Áp lực của những cặp vợ chồng hiếm muộn: Phụ nữ luôn là người gánh chịu

ANTĐ - Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ số người bị vô sinh của nước ta chiếm tới tới 8% dân số, trong đó, nguyên nhân do nam giới chiếm 25-40%, phụ nữ 40-55%, còn lại tại cả hai vợ chồng và không rõ nguyên nhân. Điều đáng lo ngại là Việt Nam hầu như đã áp dụng được hết các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị hiếm muộn và vô sinh trên thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ thành công mới chỉ đạt 30-35%. Áp lực tâm lý là gánh nặng lớn nhất đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn, nhất là người phụ nữ.

Hết Tây y sang Đông y

Chị Nguyễn Thùy Chi ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội lấy chồng đã được 7 năm mà vẫn chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ. Theo bác sĩ, nguyên nhân là do chị bị đa nang buồng trứng nên rất khó có con. Chạy chữa, tiêm thuốc kích thích trứng rụng hàng năm trời tốn biết bao tiền, cuối cùng chị cũng có thai nhưng lại là thai… ngoài tử cung. Do chủ quan nên đến khi thai bị vỡ chị mới tá hỏa nhập viện. Các bác sĩ không còn cách nào khác phải cắt một bên buồng trứng. Niềm hy vọng được làm mẹ càng mỏng manh khi chị chỉ còn một bên buồng trứng nhưng lại là buồng trứng không phát triển.

Buồn nản, hai vợ chồng chị quay sang đông y. Nghe thầy lang nào có biệt tài chữa vô sinh, dù ở xa đến mấy, hai anh chị cũng tìm đến. Uống hết mấy trăm thang thuốc nhưng vẫn chẳng thấy có kết quả, nhiều lúc chị đã định từ bỏ vì quá mệt mỏi. Nhưng chồng chị là con một, lại là con trưởng của dòng họ, không thể không có con. Mẹ chồng chị đã nhiều lần nói bóng gió. Áp lực này khiến chị nhiều lúc như phát điên. Chỉ còn cách cuối cùng là thụ tinh trong ống nghiệm. Dồn hết mọi tiền tiết kiệm và vay mượn thêm, chị quyết định đi thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng ông trời vẫn muốn trêu ngươi, hai lần chị mang bầu thì cả hai lần chỉ đến tháng thứ 3 là sảy. Mỗi lần hỏng chị chỉ muốn chết quách cho xong. Bởi biết bao hy vọng, niềm tin cuối cùng cũng tan thành mây khói. 7 năm chạy chữa, không chỉ biết bao tiền của, công sức ra đi, mà chị cũng không làm được việc gì. Bao cơ hội việc làm đến nhưng vì muốn cố gắng đẻ được đứa con mà chị bỏ qua hết. Giờ 35 tuổi rồi chị vẫn sống không con cái, không tiền bạc, không nhà cửa, không công việc… Thấy bạn bè con bồng con bế, mọi thứ đã ổn định, chị không tránh khỏi chạnh lòng.

Từ đó chị năng lên chùa hơn. Người ta thường nói muốn cầu điều gì hãy lên chùa. Chị mong rằng nếu mình thành tâm thì Trời Phật sẽ thương, cũng là cách để chị giải tỏa những áp lực, căng thẳng hàng ngày. Lên chùa chị mới thấy có nhiều hoàn cảnh giống mình. Có người 10 năm, có người 15 năm nhưng vẫn không nguôi niềm ước ao được làm mẹ. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên đến những trại trẻ mồ côi, những địa chỉ làm từ thiện với suy nghĩ nếu mình tích đức, sống thiện thì sẽ sớm có con bồng con bế.

Bế tắc tìm người đẻ thuê

Chị Nguyễn Lan Anh, 40 tuổi, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình cũng có hoàn cảnh giống chị Thùy Chi. Sau nhiều năm chạy chữa nhưng vẫn không có được mụn con, anh chị đã nghĩ đến việc xin đứa con nuôi. Song con nuôi mãi mãi là con nuôi chứ không phải là đứa con mang dòng máu của mình khiến chị không an tâm. Cuối cùng chị Lan Anh đã quyết định tìm người… đẻ thuê. Nhưng chị giấu kín chuyện này, chỉ cho chồng mình biết. Chồng chị sẽ có con với cô ta và chị sẽ nuôi dưỡng đứa trẻ như con của mình. Đây cũng là một nỗi đau khó diễn tả bằng lời nhưng chị không còn cách nào khác.

