“Âm mưu” và tình yêu

ANTĐ - Lúc đầu mẹ có dùng đến thủ đoạn, thực ra chỉ để có được tình yêu của bố con, lẽ nào bây giờ lại phải chịu báo ứng đến như thế này ư?

Xếp theo thứ tự của bố, tôi là người được bố yêu quý nhất, sau đó đến bốn con mèo trắng của ông, rồi đến chú Hai - hàng xóm sát vách vẫn thường sang nhà tôi chơi cờ với bố... Tóm lại, trong lòng bố tôi, có lẽ mẹ tôi phải xếp thứ mười, thậm chí có khi còn phải xếp sau nữa.

Bố mẹ tôi khó hòa hợp với nhau và có sự khác biệt rất lớn về tính cách. Mẹ tôi chỉ là bà bán rau ngoài chợ, chịu khó và xốc vác; bố tôi mang đậm tính cách của giới văn chương, báo chí, tính tình văn vẻ, nho nhã nhưng không có khả năng gánh vác gia đình.

Đã ba mươi năm nay, bố mẹ tôi thường xung đột không ngừng, có một cái tên phụ nữ Diêu Quế Lan luôn là một chủ đề xuất hiện giữa những cuộc cãi vã của bố mẹ.

Bố mẹ tôi bất hòa đã nhiều năm nhưng không chịu ly hôn, nói cho cùng là bố mẹ tôi chẳng thể xa nhau. Bố tôi rất thích mèo, nhưng ông lại không mấy khi cho mèo ăn, không muốn tắm cho mèo, lại càng không thích xử lý những chậu phân của chúng. Mỗi lần lũ mèo nghịch ngợm, leo trèo, nhảy nhót làm đổ vỡ đồ đạc trong nhà là một lần mẹ tôi lại im lặng thu dọn gọn gàng, sạch sẽ. Mẹ tôi bán rau đã ba mươi năm nhưng điều làm bà đau đầu nhất vẫn là hàng ngày phải đối mặt với những phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Tối tối, dưới ánh đèn mờ đục, bố tôi vùi đầu giúp mẹ tôi tính toán tiền nong. Cho dù không ít lần bố mẹ tôi quăng mâm, đập bát với nhau nhưng tôi cũng vẫn thực sự tin tưởng ở cuộc hôn nhân của bố mẹ.

Rồi người ta phát hiện ra bố tôi bị ung thư dạ dày. Mặc dù bệnh mới ở giai đoạn đầu nhưng thân hình cao to của ông đã nhanh chóng tiều tụy, sa sút. Bố tôi không ăn, không uống, cũng chẳng chịu vào bệnh viện, suốt ngày nằm trên giường thở vắn than dài. Mẹ tôi thì dùng đủ mọi phương kế để khơi dậy ý chí cho bố tôi đấu tranh với bệnh tật nhưng tất cả đều vô ích.

"Chúng ta ly hôn thôi! Tôi đã phải chịu đựng những tính cách chết người của ông suốt ba mươi năm rồi, không thể chịu đựng thêm nữa...". Việc mẹ tôi bỗng nhiên đề xuất ly hôn khiến tôi giật mình, liệu có phải là mẹ tôi đã bị bố tôi làm cho khổ sở đến phát rồ chăng?

Ban đầu, tôi cứ tưởng là bố mẹ tôi chỉ giận dỗi nhau thôi, ai dè một tuần sau, tôi về nhà thì không thấy bóng dáng bố đâu cả.

"Bố con đâu?" tôi hỏi. "Đi tìm Diêu Quế Lan rồi", mẹ tôi nắm chặt mấy tờ giấy bạc lẻ trong tay, run rẩy đáp.

"Bố mẹ ly hôn rồi phải không? Bố con vừa mắc bệnh, bố mẹ đã hành hạ nhau thế sao?". Tôi bực bội hỏi lại xem bố đâu thì mẹ tôi trả lời không biết.

