Ẩn ý của Mỹ sau động thái công nhận chủ quyền Cao nguyên Golan?

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 25-3 đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ngay lập tức lên tiếng phản đối, trong khi Chính phủ Syria quyết tâm đòi lại bằng được vùng đất này. Giới quan sát nhận định, hành động này của Mỹ sẽ tác động tiêu cực lên tiến trình hòa bình tại Trung Đông cũng như ổn định, an ninh khu vực

Âm mưu tạo "tiền đề chiến lược" 

Dòng trạng thái Twitter của Tổng thống D. Trump (21-3) viết: "Đã đến lúc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sau 52 năm Israel kiểm soát cao nguyên chiến lược nằm trên biên giới giáp Syria".

Cao nguyên Golan (Nguồn: Google Maps)

Việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan làm đảo ngược chính sách của Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Theo luật pháp quốc tế, mảnh đất cao nguyên có tầm quan trọng chiến lược này được coi là vùng lãnh thổ "bị chiếm đóng" kể từ khi Israel chiếm đoạt từ tay Syria vào năm 1967.

Trong tuyên bố của mình, ông Trump đã viện dẫn những "nhu cầu an ninh", mặc dù trên thực tế quyền kiểm soát của Israel đã không bị thách thức trong nhiều thập kỷ qua. Tuyên bố trên là hành động "hậu thuẫn" mới nhất mà Mỹ dành cho Tel Aviv, sau khi, nước này (12-2017) công nhận Jerusalem làm thủ đô của Israel, miền đất này hiện vẫn là vấn đề trọng tâm trong xung đột Palestine và nhà nước Do Thái.

Giới chuyên gia cảnh báo, động thái của Mỹ có thể làm suy yếu các lệnh cấm quốc tế đối với việc giành được lãnh thổ bằng vũ lực và tạo tiền đề "chiến lược" để Mỹ có thể thực hiện việc công nhận khác trong tương lai như vấn đề chủ quyền Đài Loan...

Tuy nhiên, ngay sau khi Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, Bộ Ngoại giao Syria đã gọi quyết định này là “sự xâm lược” vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời đánh giá động thái trên của Mỹ thể hiện “mức độ coi thường đối với tính hợp pháp quốc tế”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump 

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng coi Israel là "thế lực chiếm đóng" và cho rằng, việc Israel tìm cách áp đặt luật pháp, quyền tài phán và sự quản lý của nước này tại Cao nguyên Golan của Syria là "không có giá trị pháp lý" và không có hiệu lực quốc tế.

Xác định tầm quan trọng của Cao nguyên Golan

Cao nguyên Golan có diện tích 700 dặm vuông, phía Tây giáp Israel, phía Bắc giúp Libanon, phía Đông giáp Syria và phía Nam giáp Jordan. Trong cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, các lực lượng Syria trên Cao nguyên Golan đã nã pháo xuống trang trại của người Israel ở thung lũng Hula bên dưới, các lực lượng Israel đã chiếm vùng lãnh thổ này từ tay Syria sau khi chiếm Bán đảo Sinai và Dải Gaza từ tay Ai Cập, chiếm Bờ Tây và Đông Jerusalem từ tay Jordan.

Ngoài lợi thế quân sự từ việc kiểm soát vùng lãnh thổ trên cao, Israel đã tìm kiếm một vùng đệm để bảo đảm cho an ninh nguồn nước. Ở rìa Cao nguyên là biển hồ Galile chứa nước ngọt, biên giới trên thực tế được thiết lập vào năm 1949 đã cho phép các lực lượng Syria đóng tại rìa của nguồn nước này, và quyền kiểm soát của Syria đối với các nhánh phụ đã được kích động những căng thẳng dẫn tới cuộc chiến năm 1967.

Quân đội Israel huấn luyện ở Cao nguyên Golan (Nguồn: Reuters)

Theo thống kê, Israel đang duy trì kiểm soát đối với 2/3 Cao nguyên Golan và Syria kiểm soát 1/3; lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc liên tục giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn này, tuần tra vùng đệm hẹp giữa hai nước. Một tháng sau khi ký thỏa thuận này, Chính phủ Israel đã phê chuẩn việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái.

