Âm ỉ những bức xúc dân sinh tại Gamuda quận Hoàng Mai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Từ những bức xúc không được giải quyết triệt để trong sinh hoạt và sử dụng dịch vụ giữa một bộ phận cư dân với ban quản lý khu đô thị Gamuda quận Hoàng Mai, Hà Nội, khiến một sự việc dù không quá phức tạp nhưng vẫn có thể bị đẩy lên “đỉnh điểm”…

Treo băng rôn trước cửa nhà để phản đối chủ đầu tư

Khởi công xây dựng từ năm 2012 và đi vào hoạt động từ năm 2016; với diện tích khoảng 75 ha nằm trên địa bàn 2 phường Trần Phú và Yên Sở, đến thời điểm này, Gamuda vẫn được đánh giá là khu đô thị sang trọng trên địa bàn quận Hoàng Mai, gồm khu biệt thự, khu liền kề, khu nhà phố thương mại, khu chung cư cao cấp và khu nhà câu lạc bộ…

Địa bàn dân cư số 13 Gamuda, thuộc phường Trần Phú

Địa bàn dân cư số 13 Gamuda, thuộc phường Trần Phú

Thế nhưng những ngày này, vấn đề đặt ra nhiều suy nghĩ là tại địa bàn Tổ dân phố 13 của khu đô thị này (thuộc phường Trần Phú), nhiều hộ dân đã treo băng rôn ngay trước cửa nhà để phản đối chủ đầu tư. Nội dung của từng băng rôn toát lên khá đầy đủ những bức xúc, như việc vận hành cửa tự động; công tác quản lý cải tạo, xây dựng; công tác vệ sinh môi trường cảnh quan, chăm sóc cây xanh…đặc biệt là bức xúc cho rằng “nạn trộm, cướp hoành hành”.

Làm việc với PV ANTĐ, ông Lê Viết Lĩnh – Bí thư Chi bộ 13 cung cấp một văn bản của Tổ dân phố gửi ban quản lý Gamuda Gardens từ ngày 6-4-2022. Văn bản đề nghị ban quản lý làm việc với đại diện UBND phường Trần Phú, cán bộ cơ sở của Tổ dân phố, để bàn bạc, tháo gỡ những bức xúc dân sinh diễn ra từ khá lâu, như: công tác tổ chức bảo vệ khu đô thị; công tác quản lý vật nuôi trong cư dân; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì 0,5%; dự kiến thời gian đưa vào khai thác, vận hành Nhà sinh hoạt cộng đồng khu thấp tầng…

Câu chuyện của vị Bí thư chi bộ, hết sức thẳng thắn trong nhìn nhận, đánh giá trách nhiệm của chủ đầu tư – ban quản lý khu đô thị và cư dân - toát lên thực trạng: đã và đang tiềm ẩn mâu thuẫn lớn giữa bộ phận cư dân Tổ dân phố 13 với ban quản lý khu đô thị. Thậm chí, quan điểm cá nhân và cũng là việc dẫn lại lời của nhiều cư dân, ông Lê Viết Lĩnh cho rằng, phía ban quản lý cần tính toán về công tác nhân sự, từ đội ngũ bảo vệ đến ngay cả Giám đốc của Gamuda!

Đánh giá chính xác tình hình, từng bước tháo gỡ mâu thuẫn

Đó là quan điểm mà Đại tá Nguyễn Đình Chiến – Trưởng Công an quận Hoàng Mai nêu rõ, khi chủ trì buổi làm việc với ban quản lý khu đô thị Gamuda, phường Trần Phú và đại diện cư dân Tổ dân phố 13; trong đó tập trung làm rõ thông tin mà một số người dân cho rằng: “Nạn trộm cắp, cướp giật hoành hành”.

Tại buổi làm việc, chỉ huy đội Cảnh sát hình sự và Công an phường Trần Phú nêu rõ, từ đầu năm 2022, địa bàn phường Trần Phú xảy ra 4 vụ phạm pháp hình sự. Riêng tháng 7 và tháng 8, tại Gamuda xảy ra 2 vụ trộm đột nhập lần lượt vào các ngày 23 và mùng 9. Tài sản bị mất, theo trình báo của người bị hại, là điện thoại di động, túi xách đựng giấy tờ cá nhân và 1 đôi hoa tai bằng vàng tay, tiền mặt khoảng 2 triệu đồng…Trong số này, vụ trộm xảy ra ngày 23-7, gia chủ khi ngủ ban đêm đã không khóa cửa sau, khiến kẻ gian lợi dụng sơ hở, đột nhập.

