An ninh dòng họ - Thái bình vô di đáp

(ANTĐ) - An ninh trật tự tại các làng, xã có nhiều điều phức tạp. Tuy nhiên, nhờ có sự sáng tạo, CAH Ba Vì đã đúc rút kinh nghiệm và tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, với những mô hình mới, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thu hút đông đảo quần chúng tự giác tham gia.

An ninh dòng họ - Thái bình vô di đáp

(ANTĐ) - An ninh trật tự tại các làng, xã có nhiều điều phức tạp. Tuy nhiên, nhờ có sự sáng tạo, CAH Ba Vì đã đúc rút kinh nghiệm và tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, với những mô hình mới, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thu hút đông đảo quần chúng tự giác tham gia.

Phối hợp tuần tra kiểm soát góp phần bảo vệ bình yên thôn xóm
Phối hợp tuần tra kiểm soát góp phần bảo vệ bình yên thôn xóm

Chuyện làng xã…

Người đàn bà tên hiệu Hứa phu nhân ôm đứa con trai nhỏ trên tay, quay nhìn nếp nhà quan Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh(1) lần cuối, rồi bước đi nhanh trong bóng hoàng hôn đang đổ xuống bến ngã ba sông. Con đò lướt nhẹ trên dòng nước. Nhà đò hỏi nhỏ: đi đâu? mà tại sao phải đi?

Nàng cười, nụ cười phảng phất nỗi đau nhưng thật cương quyết: ta đi để yên một bề cho nhà chồng ta, ta chỉ có cách này để giúp chàng…

Khi Nguyễn Sư Mạnh vinh quy bái tổ trở về làng, đưa theo Công chúa phu nhân được vua Lê Thánh Tông gả làm chính thất về ra mắt, thì người vợ cả mà cha mẹ cưới cho đã ôm con đi biệt tích. Ông nhìn ra bến sông, thầm trách nhưng cũng nhận ra sự hy sinh của người đàn bà ít học mà tấm lòng thật cao rộng. Ông tự nhủ, từ nay ông phải dốc lòng lo việc nước. Ông sẽ bảo ban Công chúa phu nhân đảm trách mọi việc trong dòng tộc, giữ yên bề gia thế.

Cụ Nguyễn Công Hoàn, cha đẻ của Thái Tể kiêm Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân sau này đã viết về Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh như sau:

       Tiên chính Thanh Hoa Cẩm Thủy nhân

      Cổ Đô hà hạnh tái tiên quân

       Nhị tuần linh thất thiên hoàng bảng

       Lục bộ cư tam quốc đại quan

       Luận ngữ nhất thiên tâm ấn quyển

       Thái bình tứ cú khẩu thành văn.

Nghĩa là:

       Cụ chính người Cẩm Thủy Thanh Hóa

       Cổ Đô là đất sinh ra người

       Hai mươi bảy tuổi tên trên bảng vàng

       Nước có sáu bộ thì Thượng thư ba bộ

       Sách Luận ngữ như in trong lòng

       Ứng khẩu đọc ngay bốn câu thơ thái bình.

Lại nói về Thái Tể kiêm Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân(2). Cụ Tổ đời thứ 5 của ông vốn người làng Hoài Bão, Tiên Du, Bắc Ninh học rộng, được dân vùng Cổ Đô, trong đó có con cháu dòng họ Nguyễn Sư Mạnh rất hiếu học đã đón về dạy học. Đến đời thứ 7 sinh ra Nguyễn Bá Lân mắt sáng như sao, tuổi trẻ học rộng biết nhiều, thi đỗ tiến sĩ, đạt tới Thượng thư 6 Bộ, được phong Thái Tể kiêm Lục bộ Thượng thư; có bài phú Ngã Ba Hạc nổi tiếng; khi mất được phong Thành Hoàng Ngũ Xã. Triều đình quy định hàng năm phải làm lễ hội mừng vào ngày 27 tháng giêng, Chánh Tổng phải đứng ra làm chủ tế.

