Ấn Độ vạch kế hoạch “hóa rồng” với hơn 60 tàu ngầm

ANTĐ - Tư lệnh hạm đội phía đông của Ấn Độ Độ, ông Anil Chopra tiết lộ, Ấn Độ đang lên kế hoạch đóng 46 tàu ngầm trong nước, các tàu này sẽ được đóng trong các giai đoạn khác nhau.

Hạm đội phía Đông là 1 trong 2 hạm đội hải quân chủ lực của Ấn Độ, đảm nhận trách nhiệm bảo vệ an toàn 2.600km bờ biển và 600.000 km vuông trong vùng đặc quyền khu kinh tế. 

Đồn trú ở hạm đội phía Đông có tàu hộ vệ tàng hình INS Shivalik, tàu ngầm hạt nhân tấn công INS Chakra (nguyên là tàu ngầm hạt nhân tấn công K-152 Nerpa thuộc lớp Akula-II, Project 971, được Nga cho Ấn Độ thuê) và tàu sân bay quốc nội tương lai của Ấn Độ, các tàu mặt nước mới đóng, tàu ngầm và máy bay khác. 

Ấn Độ vạch kế hoạch “hóa rồng” với hơn 60 tàu ngầm ảnh 1

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo INS Chakra Ấn Độ thuê của Nga

Ngoài kế hoạch đóng 46 tàu ngầm quốc nội, Ấn Độ còn đặt mua 6 tàu ngầm lớp Scorpene của công ty DCNS của Pháp (ở Đông Nam Á hiện Malaisia là nước đầu tiên đặt mua loại tàu này). Đây là loại tàu ngầm rất hiện đại sử dụng công nghệ động lực AIP tiên tiến nhất thế giới hiện nay, chiếc đầu tiên sẽ bàn giao vào năm 2015, chiếc cuối cùng sẽ hoàn tất năm 2018.

Đồng thời, Ấn Độ sẽ đóng mới 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công quốc nội lớp “Arihant”. Hệ thống vũ khí chính của tàu là 12 tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-15, hệ thống tên lửa chống hạm BrahMos phiên bản phóng từ tàu ngầm và hệ thống phóng ngư lôi 522mm. Trong tương lai, nó sẽ được trang bị thêm loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-5 với tầm bắn 1500km.

Ấn Độ vạch kế hoạch “hóa rồng” với hơn 60 tàu ngầm ảnh 2

Tàu ngầm hạt nhân tấn công quốc nội lớp “Arihant”

Ngay từ năm 2005, Ấn Độ đã xây dựng căn cứ tàu ngầm chiến lược nằm cách thành phố Visakhapatnam 50 km về phía nam thuộc bang Andhra (Andhra Pradesh). Thành phố này chính là nơi đặt đại bản doanh của bộ tư lệnh hải quân phía đông. Tầm bao quát của căn cứ này đã vượt quá khu vực quần đảo Andaman ở phía nam Ấn Độ, bao trùm toàn bộ Ấn Độ Dương và sẽ trở thành sự uy hiếp lớn đối với hải quân Trung Quốc nếu họ bành trướng phạm vi hoạt động sang đại dương này.

Sở dĩ căn cứ này được coi là tuyệt mật vì các ụ neo và đường hầm ra biển của tàu ngầm đều được xây dựng ngầm dưới đáy biển. Ngoài ra, tất cả các công trình kiến trúc khác như: Cầu cảng chuyên dụng, nhà kho, xưởng sửa chữa, nhà ở cho nhân viên cũng đều được xây dựng ngầm, tránh sự nhòm ngó của các vệ tinh trinh sát và có khả năng chống lại các vụ tập kích đường không.

Ấn Độ vạch kế hoạch “hóa rồng” với hơn 60 tàu ngầm ảnh 3

Một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của tàu ngầm Ấn Độ

Hiện căn cứ cơ bản đã hình thành, “cư dân đầu tiên” của nó chính là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo INS Chakra và các tàu ngầm hạt nhân do Ấn Độ tự sản xuất lớp “Arihant”. Những thành công liên tiếp của tàu ngầm “Arihant” và tên lửa đạn đạo K-15, K-5 đã góp phần biến hải quân Ấn Độ thành một siêu cường về tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của thế giới.

Hải quân Ấn Độ hy vọng trong tương lai không xa sẽ hoàn tất xây dựng biên đội hàng không mẫu hạm - tàu ngầm hạt nhân mang đầu đạn hạt nhân, đủ khả năng khống chế toàn bộ Ấn Độ Dương và “lấn sân” sang Thái Bình Dương, mở rộng tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.