An sinh là an dân
(ANTĐ) - Trong chuyến thăm Việt Nam vừa mới đây, chuyên gia độc lập Liên hợp quốc về nhân quyền và đói nghèo, phát biểu rằng bà rất ấn tượng về bài viết của Thủ tưởng Chính phủ đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy việc đảm bảo an sinh xã hội là một cấu phần quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020. “Rất khó có thể thêm vào một khó khăn hay thách thức nào khác ngoài những gì mà Thủ tướng đã chỉ ra”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia của Liên hợp quốc cũng tỏ ra ngạc nhiên khi nghe nhiều người dân nói rằng, cuộc sống của họ khó khăn hơn trước dù cơ sở hạ tầng được cải thiện, dịch vụ y tế-giáo dục cũng nhiều hơn. Trong một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Việt Nam được đánh giá có nhiều tiến bộ ấn tượng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hệ thống an sinh xã hội được cải thiện khá tốt.
Tuy vậy, phạm vi phủ sóng của bảo trợ xã hội còn hạn chế, vì nhiều người chưa được hưởng lợi từ hệ thống an sinh xã hội, những lao động phi chinh thức không được tiếp cận bảo hiểm xã hội. Hơn 60% dân số có bảo hiểm y tế nhưng lại gặp trở ngại trong việc sử dụng tấm thẻ này. Năm 2010, Việt Nam đã đầu tư 4% GDP vào bảo trợ xã hội nhưng phần lớn để chi trả bảo hiểm xã hội cho những người làm việc trong Nhà nước. Theo thống kê của các cơ quan Việt Nam, có thể nhận thấy hầu hết chính sách an sinh xã hội hiện nay chủ yếu được thiết kế cho khu vực chính thức, nơi thu hút khoảng 20% lực lượng lao động.
Trong khi đó, 80% lao động thuộc khu vực phi chính thức nằm ngoài độ “phủ sóng” của chính sách này, đây lại là những tầng lớp dân cư yếu thế và dễ bị tổn thương hơn cả. Mục tiêu mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội tới phần đông các tầng lớp được đưa ra trong dự thảo Chiến lược phát triển 10 năm, song thực hiện mục tiêu này không đơn giản vì khu vực kinh tế phi chính thức có quá nhiều việc làm bấp bênh. Nước ta hiện mới có hơn 9,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, hơn 5,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chỉ có gần 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Nên nhớ, bảo hiểm thất nghiệp chỉ dành cho những lao động có hợp đồng từ một năm trở lên, như vậy là rất nhiều người bị gạt ra khỏi diện được bảo hiểm việc làm, trong khi chính những người có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp lại cần được trợ giúp hơn cả. Khu vực kinh tế phi chính thức đang đóng góp tới 20% GDP, dự báo đến năm 2015 sẽ có khoảng 14,4 triệu lao động cộng với khoảng 25,7 triệu lao động là nông dân, tức là sẽ có gần 70% lực lượng lao động đang trông chờ đầy hy vọng chính sách an sinh xã hội-vấn đề nan giải nhất chưa có giải pháp cụ thể vẫn là việc mở rộng độ “phủ sóng” của chính sách BHXH-trụ cột chính để thực hiện an sinh xã hội bền vững. Mục tiêu 100% dân số được bảo hiểm y tế vào năm 2014 có thể thực hiện được nếu ngân sách mở rộng chi hỗ trợ cho những hộ cận nghèo. Tuy nhiên, sự chênh lệch về thu nhập đang gia tăng khiến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội hết sức khó khăn. Theo Viện Khoa học lao động và xã hội, nhóm dân cư có thu nhập cao nhất hiện chiếm khoảng 20% dân số có mức chênh lệch so với nhóm 80% dân cư có thu nhập là 8,4 lần. Phần đông lao động có thu nhập thấp đều không thể “với” tới các chính sách an sinh xã hội như lương hưu, bảo hiểm tai nạn lao động, ốm đau, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Suy cho cùng, chính sách an sinh xã hội là chính sách an dân lâu dài và bền vững nhất. Kéo gần khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông thôn và thành thị, giữa người được đào tạo và lao động phổ thông. Có được việc làm ổn định, chắc chắn và có thu nhập tốt mới tính tới việc đảm bảo an sinh-an dân vững chắc.
Đan Thanh