Ankara không thể đảm bảo an ninh nếu lập hệ thống phòng thủ chung với NATO

ANTĐ -Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đảm bảo an ninh cho mình nếu họ lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung một cách hoàn chỉnh và đầy đủ với NATO.

Bình luận về thông báo gần đây của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng Ba Lan, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý là, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu cần phải được mở rộng, tướng nghỉ hưu Thổ Nhĩ Kỳ Haldun Solmaztürk cho biết, Ankara sẽ không thể đảm bảo an ninh cho mình nếu họ lập hệ thống chung đó với NATO.

Ankara không thể đảm bảo an ninh nếu lập hệ thống phòng thủ chung với NATO ảnh 1

Hệ thống radar AN/TPY-2

Tại một cuộc họp báo mới đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, các lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ba Lan, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu cần phải được mở rộng.

Nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, "thái độ hung hăng của Nga" như là một "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định khu vực".

Ông Cavusoglu cũng chỉ ra rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO (hệ thống Patriot) đã được triển khai ở cả ba nước "cho mục đích phòng thủ".

Tuy nhiên, tướng nghỉ hưu Thổ Nhĩ Kỳ Haldun Solmaztürk khẳng định, nước ông không có một hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên lãnh thổ của mình.

“Ankara chỉ có một radar cảnh báo sớm trên đất liền như một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa chung, hiện đang được triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Ba Lan. Có vẻ như ông Mevlut Cavusoglu đang thiếu thông tin về vấn đề này", Solmaztürk nói với Sputnik.

“Việc mở rộng hệ thống phòng thủ này có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay không nghiên cứu lịch sử của vấn đề này", vị tướng nghỉ hưu nhấn mạnh.

Ông giải thích thêm rằng, lịch sử của việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa có từ Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (Hiệp ước ABM hay ABMT) được ký kết giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết vào năm 1972. Mục đích chính của hiệp ước là hạn chế việc sử dụng các hệ thống chống tên lửa đạn đạo trong khu vực phòng vệ chống lại các tên lửa mang vũ khí hạt nhân, ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của cuộc chạy đua vũ trang. Hiệp ước này có hiệu lực trong 30 năm, từ năm 1972 đến năm 2002. Vào ngày 13-6-2002, Hoa Kỳ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước vì mục đích của mình. Và chính Mỹ, không phải Nga, là những người thực sự đổi mới cuộc chạy đua vũ trang, vị tướng về hưu xác nhận.

"Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ có nhận thức được thực tế này không? Ông ấy có biết các sự kiện phát triển như thế nào từ năm 1972 cho đến năm 2002 không? Những gì xảy ra sau năm 2002? Và những sự phát triển đã đạt đến mức nào ở giai đoạn hiện nay?”, ông Solmaztürk phân vân.

Solmaztürk cũng lưu ý, bất cứ ai nghiên cứu về vấn đề giải giáp sẽ ngay lập tức hiểu rằng, nỗ lực mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO sẽ dẫn đến một sự đổi mới của cuộc chạy đua vũ trang. Nó sẽ dẫn đến sự trở lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ông cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đảm bảo thích đáng an ninh cho mình, nếu Ankara lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung này đầy đủ và hoàn chỉnh với NATO.

"Mỗi nước thành viên NATO có lợi ích và tầm nhìn riêng về vấn đề này hay vấn đề khác. Và hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đang được triển khai ở châu Âu, mặc dù nó chính thức là một hệ thống của NATO, nhưng rất rõ ràng là hệ thống này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ ", Solmaztürk giải thích và cho rằng, chính Washington đứng sau thông báo này.

Bên cạnh đó, có một nhóm nhất định trong nước Mỹ kêu gọi mong muốn tình hình nghiêm trọng hơn ở châu Âu, và thậm chí trên toàn thế giới.

Họ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi mang lại sự căng thẳng đó cho tất cả các nơi trên thế giới như trong những năm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Và họ sẽ lợi dụng cuộc đua tổng thống trong nước để cố gắng thúc đẩy các sáng kiến của họ.

"Các nhà lãnh đạo đất nước chúng ta cần phải thận trọng, và không nên đáp trả với hành động khiêu khích như vậy, nhưng, ngược lại, hãy làm hết sức mình để tăng cường an ninh và hợp tác ở châu Âu", cuối cùng ông Solmaztürk kết luận.