Ám ảnh những cái chết ở “ngôi làng bị ma ám”

ANTĐ - Nhiều người đặt cho thôn Trại Xanh, xã Duy Tân huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương cái tên “ngôi làng bị ma ám”. Sở dĩ có chuyện như vậy là bởi nơi đây gắn liền với một nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên ung thư. Nhiều người dân thôn Trại Xanh đang khỏe mạnh bình thường, chỉ qua một trận đau đớn đi khám đã bị ung thư giai đoạn cuối. Nhiều gia đình ở đây có đến 3,4 người cùng bị mắc căn bệnh quái ác này. Con số những người bị chết hoặc đang đấu tranh với bệnh ung thư ở nơi đây đã lên đến gần 100 người. Tất cả đều được người dân ở đây lý giải là do ô nhiễm môi trường.

“Giá là cái thuyền thì chúng tôi đã đu đi rồi”

Dù điều kiện địa lý không mấy thuận lợi, bị chia cắt bởi 2 con sông song nhờ nguồn tài nguyên đá vôi dồi dào mà vài chục năm trở lại đây, xã Duy Tân trở thành một vùng sản xuất vật liệu xây dựng sầm uất với gần chục nhà máy xi măng, lò nung vôi và xưởng nghiền đá. Kinh tế của xã vì thế cũng phát triển lên trông thấy, nhưng đổi lại người dân nơi đây đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của tình trạng ô nhiễm môi trường. Mỗi buổi sáng, hoặc khi trời nhá nhem tối, người dân một số thôn của xã Duy Tân như Trại Xanh, Châu Xá… lại kéo nhau chở những chiếc can lên tận giếng nước cổ ở chân núi Nhẫm để mua nước về sử dụng. Dù vất vả và giá nước đắt gấp hàng chục lần giá nước sạch được bán ra từ nhà máy nước nhưng họ vẫn phải chấp nhận, chỉ gia đình nào không có điều kiện mới… dám dùng nước máy. Nguyên nhân là bởi hiện đa số các nhà máy trên địa bàn xã Duy Tân đều xả nước thải ra con sông Kinh Thầy khiến nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân vì vậy không dám sử dụng nước máy. 

Theo những người dân xã Duy Tân, không biết các nhà máy này có đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường về nước thải hay không nhưng bằng cảm quan có thể thấy ngay những biến đổi tiêu cực của nguồn nước nơi đây. Ví như trước kia rau muống mọc dưới sông ăn không vấn đề gì nhưng vài năm gần đây nhiều người ăn đều bị ngộ độc. Hay có gia đình có ao cá gần nhà máy sản xuất pro niken nhưng năm gần đây không nuôi được cá vì cứ thả một thời gian là cá chết trắng, vớt cá ấy cho lợn ăn thì lợn cũng chết theo. “Dù là nước máy nhưng tắm rửa chúng tôi còn không dám thì nói gì đến việc ăn uống. Chúng tôi hiện phải đi mua nước với giá 50.000/m3. Trước đây, một số hộ dân hứng nước mưa để dùng, nhưng khi để một thời gian thì thấy có lớp bụi nhờ nhờ lắng xuống dưới nên cũng không ai dám dùng nữa” - bà Sinh, một người dân thôn Trại Xanh, xã Duy Tân cho biết.

Không chỉ riêng nguồn nước mà lượng khói bụi khổng lồ tỏa ra từ các nhà máy ở đây cũng khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Lê Huy Đương, một người dân xã Duy Tân cho biết: “Những ngày gió Đông còn đỡ, chứ những ngày gió Tây Nam hoặc khi trời mưa, thời tiết âm u thì người dân ở đây không chịu nổi. Đặc biệt các nhà máy thường hoạt động mạnh về đêm, nên lúc đó bầu không khí càng khó chịu”. Theo quan sát của phóng viên chỉ trong diện tích khoảng 3km2 thuộc địa bàn hai thôn Trại Xanh và Châu Xá đã có 4 nhà máy xi măng gồm Phú Tân, Thành Công, Trung Hải, Duyên Linh và rất nhiều lò nung vôi, xưởng nghiền đá đang hoạt động… Từ những nhà máy này, những ống khói sừng sững chọc thẳng lên trời tỏa ra những làn khói mù đặc, u ám. “Chúng tôi già rồi, mồ mả, tổ tiên ông cha ở đây thì cũng đành chịu, nhưng còn con cháu chúng tôi sống trên mảnh đất này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhất là các cụ già hay các cháu mới sinh phải chịu bầu không khí này, khổ lắm. Nhà nào cũng phải làm 1-2 lớp cửa kính mà vẫn không ăn thua, bụi vẫn len vào. Giá như cái thuyền thì chúng tôi đã đu đi nơi khác hết rồi” - bà Sinh bức xúc.

