ATGT đường sắt - Những hiểm họa được báo trước

(ANTĐ) - Hành lang ATGT đường sắt từ lâu đã được cảnh báo về sự mất an toàn cũng như sự vi phạm trong một thời gian dài. Người dân nhiều nơi có tàu hỏa đi qua không những không nâng cao ý thức bảo vệ đường ray, tài sản của Nhà nước mà còn ngang nhiên xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép… gây ảnh hưởng đến an toàn cho mỗi chuyến tàu và nguy hại đến chính mạng sống của mình.

ATGT đường sắt - Những hiểm họa được báo trước

Kỳ 1: Đùa với “tử thần”

(ANTĐ) - Hành lang ATGT đường sắt từ lâu đã được cảnh báo về sự mất an toàn cũng như sự vi phạm trong một thời gian dài. Người dân nhiều nơi có tàu hỏa đi qua không những không nâng cao ý thức bảo vệ đường ray, tài sản của Nhà nước mà còn ngang nhiên xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép… gây ảnh hưởng đến an toàn cho mỗi chuyến tàu và nguy hại đến chính mạng sống của mình.

Vô tư mở đường ngang… trái phép

Trong những năm qua, người dân tham gia đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện đường sắt ngày càng tăng. Nhiều tuyến đường sắt đã được đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trên của nhân dân. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn đó là việc lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn Thủ đô dường như đã ăn sâu bám rễ vào những người dân, nơi có các tuyến đường sắt đi qua. 

Khảo sát tại những tuyến đường sắt chạy qua Thủ đô, một điều nhận thấy đầu tiên là dọc theo tuyến đường sắt từ phía Nam vào ga Hà Nội có rất nhiều điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Những tuyến đường ngang trái phép nằm vắt qua đường sắt được mở một cách tùy tiện ở khắp nơi.

Không khó để nhận thấy những đường ngang dân sinh mở tùy tiện tại Giáp Bát, hàng quán được bày bán công khai hai bên đường, điển hình là đoạn đường sắt chạy trên đường Lê Duẩn còn gọi là “phố đường tàu”.

Để vượt qua được đường tàu, người dân đã “phát minh” ra rất nhiều “chiêu thức” nhằm tạo ra được một lối đi riêng. Và “tận dụng” làm lối đi, những tấm bê tông, gạch, ván và đủ thứ “cầu” tự chế được lát ngang qua đường sắt.

Không chỉ có khu vực Khâm Thiên, Giáp Bát, trên tuyến đường sắt phía Nam từ Ga Hà Nội đến Ngọc Hồi (Thanh Trì), còn có hàng trăm đường bê tông, rải đá hoặc kê gỗ bắc ngang qua đường ray.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng cũng có hàng ngàn đường ngang, đường dân sinh mở trái phép... Những tấm bê tông cũng như đường ngang trái phép này ngày càng nhiều và hậu quả là tai nạn đường sắt vì thế cứ ngày một gia tăng.

"Tận dungj" cả đường tàu để bán mũ bảo hiểm
"Tận dungj" cả đường tàu để bán mũ bảo hiểm

Ông Trần Minh Kha, một hộ dân ở khu vực Ngọc Hồi than thở: “Cứ mỗi lần đi qua đường sắt vào những giờ tan tầm mới thấy hết được sự nguy hiểm luôn thường trực ở đây, khi những tiếng còi báo hiệu có đoàn tàu chạy qua mà nhiều người dân vẫn cố tình vượt sang đường. ở những đoạn giao cắt không có gác chắn hoặc người bảo vệ thì tình trạng lộn xộn còn nhức nhối hơn nhiều”.

Hiện nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành đường sắt, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có hơn 200 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ, trong đó 60 điểm có gác chắn; hơn 39 điểm có cảnh báo tự động; 48 điểm có biển báo, nhưng không có gác chắn và trên 700 đường ngang dân sinh chằng chịt cắt qua đường sắt. Đường ngang dân sinh mở nhiều nhất ở khu vực thuộc phường Trung Phụng, Phương Liệt và đoạn chạy dọc với phố Phùng Hưng.

