Án dân sự xử đi xử lại: Căn bệnh khó chữa

(ANTĐ) - Công cuộc cải cách tư pháp với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế oan sai đang được đặt ra một cách cấp bách. Riêng án hình sự thì UBTVQH đã có Nghị quyết 388 về bồi thường cho những người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Nhưng án dân sự thì phức tạp hơn nhiều, thành ngữ “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” vẫn là câu nói cửa miệng của người dân cho thấy một thực tế phức tạp.

Án dân sự xử đi xử lại: Căn bệnh khó chữa

(ANTĐ) - Công cuộc cải cách tư pháp với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế oan sai đang được đặt ra một cách cấp bách. Riêng án hình sự thì UBTVQH đã có Nghị quyết 388 về bồi thường cho những người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Nhưng án dân sự thì phức tạp hơn nhiều, thành ngữ “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” vẫn là câu nói cửa miệng của người dân cho thấy một thực tế phức tạp.

Khu đất tranh chấp của bà Ba qua 7 phiên tòa xét xử vẫn chưa vào hồi kết
Khu đất tranh chấp của bà Ba qua 7 phiên tòa xét xử vẫn chưa vào hồi kết

Lòng tin người dân giảm sút

Trong đợt giám sát công tác cải cách tư pháp tại các tỉnh miền núi hồi giữa năm, các thành viên ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngạc nhiên ngỡ báo cáo nhầm rằng án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, hoặc tỷ lệ kháng cáo quá nhỏ. Qua nhiều Tòa án huyện ở miền núi mới thấy, án dân sự không kháng cáo là phổ biến. Tại sao có kết quả tuyệt vời đến thế?

Trò chuyện với chúng tôi, Chánh án huyện Tủa Chùa - Điện Biên cho biết, án dân sự ở đây chủ yếu là ly hôn. Mỗi khi thụ lý giải quyết anh đều phải xuống tận bản, gặp gỡ các vị trưởng tộc của hai bên, uống rượu với họ rồi nghe họ giãi bày quan điểm. Lựa lời, Chánh án mới phân tích quy định của pháp luật, tìm sự đồng thuận của họ để cùng nhau giải quyết bất đồng.

Một buổi không xong thì hai, ba buổi. Khi các cụ đã thông thì hai bên đương sự chấp nhận ngay. Thông thường Chánh án khuyên họ tự phân chia tài sản, để đỡ án phí. Vì thế, chả có ai chống án. Chánh án Tủa Chùa nói một câu khiến chúng tôi nghĩ ngợi: Anh em tôi trên này trình độ còn hạn chế, xử án ít khi có kháng cáo lắm, không hiểu sao dưới xuôi toàn các thầy mà án cứ xử đi xử lại thế?

Một trong những khác biệt quan trọng là tài sản tranh chấp, nhất là các vụ xử đi xử lại đều có giá trị lớn, khác hẳn với tài sản tranh chấp ở miền núi. Một vụ án cũng làm tốn nhiều công sức của tòa án những năm qua là vụ tranh chấp hợp đồng mua bán căn nhà số 36 Nguyễn Thị Diệu (phường 6, quận 3 TP. HCM). Căn nhà này giá 900 lượng vàng nay đã thành hơn 5.000 lượng. Ngoài giá trị tài sản lớn, hai bên đương sự lại là hai đại gia trong giới địa ốc và kinh doanh vàng bạc ở Sài Gòn.

Hay gần đây báo chí nói nhiều đến vụ án đòi đất của bà Nguyễn Thị Ba ở Cà Mau, nội dung không phức tạp nhưng qua 7 phiên xét xử, vụ án vẫn chưa kết thúc. Theo nguyên đơn, năm 1985 bà Ba mua 6 công đất ở xã Lý Văn Lâm, nhưng bà Ba có hộ khẩu ở thị xã Cà Mau nên phải nhờ hai cháu gọi là bác ruột có hộ khẩu tại xã đó đứng tên hộ.

Khi hai người cháu kê khai sổ đỏ, bà Ba mới tá hỏa và đòi lại đất. Hầu hết nhân chứng, kể cả người bán và trưởng ấp đã xác nhận văn bản mua bán cũng như UBND xã đều cho rằng bà Ba là chủ đất, bị đơn chỉ đứng tên hộ, yêu cầu đòi lại là hợp lý, nhưng đến nay qua 7 phiên tòa xét xử, trong đó có một bản án giám đốc thẩm mà vụ việc vẫn chưa đâu vào đâu.