Tôi cảm thấy mẹ tôi làm thế có phần quá đáng, sao mẹ tôi lại có thể ly hôn được đúng lúc bố tôi đang cần mẹ tôi như thế chứ? Tôi gặng hỏi mãi, mẹ mới cho tôi biết rằng bố tôi đã đi sang một thị trấn nhỏ bên kia núi.

Tôi phải ngồi xe sáu giờ liền mới tới được thị trấn nọ. Đang tìm kiếm, đã nghe văng vẳng có tiếng người hát kinh kịch, lắng nghe thì ra rõ giọng của bố tôi. Cửa nhà ấy không đóng, tôi đi thẳng vào trong thì nhìn thấy một phụ nữ trạc tuổi mẹ tôi đang ngồi giặt quần áo, bố tôi thì ngồi trên một tấm ván nhỏ, ca có làn, có điệu hẳn hoi, người phụ nữ nghiêng đầu cười mỉm. Tôi đột nhiên thấy cay đắng trong lòng, ở nhà tôi, trừ những lúc bố mẹ cãi vã với nhau ra, những gì được gọi là liên quan đến nhau thời toàn là những lời châm chọc, chỉ trích, có bao giờ được như thế này đâu.

Nhìn thấy tôi, bố tôi đờ người, đứng phắt ngay dậy. Diếu Quế Lan tỏ ra nhiệt tình, dẫn tôi vào trong nhà, tôi nói rằng mình đến đây chỉ với một mục đích, đó là làm sao dẫn được bố trở về nhà.

"Bố không về đâu!" bố tôi ương ngạnh bảo.

“Về nhà sao?” cô Diêu ngạc nhiên, rõ ràng cô ấy không hiểu được tình hình. Tôi nói hết nước hết cái, rất lâu nhưng không lay chuyển được bố. Cuối cùng cô Diêu cũng ủng hộ tôi, hứa sẽ thuyết phục bố tôi quay trở về.

Tôi về nhà và ngay đêm hôm đó, mẹ tôi đã tiết lộ câu chuyện giữa, bố, mẹ tôi và cô Diêu Quế Lan.

Thuở nhỏ, nhà ba người ở gần nhau trong cùng một con hẻm, là bạn "thanh mai trúc mã" với nhau, na ná như trong truyện cổ tích. Bố tôi rất thân thiết, gắn bó với Diêu Quế Lan, không để ý gì tới mẹ tôi, còn mẹ tôi lại yêu thầm nhớ trộm bố tôi. Gặp dịp có phong trào thanh niên trí thức đua nhau lên rừng, xuống biển, bố, mẹ tôi và cả Diêu Quế Lan đã đăng ký đi mãi tận Xi Shuang Ban Na. Ngày lên đường, bố và mẹ tôi chờ mãi không thấy cô Diêu, đến giờ đành phải lên xe đi về miền nam. Hoàn cảnh tự nhiên, khí hậu ở Xi Shuang Ban Na rất tồi tệ, cộng với tâm tư luôn tưởng nhớ đến cô Diêu đã rất nhanh khiến bố tôi ngã bệnh. Mẹ tôi hết lòng săn sóc ông, mỗi người mỗi ngày có hai cái phiếu ăn thì mẹ chỉ ăn một, còn một phiếu mẹ tôi lấy cơm đem cho bố tôi ăn thêm. Sự quan tâm của mẹ tôi dành cho bố tôi đã lan truyền ầm ĩ trong đám thanh niên trí thức hồi đó. Bố tôi chỉ duy trì quan hệ với mẹ tôi ở mức bạn bè, không thừa nhận đó là quan hệ yêu đương. Được mấy năm, thanh niên trí thức lại lục tục kéo nhau trở về thành thị, bố tôi rất thất vọng khi hay tin Diêu Quế Lan đã đi lấy chồng nên đã đến với mẹ tôi.