Ám ảnh những cái chết vì ung thư

Nhắc đến thôn Trại Xanh nhiều người dân xã Duy Tân không khỏi rùng mình, ái ngại gọi đó là “làng ung thư”, bởi thời gian gần đây trên địa bàn thôn phát hiện hàng loạt trường hợp bị ung thư và nhiều người đã chết vì căn bệnh nan y này. Ông Hoàng Văn Khang (62 tuổi) một bệnh nhân ung thư ruột rầu rĩ cho biết, trước nay gia đình ông sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước trên địa bàn xã. Gần đây thấy các nhà máy xả thẳng nước thải xuống sông, cá cứ chết trắng, gia đình ông lo lắng đã phải sắm bình lọc nước về sử dụng. Ấy vậy mà đầu năm 2013, đang từ một người khỏe mạnh, ông bị đau bụng và sụt cân liên tục. Đi khám thì ngã ngửa vì bệnh viện cho biết ông bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối và bị “trả về”. 

Ở thôn Trại Xanh, những trường hợp đang điều trị ung thư như ông Khang có cả chục người, còn người đã chết thì nhiều khó kể hết. Có lẽ ở đây, số người trẻ và trung tuổi chết vì ung thư còn nhiều hơn số người chết vì tuổi cao. Chỉ tính riêng năm 2013 đã có gần 10 trường hợp, đặc biệt có những gia đình 3-4 người đều chết hoặc đang bị căn bệnh ung thư hành hạ. Hỏi bất cứ ai ở thôn  Trại Xanh cũng có thể được nghe kể vanh vách: Chỉ tầm này năm ngoái thôi, trong vòng chưa đầy 100 ngày trong một gia đình có tới 3 người chết vì ung thư, đó là 3 chị em thím cháu bà Nguyễn Thị Nam (59 tuổi), ông Lê Văn Hùng (54 tuổi), và ông Ngô Văn Lực (52 tuổi). Sau đó vài tháng, làng xóm lại phải tiễn đưa ông Nguyễn Văn Nam (47 tuổi) cách đó vài trăm mét cũng chết vì căn bệnh ung thư. Ông Ngô Văn Cổng (thôn Trại Xanh) cũng là người chịu nhiều tang thương khi liên tục trong thời gian ngắn, hai người em của ông là ông Ngô Văn Lực và Ngô Văn Quân cùng chết vì bệnh ung thư. Trước đấy người chú của ông là ông Nguyễn Văn Ban cũng đã qua đời vì căn bệnh này. “Nhiều người dân thôn Trại Xanh đang khỏe mạnh bình thường, chỉ qua một trận đau đớn đi khám đã bị ung thư giai đoạn cuối rồi. Hầu như nhà nào ở thôn ấy cũng có người chết vì ung thư, nhiều nhất là ung thư gan, phổi và vòm họng” - một người dân thôn Trại Xanh cho hay.

Theo số liệu theo dõi nguyên nhân tử vong của Trạm Y tế xã Duy Tân trong vòng 10 năm từ năm 2003 đến 2013, xã có tới 70 trường hợp chết vì bị ung thư phổi, dạ dày, đại tràng, gan, máu… và hơn 20 trường hợp khác được chẩn đoán là ung thư hiện đang điều trị, trong đó phần lớn đều tập trung ở thôn Trại Xanh. “Đầu năm nay, xã cũng mới phát hiện thêm 1 trường hợp bị ung thư và thêm 1 ca tử vong nữa” - ông Nguyễn Văn Đậu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Duy Tân cho biết. Bản thân ông Đậu cũng được bệnh viện chẩn đoán bị ung thư phổi và hiện đang điều trị tại nhà. Ông Đậu chia sẻ: “Ngoài ung thư thì tỉ lệ người mắc bệnh về đường hô hấp trong xã khá lớn, chiếm khoảng 70% lượt người đến khám tại trạm y tế xã. Trong đó, trung bình mỗi năm trạm khám khoảng 5.500 lượt”.

