Ba năm thực thi Hiệp định CPTPP - Chinh phục thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 26-12, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công thương, Tạp chí Công thương phối hợp cùng cơ quan chức năng đã tổ chức tọa đàm va đối thoại trực tiếp với chủ đề: Tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP - Chinh phục thị trường.

Các diễn giả khách mời tham dự tọa đàm có: ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương; bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; và ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc Khối Nội chính - Truyền thông - Đối ngoại, Tập đoàn PAN.

Tại buổi tạo đàm, ông Bùi Tuấn Hoàn đã chia sẻ về điểm khác biệt của CPTPP và những kết quả nổi bật sau 3 năm thực thi đã tác động như nào tới thương mại của Việt Nam.

Theo ông Hoàn, Hiệp định CPTPP đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Khác với EVFTA là thị trường xuất khẩu tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP, đặc biệt là các quốc gia châu Mỹ do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phụ trách, gồm 4 nước: Canada, Mexico, Peru và Chile, là các quốc gia châu Mỹ tương đối mới đối với xuất khẩu của Việt Nam. Trước khi CPTPP chính thức có hiệu lực, các mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường này tương đối khiêm tốn, sau khi ký kết Hiệp định CPTPP và được đưa vào thực thi đã làm tăng đáng kể kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này thấy rất rõ ràng là các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nhanh nhạy đi tắt đón đầu, nắm bắt tất cả nội dung để đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực thị trường mới này.

Kể từ khi Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ, được khẳng định bằng các con số rõ rệt, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đối với khu vực này là tốc độ tăng trưởng thần kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang các thị trường này cũng đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, Canada tăng 29,8%, Mexico (5%), Peru (4%) và Chile (12%).

Ở góc độ khác, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam chia sẻ những nhìn nhận vềtình hình xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp điện tử, và Hiệp định CPTPP đã tác động như thế nào tới sự phát triển chung của ngành điện tử Việt Nam trong 3 năm qua.

Theo đó, trong vòng 10 năm trở lại đây, điện tử liên tục là một ngành dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước về ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, con số xuất khẩu cùa ngành công nghiệp điện tử năm 2021 trên 108 tỷ USD, dẫn đầu trong tất cả kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến - chế tạo, chiếm khoảng trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 9 tháng đầu năm 2022, ngành điện tử tiếp tục là ngành dẫn đầu trong các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo với giá trị xuất khẩu tuyệt đối xấp xỉ 87 tỷ USD, xuất siêu 12,5 tỷ USD, trong bối cảnh cả nước xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Bên cạnh việc có gia tăng xuất khẩu, tuy nhiên con số này không thể hiện trực tiếp qua chuỗi cung ứng, Hiệp hội đã tiếp nhận nhiều yêu cầu của doanh nghiệp kết nối với các đối tác Bắc Mỹ, đặc biệt Canada. Thông qua đại sứ quán và thương vụ đã hỗ trợ kết nối khá thành công đối với các đối tác Canada, trong việc thiết lập một chuỗi cung ứng tại Việt Nam, không chỉ tìm kiếm doanh nghiệp đơn lẻ mà tìm theo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ kho hàng, logistic, bao bì, đóng gói, linh kiện điện tử. Đây là một con số đáng kể. Gần đây, hãng Boeing đã tổ chức hội nghị hàng không lớn tại Việt Nam với mong muốn thiết lập một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái sản xuất của Boieng Việt Nam.

Bên cạnh thuận lợi, còn một số khó khăn như kết nối đối tác, đặc biệt ngôn ngữ, thời gian bị ngược, doanh nghiệp thường xuyên phải bố trí nhân viên làm đêm để làm việc với đối tác, thời gian vận chuyển và quãng đường lâu…

Là doanh nghiệp có hệ sinh thái khá toàn diện và lợi thế ở lĩnh vực Nông nghiệp - Thực phẩm, Tập đoàn PAN và các đơn vị thành viên đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua như một trường hợp tận dụng tốt cơ hội mà các FTA mang lại trong đó có CPTPP. Ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc Khối Nội chính - Truyền thông - Đối ngoại, Tập đoàn PAN chia sẻ câu chuyện thực tiễn của PAN để tiếp cận thị trường, đáp ứng những yêu cầu của các thị trường khó tính và khai thác tối đa cơ hội từ Hiệp định.

Năm 2022 này đánh dấu 10 năm Tập đoàn Pan đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm. Mục tiêu, quyết tâm của PAN là nâng tầm nông nghiệp Việt Nam, với cái cách làm để làm sao nông nghiệp của chúng ta có sự chuyển biến về các sản phẩm nông sản của chúng ta sẽ thu được nhiều giá trị gia tăng, đặc biệt là khi chúng ta xuất khẩu ra thế giới.

Khi thâm nhập các thị trường khó tính, cách tiếp cận của PAN là phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng an toàn vệ thực phẩm, ngoài ra khi xuất sang các thị trường đó thì họ yêu cầu rất cao, liên quan đến các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội cộng đồng.

Tất cả những điều đó đều được thực hiện rất nghiêm túc cũng như xây dựng một chiến lược ngay từ đầu khi đầu tư vào lĩnh vực này. Hàng năm, PAN đều ra những báo cáo môi trường xã hội chi tiết, đi cùng với những báo cáo thường niên và cả kinh doanh để cung cấp cho các đối tác của mình cũng như các nhà đầu tư, đó là cách làm của PAN trong việc có thể thâm nhập được vào các thị trường khó tính…