APPF-26: Cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu

ANTD.VN -Ngày 20-1, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF - 26) tiếp tục diễn ra với Phiên họp toàn thể thứ ba về Các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực. Phiên họp với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Thường trực QH, Trưởng ban Tổ chức APPF-26 Tòng Thị Phóng cùng đại diện đại biểu các nước thành viên APPF, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU)…

Về vấn đề tăng cường hành động chung ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết; thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Năm 2017, ở Hà Nội nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua. Không riêng ở Việt Nam, nhiều mô hình dự báo nhiệt độ khu vực châu Á -Thái Bình Dương đến năm 2030 sẽ tăng 0.5-2 độ C.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp

Phó Thủ tướng lưu ý, những nỗ lực hạn chế các tác nhân có hại cũng như khắc phục hậu quả và phòng ngừa biến đổi khí hậu phải được thực hiện ở quy mô toàn cầu là quyền lợi và trách nhiệm của mọi quốc gia, nền kinh tế. Mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các Điều ước quốc tế, Công ước, các Nghị định thư và Thoả thuận về biến đổi khí hậu.

Cần phải làm toàn xã hội, từng người dân đều hiểu và bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ đến những việc đòi hỏi công nghệ và nguồn lực lớn như phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tiến tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh thông qua những thay đổi toàn diện trong tiếp cận, phương thức sản xuất, phương thức canh tác… thân thiện với môi trường phải được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất.

“Những nỗ lực đó, đặc biệt là phát triển công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn. Vì vậy, cần có các giải pháp huy động các nguồn tài chính, tăng cường đối tác công tư và rất cần vai trò của các chế định tài chính quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phiên họp toàn thể thứ ba về các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực

Theo Phó Thủ tướng, các nước thành viên của APPF đã chứng tỏ vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy tiến trình cải cách để thích ứng tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng của cục diện thế giới và khu vực, tiếp tục phát huy vai trò kênh ngoại giao nghị viện bổ trợ triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác với các cơ chế khác trong khu vực, trong đó có Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Tại phiên họp, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm và giải pháp xoay quanh các chủ đề về vai trò của APPF trong việc hỗ trợ hoàn thành hành động trong các kế hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế và giám sát việc thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng chúng ta cần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, cung cấp các kỹ năng cơ bản cho cử tri và người dân về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đưa ra các biện pháp hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hương trực tiếp của biến đổi khí hậu, đặt biệt là phụ nữ và trẻ em. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế và giám sát việc thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Giám sát thực thi các cam kết của các nước châu Á-TBD về biến đổi khí hậu sau năm 2017.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia, bảo đảm phù hợp với các cam kết của ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên phân bổ nguồn lực và ngân sách, quyết định các kế hoạch, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế, dự án đầu tư quan trọng quốc gia. Qua đó, Chính phủ các nước cần huy động tối đa nguồn tài chính để đầu tư vào các dự án liên quan đến công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng; đưa ra các biện pháp hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, đặc biệt là phụ nữ, người già, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nhờ việc tận dụng những cơ hội đến từ biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trước những thách thức do biến đổi khí hậu mang lại.