Một xã có tới 118 dòng họ khác nhau, trong đó có 54 dòng họ có từ 5 hộ gia đình trở lên; có hai dòng họ lớn, danh tiếng. Một xã có hai đền thờ và khu lăng mộ được công nhận là di tích lịch sử. Có hai ông quan Thượng Thư của triều đình. Có nàng dâu là công chúa đời Lê. Có con cháu dòng tộc cung đình nối nhau xây dựng nước nhà…

Một xã đúng nghĩa cổ đô, có khá nhiều nhà thờ họ cổ kính, được giữ gìn và trùng tu khá thâm nghiêm. Một xã có lối kiến trúc nhà ở theo lối cổ, lặng lẽ và nề nếp, trang nhã và xanh mát. Không có phân bò, phân lợn vương vãi trên đường làng. Không có rãnh thoát nước thải lộ thiên. Không có trẻ con tụ tập tò mò giương mắt, giương những cái bụng thò lõ nhìn khách. Không thấy có đám thanh niên vô công rỗi nghề ngồi quay lưng vào quán, chõ mắt nhìn ra đường, hút thuốc lào vặt rồi chửi bậy hay chọc ghẹo khách. Quán cắt tóc thời trang ven đường làng, lại thấy mấy tay thợ nam, vẻ ngoài thư sinh, tay kéo tài hoa không kém tay vẽ của cả một dòng họa Nguyễn Sĩ Tốt…

Nơi ấy là Cổ Đô. Nơi được UBND huyện Ba Vì, Công an huyện Ba Vì báo cáo là xã điển hình về an ninh trật tự dòng họ.

Thái bình vô di đáp

Xin mượn câu thơ xưa Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh dâng tặng nhà vua khi ông đi sứ về. Nhật nguyệt quang thiên đạo/ Sơn Hà tráng đế cư/ Thái bình vô di đáp/ Nguyệt Thượng vạn niên thư. (Đạo trời sáng như mặt trời, mặt trăng/ Hoàng Thượng trị vì giữa non sông hùng vĩ/ Thái bình là dĩ nhiên/ Xin chúc vĩnh viễn được như thế).

Có lẽ linh thiêng ý thơ đã tỏa khí qua bao thế kỷ để cho tới nay, vùng đất này vẫn được coi là nơi hội tụ khí thiêng đất trời, nơi nhân tài nhân kiệt được sinh ra, với những đóng góp hữu ích, những sáng tạo mang tính văn hóa làng xã dòng họ.

Nhờ những sáng tạo trải qua thực tế, Công an huyện Ba Vì đã đúc rút kinh nghiệm và tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, với những mô hình mới, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thu hút đông đảo quần chúng tự giác tham gia.

Trên toàn địa bàn huyện đến nay đã có những mô hình được xây dựng và nhân rộng như mô hình “An ninh tự quản theo thôn xóm, cụm dân cư”. Nhiều nơi có sáng tạo đổi mới hình thức tên gọi như “Xóm đạo, làng chài bình yên” ở Cổ Đô, Phú Đông, Thụy An; “Tiếng mõ an ninh” của đồng bào Dao xã Ba Vì; “Tiếng kẻng bình yên” của đồng bào Mường… Công an Ba Vì đã xây dựng các vành đai liên kết an ninh trật tự khu vực giáp ranh như mô hình liên xã, liên huyện, liên tỉnh.

Những chiến sĩ Công an là những người kết nối để thực hiện các nghị quyết liên tịch giữa Công an và các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân, Liên đoàn lao động và các khối xã, thị trấn, tổ dân phố… và là thành viên tích cực của Ban chỉ đạo. Từ đó cũng đã xây dựng được 17 câu lạc bộ Phòng chống tội phạm - tệ nạn xã hội từ gia đình, 28 câu lạc bộ PCTP-TNXH trong thanh thiếu niên, xây dựng các tổ tình nguyện phòng chống ma túy, tình nguyện đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tình nguyện trong những người làm “xe ôm”…

Nhưng các anh tự hào nhất là đã nhân rộng và làm thành công mô hình tự quản về ANTT trong các dòng họ, điều mà ngay chính những bậc cao niên trong các dòng họ cũng phải thốt lên rằng, khi kế hoạch xây dựng mô hình được đưa ra, thật phù hợp với nguyện vọng xây dựng nề nếp gia phong dòng tộc của các dòng họ, khơi dậy ý thức tự trọng của mỗi dòng họ và các thành viên, chính vì vậy mà được hưởng ứng ngay và hưởng ứng một cách sâu rộng, nên rất có hiệu quả.