Tìm người đẻ thuê không mấy khó khăn nhưng phải mất một khoản tiền khá lớn, nhưng chồng chị dứt khoát không đồng ý. Phải mất mấy tháng thuyết phục, anh mới chấp nhận. Ngay khi người đẻ thuê báo tin có thai, chị cũng thông báo với gia đình mình như vậy. Sau đó, chị vội vàng thu xếp quần áo cùng người đẻ thuê lên đường “dưỡng thai”. Không một ai được gặp chị trong những ngày chị dưỡng thai trừ chồng chị. Mặc dù ước mong có đứa con để bồng bế sắp trở thành hiện thực nhưng chị lúc nào cũng lo lắng. Chị sợ một ngày nào đó, người đàn bà chị nhờ đẻ thuê sẽ lật ngược mà đòi con chị thì lúc đó mọi chuyện vỡ lở, chị làm sao sống nổi. Hoặc đứa bé không giống chị, mọi người sẽ đặt câu hỏi. “Cái kim trong bọc lâu ngày còn lòi ra”, chị sợ…

Hiếm muộn vì nhiều nguyên nhân

Nếu đã từng một lần đến khu khám hiếm muộn của Bệnh viện Phụ sản Trung ương hoặc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đều dễ dàng bắt gặp cảnh tấp nập người đứng ngồi chờ đợi với nhiều lứa tuổi. Những âu lo mệt mỏi hằn lên trên khuôn mặt của mỗi người. Bác sĩ Nguyễn Thu Hiền, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tâm sự: Vô sinh không phải là vấn đề bây giờ mới được nhắc tới, nhưng ngày càng trở thành nỗi lo của không ít cặp vợ chồng, khi tỷ lệ vô sinh đang có xu hướng tăng cao.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 cặp vợ chồng, có 1 cặp gặp khó khăn trong vấn đề sinh con, và hiện nay tỷ lệ này đã không dừng lại ở đây. Nguyên nhân có thể môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng, các loại dịch bệnh bùng phát, những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục xuất hiện với tỷ lệ cao; trẻ quan hệ tình dục sớm dẫn đến nạo phá thai tăng; nhịp độ cuộc sống gấp gáp gây áp lực công việc dẫn đến căng thẳng, stress... Tất cả yếu tố trên làm rối loạn khả năng sinh sản ở nữ giới, làm chất lượng tinh trùng của nam giới giảm sút dẫn đến bùng phát hiện tượng hiếm muộn - vô sinh.

Những nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới thường là: viêm dính tử cung, tắc vòi trứng, không rụng trứng hoặc buồng trứng đa nang. Ngoài ra phụ nữ tuổi càng cao, đặc biệt trên 35 tuổi, khả năng sinh sản càng giảm và tỷ lệ sảy thai, thai lưu càng tăng. Vô sinh nam cũng do không ít nguyên nhân như sử dụng các chất kích thích (rượu, thuốc lá) với liều lượng cao, có tiền sử bệnh quai bị… và khoảng 5% vô sinh nam do bất thường về di truyền. Một  nguyên nhân khác là hiện nay, giới trẻ đã sinh hoạt tình dục từ trước khi hôn nhân, nạo phá thai bừa bãi khiến cho nguy cơ bị vô sinh càng tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng vì nhiều lý do đã trì hoãn việc sinh con bằng thuốc tránh thai khiến cho đến lúc muốn có con thì không thể. Theo các bác sĩ, đang trong độ tuổi sinh nở, ngưng sinh là không nên bởi về lâu dài, khi lớn tuổi sinh con rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ vô sinh.

Áp lực tâm lý đè lên vai người phụ nữ

Mặc dù vô sinh có nhiều nguyên nhân, có thể do chồng hoặc vợ, hoặc cả hai. Tuy nhiên thực tế vẫn cho thấy, nhiều người vẫn quan niệm nguyên nhân chính là do người vợ, mà mặc nhiên quên đi trách nhiệm của chồng. Khi ấy phụ nữ luôn là người đau đớn nhất. Bởi không ít người rơi vào hoàn cảnh này không hề nhận được sự cảm thông, chỉ là những lời đay nghiến kiểu như “cá rô đực”, đồ “dừa điếc”. Hoặc nếu không cũng là những lời bóng gió kể chuyện con nhà này, cháu nhà khác, còn nhà mình thì… Như chị Lan Anh, người chị sợ đối mặt nhất là bố mẹ chồng vì lúc nào họ cũng nói: Vô phúc có được đứa con dâu không biết đẻ. Và họ liên tục muốn chồng chị chia tay để lấy vợ khác. Đồng thời chính chồng chị nhiều lúc cũng không tránh khỏi mệt mỏi mà cáu gắt với chị, rằng: Kiếm nhiều tiền cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không có một đứa con. Áp lực từ mọi phía khiến chị tưởng như trên đời này không còn ai khổ như mình, nhiều lúc chị cảm như mình bị dồn tới chân tường không còn  thiết sống.

Theo các chuyên gia tâm lý, hiếm muộn là nỗi khổ không của riêng ai, nhất là đối với người phụ nữ. Vẫn biết rằng đứa con là niềm mong ước của tất cả mọi người. Nhưng nếu có sự cảm thông, hiểu biết, sẻ chia giữa những người trong gia đình sẽ làm vơi bớt đi rất nhiều những bi kịch.  Bởi tâm lý cũng rất quan trọng. Tâm lý lạc quan, hy vọng hay bi quan, tuyệt vọng đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị hiếm muộn. Nếu người phụ nữ bị stress nhiều sẽ gây co thắt tử cung, không thuận lợi cho việc thụ thai của sản phụ. Khi đó áp lực từ mọi người xung quanh đã vô tình trở thành một nguyên nhân của tình trạng hiếm muộn.