Do pháp luật chưa chặt chẽ

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là các quy định trong tố tụng chưa chặt chẽ. Luật quy định các bên đương sự  phải cung cấp chứng cứ, khi không thể tự thu thập được thì nhờ tòa án giúp đỡ. Nguyên tắc thì như vậy nhưng không quy định đương sự nhờ tòa giúp đỡ phải bằng văn bản. Do đó có nhiều vụ án đương sự không nhờ tòa cũng đi thu thập chứng cứ theo ý chí của chính thẩm phán. Thẩm phán muốn bên nào thắng thì thu thập chứng cứ có lợi cho bên đó, tìm mọi cách bảo vệ bên đó. Không ít trường hợp thẩm phán hướng dẫn, vẽ đường cho đương sự mà mình thiên vị.

Nguyên nhân thứ hai là tố tụng hiện chưa minh bạch. Lẽ ra khi một bên cung cấp cho tòa tài liệu, chứng cứ nào đó tòa phải sao chụp gửi cho đương sự bên kia biết để họ chuẩn bị tài liệu chứng cứ của mình. Làm như thế để tránh hiện tượng đùng một cái tại phiên tòa mới công bố chứng cứ để bên kia không kịp đối phó.

Nguyên nhân thứ ba là Bộ luật Tố tụng dân sự đã giảm cơ chế giám sát đối với tòa án, thiếu vắng sự có mặt của kiểm sát cũng dễ dẫn đến sự dễ dãi, sai sót. Bộ luật tố tụng này cũng tạo ra cơ chế để thẩm phán dễ dàng lái vụ dân sự thành việc dân sự và ngược lại, vì một động cơ nào đó.

Khi người cầm cân không chuẩn…

TS Lê Thu Hà - Trưởng khoa đào tạo Chấp hành viên và các chức danh tư pháp - Học viên Tư pháp lại nhấn mạnh yếu tố con người. Bà nói: Vấn đề không phải do các quy định của chúng ta có bất cập mà vấn đề nằm trong đội ngũ xét xử. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta đã có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nhưng hầu hết các vụ án được coi là điểm nóng đều do việc áp dụng pháp luật không chuẩn của thẩm phán.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân cũng lý giải: Có nguyên nhân thiếu người, năng lực hạn chế, nhưng không thể không nói tới đạo đức, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác xét xử có vấn đề.

Làm thế nào để thanh lọc, để có đội ngũ thẩm phán có đủ năng lực và tư cách đạo đức là bài toán khó đối với ngành tòa án hiện nay.

Giải pháp nào?

Rà soát lại hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, chồng chéo, những kẽ hở có thể gây ra tiêu cực là một việc làm không đơn giản nhưng rất cấp bách. Nếu chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật minh bạch, chặt chẽ thì tình trạng xử đi, xử lại chưa thể hết.

Thứ hai là đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng cũng phải được rà soát lại. Tình trạng án muốn xử thế nào cũng được chỉ có thể do một trong hai nguyên nhân, thứ nhất là trình độ thẩm phán quá yếu kém, không đủ năng lực để xét xử, thứ hai là có tiêu cực nên phán quyết không khách quan.

Có ý kiến cho rằng, việc xác định được tiêu cực trong hoàn cảnh hiện nay rất khó, chỉ những vụ do chính đương sự tố cáo mới bắt được quả tang thẩm phán, thư ký nhận hối lộ hay vòi vĩnh, do đó, trừ những vụ đã bị phát hiện, ta có thể kết luận rằng xử sai là do yếu kém để có biện pháp xử lý cán bộ, thẩm phán đó. Có kiên quyết xử lý mới có thể có đội ngũ cán bộ thẩm phán trong sạch, đáng tin cậy.

Trở lại câu chuyện của ông Chánh án huyện Tủa Chùa, để nâng cao chất lượng xét xử trước hết đòi hỏi thẩm phán phải trong sạch và tận tâm với công việc của mình. Sự tận tụy và tự trọng của họ là một bài học lớn, cần được biểu dương và vinh danh. Thứ hai là sự tôn trọng pháp luật của chính người dân. Khi cả hai bên tin cậy ở tòa, không tìm cách chạy chọt thì không còn chuyện xử đi, xử lại.

Nguyễn Minh Khuê