Các lực lượng Israel ở Cao nguyên Golan vừa tìm cách bảo vệ lãnh thổ Israel khỏi các lực lượng chiến đấu ở bên kia biên giới, vừa tìm cách hỗ trợ các nhóm nổi dậy chiến đấu chống lại các lực lượng do Iran hậu thuẫn. Giữa một "cuộc chiến ngầm" rộng lớn mà trong đó Israel nhắm mục tiêu vào Lực lượng Quds và Hezbollah, có tin Nga đã dàn xếp để các lực lượng do Iran hậu thuẫn "tuồn" vũ khí hạng nặng của họ ra khỏi các vị trí của Israel 50 dặm.

Tác động tích cực - điểm cộng trước bầu cử

Mặc dù Tổng thống Trump biện minh quyết định về chủ quyền Golan không liên quan đến cuộc tổng tuyển cử Israel vào ngày 9-4 sắp tới, song nó thực sự là một "cú hích" mạnh mẽ đối với thủ tướng Netanyahu, đối mặt những thách thức không hề nhỏ từ vị tướng về hưu Benjamin Gantz với các cáo buộc tham nhũng thời gian gần đây.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Ngoài ra, theo nhiều nhà phân tích, động thái của ông Trump còn tăng cơ hội tái đắc cử cho chính mình trong cuộc bầu cử vào năm 2020, khi nhắm vào nhóm Kitô giáo ở Mỹ; rất nhiều người trong số này đã bỏ phiếu cho ông năm 2016; những người theo hệ này đang hiện diện dày đặc trong nội các Mỹ, từ Ngoại trưởng Pompeo đến Phó tổng thống M. Pence.

Trên thực tế, việc Mỹ công nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan gần như sẽ không thay đổi chính vùng lãnh thổ này. Hiện Chính phủ Israel không vấp phải bất kỳ thách thức nào ở đây. Và cũng giống như với quyết định Jerusalem là thủ đô Israel hồi năm 2017, gần như không quốc gia nào làm theo Mỹ; sự đồng thuận quốc tế về việc Cao nguyên Golan là một lãnh thổ bị chiếm đóng vẫn sẽ không thay đổi.

Theo giới chuyên gia, điều sẽ bị suy yếu chính là lệnh cấm chiếm giữ lãnh thổ bằng vũ lực - nguyên tắc được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, và là nền tảng của các nghị quyết 242, 497 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Martin S. Induk, chuyên gia lỗi lạc của Tổ chức Nghiên cứu Hội đồng quan hệ đối ngoại, từng là đại sứ Mỹ tại Israel, đã nói với tờ New York Times rằng, Tổng thống Nga V. Putin "sẽ coi đây là cái cớ để biện minh cho việc Nga sáp nhập Crimea".

Trước những phản đối như vậy, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo đã gọi tình huống này là trường hợp đặc biệt, cho rằng "Israel khi đó đang tiến hành một cuộc chiến tranh tự vệ để bảo vệ đất nước, và một nghị quyết của Liên hợp quốc không phải là một thỏa thuận tự sát".

Một số nhà phân tích cho rằng, đồng thái của Mỹ sẽ khích lệ các nhà lập pháp Israel tìm cách sáp nhập "Bờ Tây" - hoặc 60% khu vực này gọi là Khu C được dặt dưới sự kiểm soát của Chính quyền Israel, hoặc toàn bộ vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Đây là điều mà các thành viên nội các và các nhà lập pháp thuộc đảng Likud của Netanyahu cùng các phe cánh hữu khác đang tìm kiếm.

Cuối tháng 3-2019, sau khi trở về từ chuyến thăm Nhà Trắng, ông Netanyahu nói: "Mọi người đều cho rằng chúng ta không thể kiểm soát một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng điều này sẽ chứng minh cho họ thấy chúng ta có thể".

Việc phản đối tuyên bố của Mỹ đã nêu bật điểm tương đồng giữa tất cả các đối thủ cạnh tranh: Liên minh châu Âu (EU), Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, cùng tất cả các nước Ả rập Vùng Vịnh, tất cả đều lên án động thái này. Chế độ Assad và phe đối lập Syria cùng vậy.

Được biết, hiện có khoảng 50.000 người sống ở cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, khoảng 1/2 trong số đó là người Druze, nhóm còn sót lại trong số những người Syria buộc phải rời bỏ quê hương năm 1967 hoặc con cháu của họ. Số người Do Thái gốc Israel sống ở đây cũng bằng số người Druze gốc Syria, họ đã biến vùng lãnh thổ bị tranh chấp này thành một điểm đến du lịch với nhiều nhà máy sản xuất rượu vang.