An sinh để an dân

ANTĐ - Trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao tới 18%, nền kinh tế hết sức khó khăn, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh cũng như các khu vực doanh nghiệp đều lao đao, Chính phủ thực thi nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng riêng chính sách an sinh xã hội không những không cắt giảm mà còn tăng lên với những nghị quyết, giải pháp khá cụ thể.

Đặc biệt khi năm cũ sắp qua, năm mới Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đang cận kề, đời sống phần lớn người lao động, người có thu nhập thấp, người nghèo đang đối mặt trước những khó khăn, thách thức đầy cam go, an sinh xã hội càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Có lẽ lần đầu tiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến xung quanh vấn đề an sinh xã hội, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Bà Bộ trưởng đã trực tiếp trả lời hàng chục câu hỏi về việc thực hiện và hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ người lao động mất việc làm, đào tạo nghề, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Bà Bộ trưởng cho biết, tổng số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí để hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a là 8.535 tỷ đồng, trong đó vốn cho đầu tư là 6.493 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp, đã “rót” cho các huyện nghèo chủ động giải quyết hàng loạt khó khăn. Bên cạnh vốn ngân sách, Chính phủ dành ưu tiên trong phân bổ vốn trái phiếu, vốn ODA cho các huyện nghèo. Trong tổng số kinh phí 22.000 tỷ đồng, bình quân mỗi huyện được bố trí 118 tỷ đồng. Chung tay góp sức cùng Chính phủ đã có hàng chục doanh nghiệp hỗ trợ 350 tỷ đồng giúp các huyện nghèo xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Trong một năm vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, vừa phải đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ vẫn cố gắng bố trí kinh phí để giảm nghèo tăng gấp đôi so với năm 2010.

Một câu hỏi lớn được nhiều người đặt ra: Việc thắt chặt chi tiêu công, cắt giảm các dự án đầu tư theo Nghị quyết 11 của Chính phủ có làm ảnh hưởng đến các nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo, nhất là các nguồn vốn theo Nghị quyết 30a? Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, Chính phủ quy định rất rõ không cắt giảm nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo, đặc biệt là các công trình đã và đang triển khai thì vẫn tiếp tục. Riêng các công trình chưa triển khai thì tỉnh báo cáo Thủ tướng nhưng tinh thần là không cắt giảm. Mặc dù chương trình mục tiêu quốc gia chưa phê duyệt, song Chính phủ vẫn tiếp tục đầu tư 483 tỷ đồng hỗ trợ vốn thực hiện giảm nghèo cho các địa phương nghèo.

Còn một thực tế được dư luận đặt ra là: Nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc phá sản, vậy Bộ LĐ-TB&XH đã làm gì để hỗ trợ người lao động mất việc làm? Bà Bộ trưởng khẳng định đã có văn bản đề nghị địa phương ưu tiên những người thất nghiệp được vay vốn từ Quỹ việc làm quốc gia; thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ chính sách cho người lao động. Trước thực trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT của người lao động lên tới 7.093 tỷ đồng, gây nhức nhối dư luận, ảnh hưởng xấu tới chính sách an sinh xã hội, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị bổ sung vào Luật Hình sự tội chiếm dụng BHXH, kể cả áp dụng lãi phạt tiền chậm đóng hoặc nợ đọng bảo hiểm đối với doanh nghiệp cao gấp hai lần so với lãi vay ngân hàng.

Kéo lạm phát năm 2012 xuống 9%, kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Song, còn có một ưu tiên không kém quan trọng là không cắt giảm, “kiềm chế” chính sách an sinh xã hội, bởi đảm bảo an sinh tức là để an dân.