Mỹ quyết định "đổ dầu" vào "ngọn lửa" Cao nguyên Golan

ANTD.VN - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan được xem là “đổ dầu vào lửa”, thổi bùng lên “ngọn lửa” căng thẳng mới trên cao nguyên tranh chấp giữa Israel và Syria này.

Các binh sĩ Israel tại một chốt kiểm soát trên Cao nguyên Golan mà Syria tuyên bố thuộc chủ quyền của quốc gia Arập này

Trong sự kiện này được phát trực tiếp trên trang web của Nhà Trắng ngày 25-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Điều đáng nói là ông chủ Nhà trắng ký tuyên bố khiến cả thể giới Arập nổi giận, đặc biệt là Syria - quốc gia đang tuyên bố chủ quyền với Cao nguyên Golan, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Donald Trump ký tuyên bố trên diễn ra chỉ 4 ngày sau khi đăng lên Twitter cho rằng, sau 52 năm (kể từ cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967), đã đến lúc Mỹ công nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan “vốn có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và an ninh đối với Nhà nước Israel”. Quyết định của Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược chính sách Trung Đông hàng chục năm qua của Mỹ.

Golan là một cao nguyên chiến lược với diện tích khoảng 1.800km2 và là một vùng núi nằm giữa Syria, Israel, Lebanon và Jordan. Cao nguyên có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực này vốn thuộc về Syria từ năm 1944, cho tới khi Israel đánh chiếm được vùng này trong cuộc chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Sau đó, giữa Israel và Syria đã xảy ra nhiều cuộc xung đột do tranh chấp chủ quyền đối với Cao nguyên Golan.

Năm 1981, Israel sáp nhập Cao nguyên Golan vào lãnh thổ quốc gia Do thái này, việc này đã bị cộng đồng quốc tế phản đối và chỉ trích mạnh mẽ, trong đó Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tuyên bố đó là “hành động không thể chấp nhận được”. Liên hiệp quốc vào năm 2006 ra một nghị quyết kêu gọi Israel chấm dứt chiếm đóng Cao nguyên Golan. 

Vì thế, việc Tổng thống Donald Trump ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan đã lập tức làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres khẳng định quan điểm và chính sách của tổ chức này với Cao nguyên Golan là không thể thay đổi, trong khi Lebanon cũng cho rằng hành động của ông Donald Trump vi phạm tất cả các quy tắc của luật pháp quốc tế và phá hoại mọi nỗ lực để đạt được hòa bình. 

Syria tuyên bố thẳng rằng, ông Donald Trump không có quyền để hợp pháp hóa hành động chiếm đóng và bước đi này là một cuộc tấn công trắng trợn vào chủ quyền của Syria. Người đứng đầu phe đối lập Syria Nasr Al-Hariri cứng rắn hơn khi cảnh báo quyết định của ông Donald Trump sẽ dẫn đến bạo lực và bất ổn hơn nữa, đồng thời sẽ gây tác động tiêu cực cho nỗ lực xây dựng hòa bình trong khu vực.

Các chính quyền Mỹ trước đây luôn muốn giữ vai trò của một “nhà trung gian hòa giải” trong cuộc xung đột ở Trung Đông giữa Israel với các quốc gia Arập. Tuy nhiên, chính sách này đã bị đảo lộn khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng tháng 1-2017. Trước khi công nhân chủ quyền của Irael với Cao nguyên Gola, Tổng thống Donald Trump cũng đã công nhận Jerrusalem là Thủ đô của Nhà nước Do thái Israel. 

Điểm nóng Trung Đông, nơi được ví như một “thùng thuốc súng” luôn chực chờ bùng nổ, đã được hạ nhiệt khá nhiều nhờ có các “nhà trung gian hòa giải” như Nga, Liên minh châu Âu (EU) và cả Mỹ. Nay, việc Mỹ vứt bỏ vai trò này để đứng hẳn về phía Israel sẽ khiến “thùng thuốc súng” trở nên nguy hiểm hơn.