Ấm lòng giữa băng tuyết

ANTĐ - Vừa đến ga Lào Cai vào 5h sáng, tôi vồn vã hỏi những người đang co ro bên chiếc bếp than đặt trong chiếc chậu nhôm đỏ lửa, “Ở trên này có tuyết không bác?”. Người đàn bà không nói không rằng một lúc rồi hỏi ngược lại “Các anh đi xem tuyết à?”. “Dạ vâng!” “Từ hôm qua đến nay tôi ngồi ở đây chỉ thấy người dưới xuôi lên hỏi tuyết có còn không. Tuyết thì có gì đẹp đâu mà các anh xem”. Nói xong người đàn bà bỏ đi tìm củi cho vào chậu lửa…

Trên đường từ ga Lào Cai đến Sa Pa, tôi thấy nhiều hàng thịt trâu, bò bày bán bên dọc Quốc lộ 4D. Trên những sườn núi, trâu được mọi người kéo lê xuống đường để bán. “Từ hôm qua tới nay bản tôi đã chết 12 con rồi”- người đàn ông có tên Giàng A Chinh ở  bản Chu Lìn, xã Sa Pả, huyện Sa Pa tiếc nuối.

 Băng tuyết xuất hiện ở xứ sở mình cũng hiếm hoi, vì vậy ai cũng muốn tận mắt chứng kiến hiện tượng này. Nhiều người đã thỏa mãn thấy băng tuyết, ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn, ở Sa Pa, Lào Cai, hay ở vùng cao nào đó của Tây Bắc. Hoá ra cái đẹp của người này, niềm vui của người này lại là nỗi lo của người khác. Hôm ấy, ở Ô Quy Hồ băng tuyết đã phủ trắng cành cây, người đến thì gọi cho người chưa đến “lên đi, đẹp lắm!” Nhìn băng tuyết quá đẹp nhưng có người còn muốn đẹp hơn, họ đã cầu mong trời lạnh thêm để tuyết dày hơn nữa.

Trong khi đó, ngay bên cạnh tôi khi ấy, cùng ngồi trong chiếc lều tạm bợ ở đỉnh đèo Ô Quy Hồ để trú những hạt mưa băng là những người dân bản địa, họ đi lùa trâu, bò xuống thấp để tránh cái lạnh. Trong câu chuyện, họ chỉ có ước mơ giản dị rằng “mong trời đừng lạnh thêm nữa”. Một anh người Mông sinh sống bên chân đèo Ô Quy Hồ bảo, cùng thời điểm này vào năm 2009, trâu, bò chết, toàn phải ăn thịt trâu, bò. Tưởng sẽ không bị như thế nữa, nhưng không ngờ nó lại đến - thật không may cho bản tôi.

Theo câu chuyện của người dân thì mấy năm nay, họ sợ băng tuyết hơn tất cả. Băng tuyết đã trở thành nỗi kinh hoàng của những người dân sống ở trên núi vùng cao Tây Bắc.

Quả thế! Cái lạnh mùa đông bình thường thì như kim châm, cái lạnh của mùa đông có tuyết như thắt các mạch máu trên cơ thể lại, nó buốt nhức tận xương tủy. Lạnh khiến nhiều người già của bản phải bỏ con cháu mà đi. Đến những con trâu, con bò khoẻ mạnh là thế cũng phải khuỵu xuống, co quắp. Mùa xuân ở miền xuôi thì luôn đẹp căng tràn nhựa sống, mùa của cây cối đâm lộc, nảy non, còn ở miền rẻo cao, nơi mà những trận băng tuyết đã đi qua thì nó sẽ héo hon đến qua mùa xuân vẫn không gượng dậy được. Chả thế mà đúng dịp Tết Nguyên đán 2009, dịp du xuân của đồng bào Tây Bắc đáng lẽ là niềm vui tràn khắp bản làng, nhưng năm ấy tôi đã chứng kiến cảnh buồn ở Dào San, Phong Thổ, Lai Châu. Đó là sau khi băng tuyết xuất hiện ở đây khiến những gia đình phải chuẩn bị những chiếc sào luồng để gác thịt trâu, bò lên bếp. Băng tuyết đã làm bản mất vui. Tài sản lớn của họ chết vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên - băng tuyết - vẻ đẹp ao ước của nhiều người thành thị. Vậy mà trên những chuyến tàu ngược Sa Pa vào những ngày có tuyết cứ đông kín người, không còn ghế nào trống…

Tôi lại nhớ về những trận bão khốc liệt đã qua, sau mỗi trận bão như thế tòa soạn lại vận động, phối hợp tổ chức những chuyến xe hàng cứu trợ, kịp thời giúp đỡ bà con trong cơn hoạn nạn. Ấy thế mà có cậu phóng viên một báo khác hỏi tôi: “Này, cơ quan ông có bao giờ mong bão lũ đến không mà cứ mỗi lần bão lũ xong lại thấy mang hàng đi thế? Tôi hỏi thế vì chẳng mấy khi thấy báo ông “vào tâm bão” cả, chỉ hay thấy mang gạo và mì tôm đi thôi”. Tôi nói rằng ừ thế cũng là cách chống bão đấy.

Cũng như băng tuyết ở Sa Pa, Mẫu Sơn… bão lũ là điều kinh hoàng chẳng ai mong đến. Nhưng quái lạ, tôi từng gặp mấy nhóm phóng viên hay đi “đón” bão. Cậu phóng viên nói trên là một trong số ấy. Trong khi người dân thì lo lắng đến thắt lòng khi bão đến, thì một số phóng viên lại mong sao bão thật ác liệt để có những hình ảnh, thước phim và những bài viết tang thương, khiến bạn đọc rơi nước mắt. Có người nghe tin bão chuẩn bị vào là lên đường ăn chực nằm chờ đón bão. Để rồi khi nghe tin bão tan trước khi đổ bộ vào đất liền, họ tiếc nuối “mất bão rồi”! Chuyện về nhóm phóng viên đi “đón” bão ở Thái Bình năm 2010 khiến tôi day dứt mãi. Khi ấy dự báo là bão lớn đổ bộ về ven Tiền Hải. Sau khi chờ đợi mấy ngày, bão cũng đã đến nhưng chỉ ào qua không thiệt hại gì về người và tài sản của ngư dân ven biển. Một số người trong nhóm buồn ra mặt vì chuyến đi đã coi như bị “mất điểm”, mất luôn cả tiền nhuận bút. Băng tuyết mong đừng đến, hay bão đừng về là những ươc mơ của nhiều người.  

Và câu hỏi của người bán hàng bên góc chợ ga Lào Cai “Tuyết có gì đẹp đâu mà các anh tìm đến” đã khiến những người vô tình phải suy nghĩ về mong ước của mình. Tôi không có ý trách cứ những người thích ngắm tuyết, mong tuyết rơi dày hơn, lạnh hơn, lâu hơn. Chỉ thấy buồn khi nhìn những con trâu gục ngã, những ngôi nhà bị nước cuốn đi. Lạnh giá, lũ lụt, lở đất rồi sẽ qua đi, nhưng người ở lại, họ cần lắm sự trợ giúp của tất cả mọi người. Khi đó niềm vui mới được nhen lên.

Mấy năm gần đây, băng tuyết xuất hiện nhiều vào mùa đông ở vùng cao Tây Bắc. Mỗi khi như thế người dân thành phố lại kéo nhau đi xem, để tận mắt chứng kiến vẻ đẹp tưởng như ở đất nước nhiệt đới ít khi có được.