Để duy trì phong trào đi vào hoạt động thường xuyên, có nề nếp và đạt hiệu quả cao, không thể không kể đến việc xây dựng đội ngũ công an xã, lực lượng an ninh cơ sở, với những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tham dự các cuộc thi trưởng, phó công an xã giỏi…

Sau những kết quả bước đầu trong chỉ đạo và xây dựng mô hình tại xã Cổ Đô, Công an Ba Vì đã nhân rộng mô hình tự quản ra các xã khác trong huyện. Tổ chức Hội thảo chuyên đề về xây dựng mô hình tự quản. Từ đó đúc rút phương pháp tiến hành rất cụ thể:

Điều tra cơ bản, khảo sát đánh giá tình hình an ninh trật tự, tình hình phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tình hình các dòng họ ở từng xã, thị trấn trên cơ sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Xác định và tranh thủ lực lượng nòng cốt trong các dòng họ là các ông trưởng họ, những người có uy tín, cán bộ đảng viên. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thông qua các hình thức truyền thông, dựa vào các đoàn thể. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những chủ đề như nâng cao cảnh giác cách mạng, chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cảnh giác âm mưu thủ đoạn của kẻ địch và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn cờ bạc, nghiện hút…

Trong đó việc tự quản lý, giáo dục các thành viên trong từng gia đình của dòng họ, không để vi phạm pháp luật được nhấn mạnh. Đối với người dân, tài sản của họ không phải là thứ gì quá lớn, mà là con chó, con gà, hay con bò. Mất đi một vài vật nuôi hay đồ dùng gì cũng là mất đi công sức lao động. Xác định như vậy, nên trong mô hình tự quản của dòng họ, Công an huyện rất chú trọng tới việc tích cực đấu tranh phòng chống trộm cắp tài sản. Đồng thời, cùng cán bộ văn hóa kêu gọi thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội…

Thực hiện khuyến học khuyến tài, động viên con em trong dòng họ học hành nâng cao dân trí, lập nghiệp, giúp nhau làm kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiết kiệm, xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa. Tổ chức hội nghị trang trọng để đại biểu các dòng họ ký cam kết thực hiện tự quản về an ninh trật tự, với nội dung cụ thể được bàn bạc thống nhất. Các gia đình trong dòng họ cũng đã tự giác chấp hành nghiêm chỉnh những quy định hành chính về an ninh trật tự như: chấp hành tốt về quy định nhân khẩu, hộ khẩu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, chất cháy, không tiêu thụ của gian; không để con em nghiện ma túy; không hoạt động mê tín dị đoan, không tuyên truyền nghe theo tà đạo, không đánh cãi nhau, phòng cháy chữa cháy triệt để…

Những người thầm lặng

Tôi về Cổ Đô trong sự ngạc nhiên. Giống như đang đi trong vườn cổ tích. Người Cổ Đô không nói giọng “con bò vang”, lại nói giọng như người Hà Nội phố. Cứ tưởng Ba Vì mùa này chỉ có nắng cháy cỏ đồi, với những con bò đang trong thời kỳ khủng hoảng, người nuôi vắt sữa bán tháo khoán.

Khi đứng bên sông nhìn ra khắp vùng, phía xa kia là Việt Trì, bên này là tả ngạn sông Hồng, nơi chỉ cách nội thành Hà Nội chừng dăm chục cây số, tôi lại cứ có cái cảm giác y như khi đi trên Điện Biên hay Hà Giang, cái cảm giác ấy rõ ràng và rất thực tế, rằng ở những nơi như thế này, hình ảnh người Công an như là hình ảnh đại diện của chính quyền, lại cũng như những cán bộ văn hóa của làng xóm.

