Ba chiến sĩ PCCC hy sinh khi làm nhiệm vụ: Thức tỉnh hàng triệu trái tim về lý tưởng sống một cuộc đời cao đẹp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Vụ cháy xảy ra tại quán karaoke trên địa bàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy đã được dập tắt, toàn bộ 8 người bên trong đã được giải cứu an toàn, nhưng 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi đau xót và tiếc thương vô hạn với những người ở lại. Họ đã trọn vẹn với lời thề sắt son của người chiến sĩ Công an Nhân dân: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ" và cũng đã thức tỉnh hàng triệu trái tim về lý tưởng sống một cuộc đời cao đẹp. 

KTS Trần Huy Ánh:

“Vô cùng cảm phục và xin được kính trọng sự hy sinh cao cả đó!”

Sáng sớm nay tôi đạp xe qua hồ Thiền Quang và rất bất ngờ, xúc động khi thấy phía chân tượng đài Công an Nhân dân mới khánh thành, có ai đó đã đặt một bó hoa hồng màu đỏ ngay dưới chân tượng đài, phía có hình tượng 3 người chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Tôi đã định làm điều này nhưng chưa kịp thì có ai đó đã làm. Thật xúc động. Tôi nói chuyện với một vài người bạn, nói với họ rằng đây chính là lúc bức tượng đài này phát huy vai trò, giá trị và ý nghĩa của nó trong cuộc sống, là nơi để mọi người có thể bày tỏ niềm tiếc thương, cảm phục, kính trọng, biết ơn tới các chiến sĩ Công an đã hy sinh thân mình vì sự an toàn của người dân.

Suốt cả chiều hôm qua kể từ khi nghe tin về sự việc 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh khi làm nhiệm vụ, tôi vô cùng đau xót, cứ nghĩ mãi về sự hy sinh dũng cảm của họ. Tôi tự hỏi không biết lúc dũng cảm lao vào ngọn lửa nguy nan ấy, họ đã nghĩ gì và rồi tôi tin rằng họ chẳng nghĩ gì nhiều cả, chỉ nghĩ đến việc làm sao để cứu người, vì đó là trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Họ đã hiến dâng cả tính mạng và tuổi xuân của mình vì sự bình an của nhân dân. Là một người dân Thủ đô, tôi vô cùng cảm phục và xin được kính trọng sự hy sinh cao cả đó.

Đáng nói, trước khi lao mình trở vào ngôi nhà đang cháy, 3 người chiến sĩ ấy đã cùng những người đồng đội của mình cứu thoát được 8 người và tôi nghĩ rằng họ quyết định quay trở lại vì sự tận tâm, trách nhiệm với tính mạng của người dân chứ không chỉ đơn thuần là vì công việc nữa. Quả thật khi đã lựa chọn gắn bó với công việc này, hơn ai hết họ đã lường trước được những hiểm nguy có thể xảy đến với mình và chấp nhận điều đó. Có lẽ trong thời khắc lao mình vào lửa dữ, họ xem đó là chuyện bình thường, không nghĩ rằng đó là sự hy sinh, chỉ nghĩ đến việc cứu người. Trong cuộc sống ở thời nào cũng vậy, không dễ gì để người ta bước qua ranh giới của sự sống và cái chết để làm được những việc cao cả như thế. Sự ra đi của 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy chắc chắn cũng sẽ có giá trị làm thức tỉnh nhiều người sống sao cho xứng đáng, sống một cách có ý nghĩa thay vì chọn sống vô nghĩa, tầm thường nữa, để từ đó vượt qua những cám dỗ, khó khăn trong cuộc sống, vượt lên chính bản thân mình.

Nhà báo Trương Anh Ngọc:

“Các anh sẽ không bao giờ bị lãng quên…”

Hai trong số 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh trong vụ việc vừa qua còn trẻ quá – một em mới 24 tuổi và một bạn mới 19 tuổi, bằng đúng tuổi con gái tôi. Biết bao dự định, ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, rồi cả tương lai phía trước của các em đã đột ngột chấm dứt trong khi làm nhiệm vụ. Đọc được một chia sẻ cũ của Trung úy Đỗ Đức Việt trên mạng xã hội từ tháng 2-2021 mà em đăng sau khi vừa tham gia làm nhiệm vụ tại một vụ cháy, hình ảnh em vỗ vễ chú chó nhỏ, gọi đó là “nhân vật” mà mình đưa ra được khỏi vụ cháy… tôi thấy nghẹn ngào vô cùng.

Việt cùng 2 người đồng đội của em đã ra đi khi tham gia làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại vụ cháy xảy ra hôm 1-8 vừa qua ở Hà Nội. Sự hy sinh ấy chắc chắn phải có một ý nghĩa nào đó đối với những người được cứu sống, những người đang sống như chúng ta và đau xót trước cái chết của họ, cũng như đặt ra những câu hỏi cần lời giải đáp từ các cơ quan hữu quan, chẳng hạn như: tại sao những vụ cháy này xảy ra, làm thế nào để hạn chế chúng, xử lý thế nào với những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra vụ hoả hoạn…

Trong cuộc sống hỗn độn và gấp gáp này, liệu có khi nào chúng ta sẽ quên họ; có thể rất sơ ý, chủ quan, thiếu ý thức, gây ra những đám cháy khi vứt một mẩu thuốc lá vào nơi dễ cháy, hoặc phớt lờ những quy định về an toàn trong lúc hàn xì để sửa chữa công trình nào đó?

