AVG bất ngờ “biếu không” bản quyền truyền hình cho VPF

ANTĐ - Sau lễ ký hợp đồng chuyền giao vào 13h ngày 23-4 tới, Công ty VPF sẽ chính thức được quyền khai thác các giải bóng đá Việt Nam mà không phải trả cho AVG một đồng nào. 

Bàn giao toàn bộ, không lấy tiền

Trong khuôn khổ cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều nay 20-4, lãnh đạo VPF đã tiết lộ nhiều thông tin gây sốc quanh vụ bản quyền truyền hình.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho biết: “Sau cuộc họp bàn hôm 14-4, phía AVG đồng ý chuyển giao cho VPF toàn bộ quyền khai thác thương quyền các giải công ty tổ chức. Đặc biệt, VPF không phải chi một đồng nào cho AVG”.

Điều này đồng nghĩa “cuộc chiến” bản quyền truyền hình diễn ra căng thẳng suốt thời gian qua sẽ chấm dứt và VPF hiện đang là đơn vị được hưởng lợi. Một kết cục quá bất ngờ, bởi mới đây, VPF từng ngỏ lời chi 76 tỷ/3 năm để mua lại bản quyền từ tay AVG nhưng không được đơn vị này chấp thuận.

"Cuộc chiến" bản quyền bóng đá kết thúc không thể bất ngờ hơn.

Dù không giải thích nguyên nhân vì sao “đối thủ” lại dễ dàng bàn giao toàn bộ mà không lấy tiền, song ông Kiên tiết lộ: “Tôi có phân tích với anh Vũ (Chủ tịch AVG – Phạm Nhật Vũ) rằng cách khai thác của các anh không hiệu quả bằng cách VPF sẽ áp dụng. Thực tế là sau 13 vòng đấu, AVG phải chịu lỗ vì chi phí sản xuất các trận đấu cao mà nguồn lợi thu về (chủ yếu là quảng cáo) lại quá ít. Vả lại từ chỗ không ai biết thì sau vụ bản quyền, cả nước đều đã biết đến AVG”.

Xã hội hóa bóng đá

Một trong những thông tin “sốc” không kém được lãnh đạo VPF tiết lộ, đó là công ty này khẳng định sẽ thu lời 100 tỷ/năm từ tiền bản quyền và dùng số tiền này để đầu tư cho các ĐTQG. “Đó là cách xã hội hóa bóng đá, giúp BĐVN phát triển và không cần phải nhờ cậy vào Ngân sách Nhà nước”, Phó chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức chia sẻ.

VPF khẳng định cách làm của mình sẽ thu lời khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm cho BĐVN

Có điều, liệu VPF sẽ làm cách nào để thu lại số tiền khổng lồ đó khi mà chất lượng bóng đá Việt Nam vẫn còn hạn chế và không thu hút sự quan tâm của người hâm mộ?

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, VPF sẽ kêu gọi những người yêu bóng đá, có tiềm lực kinh tế tham gia Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam. “Hội đồng này sẽ có 10 người, là những ông chủ các doanh nghiệp lớn có tổng thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Hiện chắc chắn đã có hơn 10 doanh nghiệp đăng ký bảo trợ, thậm chí tài trợ miễn phí cho BĐVN. Bù lại, VPF sẽ dành từ 15 đến 20 phút quảng cáo trước, trong và sau trận cho các doanh nghiệp này quảng bá thương hiệu”, ông Kiên khẳng định.

Tuần tới, VFF sẽ ký hợp đồng chuyển giao cho VPF toàn quyền sử dụng thương quyền các giải bóng đá do công ty tổ chức. Sau đó, VPF sẽ bàn thảo và ký hợp đồng bán bản quyền với các đơn vị có nhu cầu. Các đài truyền hình lớn như VTV, VTC hay AVG sẽ phải trả tiền để được sản xuất và phát sóng các trận đấu, trong khi có thể các đài địa phương sẽ được truyền sóng miễn phí. Mọi chi tiết ký kết cũng sẽ được VPF công khai vào tuần tới.