Ảm đạm kinh tế thế giới 2012

ANTĐ - Trong bối cảnh đám mây đen của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn còn treo lơ lửng trên nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục mong manh, kinh tế thế giới bước sang năm mới 2012 với rất nhiều thách thức lớn.

Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2012

Những thách thức lớn này đã được Nhật báo kinh tế uy tín của Pháp Les Echos (Tiếng vọng) đưa ra ngày 3-1 trong dự báo về “10 thách thức đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2012”. Đó cũng là những thách thức đã gây lao đao nền kinh tế toàn cầu trong năm qua như: khủng hoảng nợ công châu Âu; phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ hay Nhật Bản, bất ổn định chính trị tại khu vực “rốn dầu” của thế giới, nguy cơ tiềm ẩn từ “bong bóng bất động sản” tại Trung Quốc...

Thách thức kinh tế lớn nhất mà thế giới cần vượt qua trong năm 2012 vẫn là cuộc khủng hoảng nợ công đang bao trùm Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tâm điểm của cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục là Hy Lạp, quốc gia đã và đang ngấp nghé bên bờ vực của sự phá sản mà nếu xảy ra sẽ là dấu chấm hết cho Eurozone.

Trong khi còn chưa biết Hy Lạp có vượt qua được khủng hoảng nợ công hay không thì nền kinh tế Italia lớn thứ ba Eurozone cũng đang có nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy nguy hiểm khi nợ công của nước này đã lên tới  1.900 tỷ euro, bằng khoảng 120% GDP. Cho dù không nằm trong Eurozone nhưng kinh tế Anh cũng đang chao đảo vì nợ công và nếu nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu (sau Đức) này rơi vào khủng hoảng sẽ tác động xấu tới cả châu Âu và thế giới.

Cùng chung “cảnh ngộ” bị khủng hoảng nợ công hoành hành với châu Âu, nền kinh tế số một thế giới là Mỹ được dự báo tiếp tục hồi phục khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp cao. Cả chính quyền Tổng thống Barack Obama và đảng Cộng hoà nắm Quốc hội cùng khó có thể đưa ra các biện pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi sự nhạy cảm của năm bầu cử 2012, bầu Tổng thống, Hạ viện và 2/3 ghế Thượng viện.

Kinh tế Nhật Bản tiếp tục vật lộn với khó khăn tăng trưởng thấp nhiều năm qua. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này được cho là sẽ tiếp tục chậm chạp trong năm nay do các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu thế giới chững lại và giá đồng Yên cao.

Các cường quốc kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Nga từng là chỗ dựa cho kinh tế toàn cầu trong năm khủng hoảng bao trùm vừa qua được dự báo có thể phải đối mặt với những ẩn số bất ngờ. Tại nước Nga nếu cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra không suôn sẻ như cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga tháng 12-2011 thì có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Còn ở cường quốc kinh tế số 2 Trung Quốc là những rủi ro ngày càng lớn từ “bong bóng thị trường bất động sản” khi mà lĩnh vực bất động sản vốn chiếm 50% nguồn thu ngân sách các địa phương ở Trung Quốc nhưng vẫn đang tiếp tục lao dốc.

Một thách thức không thể xem nhẹ, theo nhận định của tờ Les Echos, là bất ổn chính trị-xã hội tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi có thể gây ra hệ luỵ khôn lường cho kinh tế bởi đây là “rốn dầu”-huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Iran và phương Tây, đi đầu là Mỹ, là một nhân tố bất ổn định lớn với nền kinh tế thế giới vì trong trường hợp eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển 40% lượng dầu thô thế giới - bị Iran phong tỏa có thể đẩy giá dầu thô thế giới vọt lên tới 200 USD/thùng.