Tôi bỗng nhớ cuộc nói chuyện với một người bạn cũ nhiều năm trước. Bạn bảo, sẽ không bao giờ cho con mình làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm thường trực như phòng cháy chữa cháy. Bạn quan niệm rằng đó không phải là một nghề “hot”, không kiếm được nhiều tiền. Lại nhớ khá lâu rồi, có một lần nhắn tin trò chuyện với một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy trẻ, anh nói là độc giả của tôi. Khi tôi hỏi: “Tại sao em làm nghề này, em có nghĩ đến những hiểm nguy sẽ phải đối mặt không?”, cậu ấy trả lời rằng thi vào trường Đại học Phòng cháy chữa cháy và làm nghề này bởi đó là một công việc có ích trong xã hội. Rồi cậu ấy hỏi lại tôi: “Nếu ai cũng nghĩ phòng cháy chữa cháy là một công việc nhọc nhằn, đầy rủi ro và tránh né, vậy khi xảy ra cháy, ai sẽ đi chữa cháy cứu người?”.

Nhiều bộ phim Hollywood đã mô tả những người lính cứu hoả như những người anh hùng. Nhưng không cần đến những bộ phim ấy, họ đã là người anh hùng rồi. Thực tế cuộc sống đã chứng minh điều ấy. Họ được xã hội tôn trọng và tôn vinh vì những việc họ đã làm, vì những mất mát và hy sinh trong cuộc chiến với lửa để cứu người. Họ không chỉ có kỹ năng để thực hiện công việc, họ còn có trái tim của một con sư tử và sự dũng cảm của một chiến binh. Có một câu nổi tiếng của Susan Diane Murphee, một tuyên uý cứu hoả Mỹ: “Những người lính cứu hỏa không bao giờ chết. Họ chỉ đơn giản là cháy mãi trong trái tim của những người mà họ đã cứu”. Xin kính cẩn nghiêng mình trước các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã hy sinh. Các anh sẽ không bao giờ bị lãng quên…!

Nhà báo Nguyễn Ngọc Anh:

“Để có được cuộc sống bình an cho chúng ta, hàng ngày vẫn có những người hùng âm thầm như vậy”

Trái tim tôi trĩu nặng khi vào trang Facebook cá nhân của Đức Việt - một trong ba chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hy sinh trong vụ cháy hôm qua ở Quan Hoa, Cầu Giấy. Một chàng trai đáng yêu, gương mặt trong sáng, ngời lên sức sống thanh xuân và qua những dòng em viết, cảm nhận em là một người có nhân cách cao đẹp, trái tim thiện lương, ấm áp. Thế nhưng, ai có ngờ đâu, vụ cháy oan nghiệt chiều qua đã cướp đi của chúng ta 3 người anh hùng. Dù biết rằng, khi đã chọn nghề cảnh sát phòng cháy chữa cháy, họ đã chọn con đường gian nguy, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bất cứ lúc nào.

Số phận thật nghiệt ngã. Cuộc đời không bao giờ lúc nào cũng chỉ màu hồng và những ngày tháng tươi vui. Để có được cuộc sống bình an cho chúng ta, hàng ngày vẫn có những người hùng âm thầm như vậy. Âm thầm chọn nghề nguy hiểm, âm thầm đi vào cuộc chiến hàng ngày, âm thầm lao vào lửa cháy... họ chưa bao giờ đòi hỏi xã hội phải biệt đãi, phải tôn vinh, phải nâng niu.

Chỉ một ngày mà Hà Nội mất đi 3 con người ưu tú. Thật quá xót xa! Mong các anh sẽ luôn được nhớ đến, luôn sống mãi trong tâm trí những người ở lại. Mong rằng sự hy sinh của họ, sẽ làm cho cuộc sống này đẹp hơn, sáng rõ hơn. Mong rằng bất kỳ một ai đó, trước khi làm những việc độc ác, xấu xa, gây hại cho cộng đồng, hãy nghĩ về những người như các anh. Các anh đã hy sinh cả mạng sống của mình để cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, để người với người sống tử tế với nhau hơn, yêu thương và trân trọng nhau hơn. Đừng để sự hy sinh của các anh trở thành vô nghĩa.

Chúng ta mất đi 3 người tốt ngày hôm qua, cũng như rất, rất nhiều người thầm lặng đã dâng hiến cuộc đời mình cho nhân dân, cho đất nước, là để đổi lấy một xã hội tốt đẹp hơn, tử tế hơn. Những người còn được sống, xin hãy cố gắng sống thật đẹp, để đừng uổng phí sự hy sinh cao cả của những con người như Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sỹ Nguyễn Đình Phúc.

Xin hãy nhớ những cái tên của họ, gương mặt của họ, sự hy sinh cao cả của họ, để rồi mỗi người chúng ta, phải sống đẹp hơn lên. Chỉ có như thế, sự hy sinh của các anh mới không trở thành vô nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”

Sự việc 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy tại quán karaoke nằm trên đường Quan Hoa, ven sông Tô Lịch gây nhiều cảm thương trong cộng đồng. Tối qua trên đường về qua hiện trường, tôi vẫn thấy xe và lực lượng phòng cháy ở đó mà không dám dừng lại.

Do đặc thù công việc phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các chiến sĩ phải đối diện trực tiếp với hiểm hoạ, khả năng xảy ra mất an toàn là rất cao. Ngoài chữa cháy, công tác cứu nạn cứu nạn cứu hộ cũng nguy hiểm không kém, từ xuống giếng sâu có khí độc, cống, hầm, ao hồ đến sập đổ công trình, ngăn ngáo đá leo dây điện cao thế… nói chung rất nguy hiểm. Có điều kiện tìm hiểu và viết chút ít về công việc của lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nên tôi rất hiểu và đồng cảm với nhiệm vụ của các anh. Họ đúng là những người thực hành tâm niệm “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Chỉ mong cho mỗi người chồng sau khi thực hiện nhiệm vụ đều trở về an toàn với vợ, bố an toàn về với con, con an toàn về với bố mẹ…