Gian hàng của Huawei tại Triển lãm quốc tế ở Las Vegas (Mỹ) hồi tháng 1-2012
“Chúng tôi đưa ra quyết định này vì lợi ích quốc gia. Bất kỳ ý kiến nào cho rằng quyết định này vi phạm các cam kết thương mại của chúng tôi đều không đúng”, bà Gillard nói, đồng thời nhấn mạnh vấn đề Huawei không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Trước đó, ngày 26-3, Chính phủ Australia đã cấm “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia đấu thầu thiết lập mạng lưới internet tốc độ cao do lo ngại các cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo Thủ tướng Julia Gillard, đây là một trong những “quyết định thận trọng” mà Chính phủ Australia phải đưa ra để đảm bảo mạng internet này hoạt động thích đáng. Cùng ngày, tờ Australian Financial Review đưa tin, chính phủ nước này cấm Huawei dự thầu theo khuyến cáo của các quan chức tình báo. Họ đã viện dẫn một loạt âm mưu trong thời gian gần đây nhằm xâm nhập các hệ thống máy tính của phương Tây được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc trên, cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Chính phủ Australia tạo ra thị trường công bằng cho các công ty Trung Quốc, thay vì cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp nước này tại Australia nhân danh lý do an ninh.
Huawei do ông Nhiệm Chính Phi, một sĩ quan về hưu của Trung Quốc, sáng lập. Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Bloomberg hôm 28-3, ông Jeremy Mitchell, Giám đốc đối ngoại của Huawei tại Australia nói rằng, Huawei không có hợp đồng nào liên quan đến quân sự. Huawei đã bày tỏ thất vọng về quyết định của Chính phủ Australia và bác bỏ những lời bóng gió rằng Huawei là một nguy cơ về an ninh. Hãng vẫn hy vọng giành được hợp đồng xây dựng NBN. Theo ông Luke Coleman, người phát ngôn của Huawei tại Australia, hoạt động kinh doanh của hãng tại Australia vẫn bình thường bất chấp lệnh cấm tham gia đấu thầu xây dựng NBN từ chính phủ nước này.