Sau này mới được biết là cái hôm đi Xi Shuang Ban Na, mẹ tôi đã cố tình nói dối cô Diêu rằng, người ta đã lui giờ xe chạy tới mấy tiếng đồng hồ khiến cô ấy đến địa điểm tập trung quá trễ, bị lỡ chuyến đi. Khi bố mẹ tôi trở về thị trấn, cô Diêu vẫn còn ở dưới thôn trại chưa trở về, lại chưa hề đi lấy chồng như tin đồn. Biết tin đó, bố tôi rất khổ sở, phiền não.

Bây giờ, biết mình đã mắc bệnh ung thư, bố tôi muốn được dành quãng thời gian còn lại cho cô Diêu.

“Con gái à! Con nói đến giá trị cuộc sống của mẹ ư? Mẹ đã hầu hạ bố con một đời, cũng đã yêu thương ông ấy cả một đời, lẽ nào mẹ lại không địch nổi một Diêu Quế Lan sao? Lúc đầu mẹ có dùng đến thủ đoạn, thực ra chỉ để có được tình yêu của bố con, lẽ nào bây giờ lại phải chịu báo ứng đến như thế này ư?” - mẹ tôi ấm ức nói. Tôi nhẹ nhàng lau nước mắt cho mẹ và khẽ khàng nói: "Thì chẳng phải là vì mẹ đã yêu bố con cả một đời, nên mẹ đã để bố con được hoàn thành nốt tâm nguyện cuối cùng sao?"

Ba ngày sau, bố tôi trở về.

Về đến nhà, ông cho ngay mèo ăn, sau đó lấy chổi ra quét nhà, dường như tự cảm thấy có lỗi nên bố tôi có những biểu hiện rất tích cực.

Mẹ tôi thản nhiên như chưa từng có chuyện gì xảy ra, đem sổ chợ ra bảo bố tôi tính toán, sau đó bắt đầu thu dọn những đồ đạc khi nằm viện của ông. Mẹ mở chiếc hòm nhỏ bọc da màu đen ra, lần lượt xếp từng món đồ của ông vào. Chiếc quần lót bằng vải sợi mềm mại, chiếc áo sơ mi đã được là phẳng phiu, chiếc ruột gối được nhồi bằng lá chè mà ông rất ưa thích, chiếc ca sắt tráng men mà chẳng mấy khi ông rời tay... động tác của mẹ rất chậm rãi và nhẹ nhàng. Đột nhiên, từng giọt, từng giọt lệ của mẹ tôi nhỏ xuống, rớt lên nắp chiếc hòm đựng những vật dụng thiết thân của bố tối. Bố tôi đẩy quyển sổ sang một bên, thong thả đến sát bên mẹ tôi, khẽ mỉm cười: "Bệnh của tôi mới ở giai đoạn đầu, chết làm sao được, bà đừng lo!"

Bố đưa những ngón tay đen, gầy lau nước mắt cho mẹ. Những giọt nước mắt của mẹ lóng lánh giống như những hạt châu vừa bị bứt tung ra khỏi chuỗi ngọc, chẳng thể nào cầm được khiến bố tôi cũng bật khóc theo. Từ nhỏ tới giờ, tôi rất ít khi nhìn thấy bố tôi khóc. Những giọt lệ của bố mẹ tôi cùng rớt xuống tụ hội lại thanh một khối nhỏ trên mặt chiếc hòm bọc da màu đen.

Tôi ngoảnh mặt đi, cố kìm nước mắt. Cho dù "âm mưu" tình yêu của mẹ tôi năm đó với động cơ có thể bị coi là thấp hèn đi nữa, thì bố mẹ tôi cũng đã nâng đỡ, dìu dắt nhau đi qua gần hết cả cuộc đời, mối chân tình kéo dài hơn ba mươi năm qua đủ để đẩy lui những chuyện không vui. Rốt cuộc, chúng tôi đã không hỏi vì sao bố đã không kết hôn với cô Diêu Quế Lan mà lại trở về bên mẹ. Tuy không hỏi bố, nhưng chúng tôi đều biết, biết rất rõ.