lý đã làm gia tăng đáng kể số lượng sự cố bảo mật, với 34% tổ chức tham gia khảo sát tại Việt Nam báo cáo số vụ vi phạm tăng gấp ba lần;

72% số người được hỏi ở Việt Nam đã trải qua ít nhất gấp đôi số lượng sự cố bảo mật trong thời gian gần đây. Các sự cố bảo mật được ghi nhận nhiều nhất là lừa đảo, từ chối dịch vụ, đánh cắp dữ liệu/nhận dạng, mã độc tống tiền và mất dữ liệu. Tuy nhiên, chỉ 49% các tổ chức trên khắp châu Á có nhân viên bảo mật chuyên trách, điều này khiến họ dễ bị tác động hơn trước các sự cố bảo mật.

Đáng chú ý, ngày càng nhiều nhân viên trở thành những nhánh truy cập đơn lẻ khi làm việc từ nhà hoặc các địa điểm khác bên ngoài văn phòng truyền thống. Vì vậy, có tới 66% số người được hỏi tại Việt Nam dự đoán số lượng thiết bị được quản lý sẽ tăng hơn 100% trong hai năm tới (có những người dự đoán con số tăng trưởng lên đến 400%).

Ngoài ra, cũng khoảng 66% đưa ra dự đoán số lượng thiết bị không được quản lý sẽ tăng hơn 50%, dẫn đến sự gia tăng mức độ phức tạp và rủi ro vi phạm bảo mật, đặt thêm gánh nặng lên các nhóm phụ trách bảo mật vốn đã quá tải trong công việc.

“Khi Việt Nam muốn tiếp tục nắm bắt tương lai kỹ thuật số và trở thành nền kinh tế số hàng đầu, chúng ta cần nhận thức về tần suất và mức độ ngày càng tinh vi của các cuộc tấn công mạng và vi phạm dữ liệu.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực an ninh mạng khiến vấn đề này trở nên khó khăn hơn. Fortinet có cung cấp các giải pháp cho doanh nghiệp, tổ chức đảm bảo an ninh mạng thông qua giải pháp SASE”.