Anh cán bộ Công an dẫn chúng tôi đi trên đường làng sạch bong này đã gắn bó với vùng quê Ba Vì cả đời mình. Anh là Trung tá Phương Văn Yên, đội trưởng Đội Công an huyện phụ trách xã. Chúng tôi hỏi anh rằng ai là người có công nghĩ ra cái mô hình tự quản về an ninh trật tự trong các dòng họ? Anh trả lời rất giản dị, công đầu thuộc về những cán bộ Công an huyện phụ trách xã chứ còn ai nữa. Rồi anh cười nói sang chuyện khác. Anh kể về những dòng họ nổi tiếng của Cổ Đô. Về việc trưởng Công an các xã đã được Công an thành phố trang bị thêm mũ và quân trang, được tăng mức lương và được huấn luyện thêm.

Chúng tôi bước vào nhà thờ họ của dòng họ cụ Nguyễn Bá Lân. Thấy nhiều cụ ông cụ bà ngồi trang nghiêm đợi khách. Trên những bức tường thấy treo khá nhiều bức tranh sơn dầu, tranh bột nước của con cháu trong họ. Lại thấy bảng ghi nhớ những ngày đại lễ, những ngày giỗ tổ, những liệt sĩ đã hy sinh qua mấy cuộc kháng chiến… Thốt nhiên chẳng cần nghe cụ trưởng họ báo cáo, cũng hiểu được, rằng hiển nhiên một dòng họ nề nếp gia phong truyền đời như thế này, không thể không sinh ra những tài năng, không thể lại sinh ra những kẻ vô đạo…

Một cụ bà vẫy vẫy tay gọi: các con ơi, để bà cho lộc các con nhé. Đây là lộc ở ban thờ nhà thờ dòng họ Nguyễn Bá Lân. Cụ bà chia cho mỗi người chúng tôi đồng tiền một ngàn đồng moi từ trong ruột tượng, rồi tự giới thiệu mình đã chín mươi mốt tuổi. Cụ bà cười hỉ hả rạng rỡ. Gương mặt bác Nguyễn Xuân Vân, trưởng họ rực lên dưới nắng. Chúng tôi kính cẩn cất đồng tiền lộc vào ví. Tôi cứ ngỡ mình vừa được gặp lại bóng dáng những cụ bà từ bao đời xưa chăm chồng chăm con, giữ trọn nền nếp gia phong, tạo dựng nên vẻ đẹp huyền bí và mê hoặc xứ Cổ Đô.

Chúng tôi lại bước chân vào nhà thờ dòng họ Nguyễn Sư Mạnh, nơi đây cũng đang có rất nhiều người chờ đón chúng tôi tới thắp nén nhang dâng lên tiên tổ dòng họ Lưỡng quốc Thượng thư và bà công chúa Ngọc Hân3, sau khi đi qua mấy nhà thờ của những dòng họ khác.

Lòng bỗng thấy rất nhẹ nhõm và thư thái. Bỗng chẳng thấy lo cho Trưởng Công an Ba Vì Trần Quang Lịch với lực lượng Công an huyện chỉ có gần một trăm cán bộ chiến sĩ, được coi là khá mỏng so với nhiều địa bàn quận huyện khác của Hà Nội.

Các anh đang ngày đêm gắng gỏi làm tròn trách nhiệm của mình vì dân. Các anh không hề đơn độc. Bởi vì, cùng với các anh là cả một đội ngũ bảo vệ an ninh trật tự khá đông đảo, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, trong những nếp nhà bền vững. Họ luôn có mặt, sát cánh bên cạnh những người chiến sĩ Công an thầm lặng, để giữ cho làng quê thái bình mãi mãi.

1. Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh (1458-1540)

2. Thái Tể kiêm Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân (1700-1785)

3. Gia phả dòng họ ghi rõ vợ cả của Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh là Công chúa Ngọc Hân phu nhân.

Võ Thị Xuân Hà