Trao đổi với PV ANTĐ, Đại tá Nguyễn Đình Chiến nêu rõ, không riêng khu Gamuda, tại 14 phường ở quận Hoàng Mai, nguyên tắc xuyên suốt là lực lượng Công an cơ sở phải tiếp nhận, xác minh và giải quyết triệt để mọi tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân. Đối với khu Gamuda, và đặc biệt tại địa bàn dân cư số 13, từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan Công an ghi nhận 2 vụ việc trình báo bị mất trộm như đã nêu. Cũng có trường hợp người dân báo đến ban quản lý dự án là bị mất trộm tài sản, nhưng sau đó xác minh lại không chính xác! “Nhiều năm không xảy ra phạm pháp hình sự; và 2 vụ trộm vừa mới xảy ra, không thể đánh giá, “khái quát” là nạn trộm cắp, cướp giật hoành hành. Trong chừng mực nào đó, những thông tin, chia sẻ thiếu căn cứ, thậm chí có dụng ý, sẽ khiến tình hình phức tạp hơn”, Đại tá Nguyễn Đình Chiến chỉ rõ.

Đồng quan điểm với chỉ huy Công an quận Hoàng Mai về việc không hề có trộm cắp, cướp giật hoành hành, ông Lê Viết Lĩnh chia sẻ, trong khoảng 5 năm trở lại đây, địa bàn dân cư số 13 không ghi nhận hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến ANTT; và chỉ tháng 7, tháng 8 vừa qua mới lần đầu tiên xảy ra 2 vụ trình báo mất trộm.

Nguyên nhân ở đây theo ông Lĩnh, ngoài sự lỏng lẻo của công tác bảo vệ, còn do ý thức chủ quan, mất cảnh giác của người dân, vì lâu nay chưa bị mất trộm.

Sơ hở, thiếu sót trong công tác bảo vệ đúng là thực trạng đang diễn ra tại Gamuda. Bởi sau khi xảy ra mất trộm, qua tổ chức rà soát, lực lượng chức năng xác định khu vực xung quanh nơi phát hiện 2 vụ trộm cắp tài sản có 9 camera, thì cả 9… đều hỏng. Đại diện ban quản lý và đại diện công ty bảo vệ cho biết thời điểm đó, “mắt” camera vẫn tốt nhưng…đường truyền cáp bị hỏng nên không có dữ liệu!

“Tăng cường nhân viên bảo vệ; báo cáo đề xuất lãnh đạo chủ quản Công ty khắc phục sự cố hỏng camera”; đó là giải pháp từ phía Gamuda, sau khi xảy ra hiện tượng mất trộm, được ông Phạm Vũ Hùng – Giám đốc ban quản lý khu đô thị Gamuda, thông tin với PV ANTĐ. Ông Hùng cho biết, đã từng trải qua nhiều vị trí quản lý các khu đô thị, và theo đánh giá, Gamuda khá “ổn” trong việc bố trí nhân viên bảo vệ.

“Ổn” hay chưa “ổn”, thì thực tế tình hình tại Tổ dân phố 13 những ngày vừa qua đã cơ bản phản ánh rõ! ANTT chỉ là một trong nhiều lĩnh vực mà ban quản lý khu đô thị Gamuda thay mặt chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước các cư dân, thông qua việc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ. Gốc của vấn đề, của những bức xúc âm ỉ, là sự chưa tìm được tiếng nói chung giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý khu đô thị.

Được biết, sau khi Công an quận Hoàng Mai chủ động, chủ trì buổi làm việc về tình hình, công tác đảm bảo ANTT; cư dân Tổ 13 cũng đã có buổi đối thoại với phía đơn vị quản lý khu đô thị. Rõ ràng, “bài toán” chỉ có thể được giải khi và chỉ khi hai phía có được sự thống nhất cách thức giải quyết mâu thuẫn, trên cơ sở chấp hành quy định pháp luật, tôn trọng sự văn minh…