Theo người dân ở đây, sở dĩ thôn Trại Xanh có số lượng người mắc ung thư cao nhất xã vì đây là thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ nước và khí thải của các nhà máy xi măng, proniken trên địa bàn. Khoảng 20 năm nay, hai bên bờ sông Kinh Thầy đoạn chảy qua địa phận Duy Tân là trung tâm của Cụm công nghiệp Nhị Chiểu (thuộc huyện Kinh Môn với 5 xã Duy Tân, Phú Thứ, Tân Dân, Minh Tân, Hoành Sơn) nơi có mật độ nhà máy, xí nghiệp dày đặc. Vì thế, Trại Xanh trở thành một trong những thôn hứng chịu nhiều nhất khói bụi của các nhà máy xi măng, hóa chất trên địa bàn. Điều này cho thấy nhưng lo lắng của người dân về môi trường là có cơ sở.

Ô nhiễm môi trường là… đương nhiên (?)

Theo số liệu của UBND huyện Kinh Môn, từ năm 1995 đến nay, có rất nhiều nhà máy đến đầu tư tại Cụm công nghiệp Nhị Chiểu. Chỉ tính riêng xã Duy Tân đã có tới 4 nhà máy xi măng, hơn hàng chục lò vôi, 2 mỏ đá, một số xưởng cơ khí, hóa chất, doanh nghiệp vận tải... Ngoài ra, giáp với địa bàn xã Duy Tân còn có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất cỡ lớn như xi măng Hoàng Thạch, xi măng Phúc Sơn, thép Hòa Phát, các cơ sở nghiền than, mỏ đá, xưởng cơ khí, hóa chất… Thôn Trại Xanh là thôn “khổ” nhất xã khi hứng chịu hầu tất những khói bụi từ các nhà máy này thải ra. Đã không ít lần, người dân các thôn Trại Xanh và Châu Xá lập chốt phong tỏa lối vào các nhà máy xi măng không cho hoạt động. Sau những phản ứng mạnh từ người dân, chính quyền đã vào cuộc buộc các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải lắp đặt hệ thống lọc bụi. Từ đó đến nay, tình trạng ô nhiễm khói bụi có cải thiện đôi chút nhưng vào ban đêm thì lượng khói bụi vẫn tỏa ra mù mịt. Tình trạng này khiến người dân hết sức bức xúc. Mới đây nhất vào tháng 7 năm 2013, người dân Châu Xá đã tụ tập phản ứng một nhà máy sản xuất pro niken “chui” đóng trên địa bàn, sau đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc và nhà máy này đã bị đình chỉ hoạt động. 

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã, Chủ tịch UBND xã Duy Tân, Lê Văn Kha cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường trong xã là có thật. Do Duy Tân là một khu vực phát triển công nghiệp nên hiện trên địa bàn xã có 4 nhà máy xi măng, các địa phương lân cận cũng có nhiều nhà máy sản xuất xi măng, thép lại đều ở hướng gió đông nam, vì vậy việc ô nhiễm là “đương nhiên”. Việc duy trì tình trạng môi trường như hiện nay đã là sự nỗ lực lớn của cơ quan chức năng. Cũng theo ông Kha, từ năm 2006 trở lại đây, tình trạng ô nhiễm đã giảm đáng kể do các nhà máy sản xuất xi măng đã lắp đặt hệ thống lọc bụi. “Không chỉ dân mới lo lắng mà kể cả chúng tôi cũng lo lắng, các hội nghị giao ban chúng tôi đều kiến nghị và các cơ quan chức năng hiện vẫn đang kiểm tra đánh giá tác động môi trường” - ông Kha nói. Về khía cạnh y tế, Trạm trưởng Trạm Y tế Nguyễn Văn Đậu cho biết, trước đây Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn có một lần yêu cầu Trạm Y tế xã làm báo cáo, thống kê theo mẫu về các trường hợp mắc và đang điều trị ung thư vào năm 2012. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện hiện vẫn chưa có chỉ đạo gì thêm về việc này. 

Trong khi các cơ quan vẫn bình tĩnh xem xét thì hiện người dân thôn Trại Xanh nói riêng và xã Duy Tân nói chung đành phải làm quen với cách tự bảo vệ mình: Ở nhà thì đóng kín cửa, ra đường bịt khẩu trang, lên núi lấy nước nấu ăn. Và quan trọng hơn tình trạng ung thư ở đây hiện đã ở vào mức báo động. Có một câu hỏi đang được đặt ra mà chưa thể tìm được lời giải đáp. Đó là liệu người dân ở nơi đây sẽ còn phải sống chung với tình cảnh này đến bao giờ?