Tại các đường ngang dân sinh này không hề có các thiết bị cảnh báo tàu, rào chắn... nên TNGT đường sắt xảy ra ở đây khá phổ biến. Đơn cử như tại xã Thạch Bàn có hơn 20 ngôi nhà, lều quán lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt. Phường Khâm Thiên cũng có 106 nhà và 12m tường rào lấn chiếm hàng lang ATGT đường sắt.

Không chỉ có vậy, phường Trung Phụng có 105 nhà; phường Phương Mai có 12 nhà, 3 lều và 528m tường rào vi phạm; phường Phương Liệt có 95 nhà... và tại những điểm trên đều rất hiếm hoặc không có rào chắn đường sắt.

Và làm đủ thứ nghề trên đời bên đường tàu - Ảnh: Phú Khánh

Và làm đủ thứ nghề trên đời bên đường tàu - Ảnh: Phú Khánh

“Nhiều khi những thanh barie được hạ xuống nhằm ngăn cho người và phương tiện không vượt qua đường tàu mỗi khi có đoàn tàu đến. Tuy nhiên có rất nhiều người lại cảm thấy khó chịu trước những việc làm này. Thật khó hiểu khi họ lại cảm thấy bực mình với chính công cụ cũng như những người đang cảnh báo, đảm bảo an toàn cho họ.

Nhiều khi đoàn tàu chưa đi qua hết, những tấm rào chắn chưa kịp kéo về hay những thanh barie chưa được dựng lên, nhưng tất cả người đi đường dường như bất chấp tất cả miễn sao cố đi được trước” - chị Nguyễn Thu Hồng, nhân viên gác chắn đường tàu tại Giáp Bát buồn rầu nói.

Nhiều cái vướng khó gỡ

Việc hàng ngày hàng giờ lắng nghe cũng như chứng kiến những chuyến tàu đi qua ngay trước nhà mình đã khiến những người dân sống dọc hai bên đường tàu khu vực đường Lê Duẩn thuộc đến từng giờ, từng phút giờ giấc của đoàn tàu nào đi, về Ga Hà Nội. Có nhiều hộ gia đình ở khu vực Khâm Thiên đằng trước đằng sau mở cửa ra đều nhìn thấy đường tàu.

Khi được hỏi về mối hiểm họa từ việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt mỗi khi những đoàn tàu đi qua, bà Nguyễn Thị Yến - chủ một của hàng nằm sát đường tàu trên đường Lê Duẩn cho biết: “Nhà chúng tôi ở đây đã hơn 20 năm. Phải nghe tiếng tàu chạy qua ầm ầm cả đêm lẫn ngày, do đó chúng tôi nắm lịch giờ tàu chạy trong lòng bàn tay nên cũng chẳng việc gì phải sợ”. Tâm lý chủ quan đó không phải chỉ có ở một người, mà thường trực, bám rễ trong đại bộ phận dân cư sống dọc hai bên đường tàu.

Để đảm bảo hành lang ATGT đường sắt, trong Luật Đường sắt có quy định về hành lang ATGT đường sắt tối thiểu là 15m. Mặc dù vậy, đất hai bên hành lang nhiều chỗ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và người dân đã xây dựng các công trình kiên cố để sử dụng.

Điều này đã khiến các cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn khi giải tỏa hành lang theo đúng quy định. Bên cạnh đó ở nhiều nơi, chính quyền địa phương còn cho việc bảo vệ hành lang an toàn đường sắt là trách nhiệm riêng của ngành đường sắt nên đã không ngăn chặn kịp thời các vi phạm. Đó là chưa kể vô vàn lý do khác dẫn đến tình trạng người dân không biết hay cố tình phớt lờ để không thực hiện.                          

Hoàng Phong

Kỳ sau: Hệ thống cảnh báo - có như không