Chuyện ma giữa TP Hồ Chí Minh

Ám ảnh hồn ma ở khu Thanh Đa

ANTĐ - Những câu chuyện ma quỷ nghe trong đêm mưa gió bao giờ cũng đem lại cho chúng ta cảm giác sợ hãi. Với người nhiều tuổi, đó là kỷ niệm về những đêm nghe kể chuyện, với  người mê tín thì đó là những huyền bí của thế giới thần bí, ở đấy có những thần thánh phù hộ con người và cũng có vô số hồn ma bóng quỷ đe dọa làm hại con người. Nhưng có ma quỷ không? Câu hỏi này đã có từ nghìn năm và cũng đã có bao nhiêu câu trả lời. Chỉ là số người tin vào câu trả lời đó không bao giờ là tất cả. Riêng tôi, tôi thích nghe chuyện ma, nhưng tôi không sợ hãi, nhất là giữa TP Hồ Chí Minh với gần 10 triệu dân này. Trong bài viết này tôi xin giới thiệu một chuyện ma do một người trong cuộc kể. Và tất nhiên chúng ta sẽ lại hỏi: Có ma không?

Khu vườn thâm u ở Thanh Đa - nơi trước đây  được cho là đã xảy ra chuyện ma ám

Một câu chuyện ma giữa TP Hồ Chí Minh

Nơi đầu tiên tôi ở trọ khi mới xuống thi Đại Học năm 2001 là khu Khách sạn Công đoàn ngoài bán đảo Thanh Đa quận Bình Thạnh. Bây giờ đây đã là một khu phố sầm uất, đông người nhưng khi tôi mới đến ở, vẫn còn vắng vẻ, hoang tàn. Dù phía trước có cả một khách sạn mới xây nhưng phía trong, chỗ chúng tôi ở thì hoàn toàn khác. Đó là dãy nhà xây trước năm 1975, căn nào cũng cũ kĩ, hoang vắng nên bọn chúng tôi chọn thuê một căn nhà gác đối diện sân tennis của khách sạn. Căn phòng không sáng sủa lắm, phía trước mở cửa sổ ra thì thoáng mát quang đãng nhìn xuống sân tennis nhưng phía sau thì đối diện tiếp với một khu nhà khác cũng cũ kĩ và hoang vắng không ai ở cả nên ít khi nào tụi tôi mở cửa sổ ra. Gần ngay cửa sổ phòng khách là những tán lá rậm rạp của một cây Lekima lớn. Căn nhà này do dì Út, mẹ của một bạn tôi, cũng xuống thành phố học tại chức thuê và để chúng tôi ở cùng cho đỡ tiền thuê nhà. 

Căn nhà gồm có 3 phòng ngủ và 1 phòng khách, bọn chúng tôi có 4 thằng nhưng thằng bạn tôi nó ở chung phòng với mẹ nó là dì Út rồi nên còn lại là 3 thằng tôi ngủ 1 phòng và 1 phòng thì bỏ trống. Chúng tôi đi học từ sáng sớm, chiều tối mới về, mà có về sớm thì cũng không dám lên phòng một mình vì sự ẩm ướt lành lạnh rùng rợn của dãy nhà. Mọi sự đối với bọn tôi thì cũng bình thường, đi học rồi về, tối ôn bài đến khuya đi ngủ. Chúng tôi không hề biết đã có một việc ghê rợn xảy ra với dì Út, mẹ của bạn tôi.

Dì Út lúc đầu không nói gì nhưng vẻ mặt của dì hàng ngày không vui làm cho chúng tôi nghi ngại không biết chúng tôi đã làm điều gì phiền lòng dì. Gặng hỏi mãi, dì cũng không nói. Mãi cho đến khi chúng tôi thi xong, sắp trở về nhà, dì mới kể hết cho chúng tôi và chính dì cũng dọn nhà đi ở chỗ khác ngay sau khi chúng tôi không ở đó nữa. Đó là một chuyện ma.

Dì Út kể với vẻ mặt nghiêm trang nên chúng tôi hoàn toàn tin dì. Ngay khi cả nhà dọn vào ở trong căn nhà này khoảng một tuần thì dì Út bắt đầu gặp những điều bí ẩn. Trong khi bọn tôi đi học xa cả ngày còn dì thì học gần bên nên hay về nhà nghỉ  trưa. Một hôm, khi đang nằm nghỉ trưa dì thấy một người đàn ông đi từ cây lekima đi thẳng qua lan can vào phòng dì, đây là lầu một, tức tầng hai, mà đi kiểu này là ông ta bay từ ngoài vào. Ông ta lao vào, giữ chặt tay dì và ghì xuống giường, dì càng chống cự lại thì càng bị đè xuống. May đúng lúc đó bạn tôi là con dì trở về rủ dì đi ăn cơm. Người đàn ông nghe tiếng động liền buông dì ra và bay đi. Dì Út kể lại lúc đó mồ hôi dì đổ ra ướt hết quần áo. Người đàn ông liên tục tấn công dì Út trong gần ba tháng nhưng dì không dám kể. Dì kể thêm không những ban ngày mà cả ban đêm có chúng tôi ở nhà người đàn ông cũng lao vào dì. Nghe người ta nói là cây xương rồng có thể trừ ma quỷ, dì đã xin một nhánh về treo trước cửa. Ngay đêm đó dì Út thấy người đàn ông lồng lộn trước cửa phòng sau đó ông ta đi xuyên tường lao vào dì. Sáng sau, dì thấy nhánh xương rồng héo khô trước cửa. Dì kể thêm có lần ngồi ăn cơm chung với chúng tôi vào lúc 6h chiều, dì ngồi đối diện với cửa sổ có nhánh Lekima đu đưa ngoài lan can thì dì thấy một người đen thui đi từ nhánh cây đó xuyên qua lan can và rẽ vào phòng dì, dì kinh hoảng muốn la lên nhưng lưỡi líu lại không ra tiếng. Người đen thui thấy vậy liền quay lại nói với dì: Nếu la lên ta sẽ làm hại mấy đứa trẻ nay. Nghe vậy dì đành lặng câm. 

Sau khi nghe dì Út kể, chúng tôi mới thấy thương dì. Đã bao nhiêu lần dì đổ bệnh vì ma hành. Nghĩ lại, chúng tôi cũng phát hiện ra nhiều sự bất thường. 

Có nhiều đêm, khi chúng tôi ngủ, nghe tiếng gõ cửa phòng nhưng không ai lên tiếng. Tiếng gõ cửa khô khốc và rời rạc lạ thường. Chủ yếu là do học mệt, làm biếng nên bỏ qua. Bây giờ tụi tôi mới biết căn nhà chúng tôi ở đã bị ma phá. 

Trước khi dọn chúng tôi ghé phòng bảo vệ chào và hỏi thăm các chú bảo vệ. Một chú lên tiếng nói: Tụi bay chưa gặp đó chứ tao thì thấy hoài à, tao hay thấy hồn ma đó lãng vãng khu cầu thang và ngay cây Lekima chính căn nhà tụi bay ở đó. Chú ấy còn kể thêm: hồn ma đó chính là người coi và quản lý các khâu xây dựng trong tất cả các khu nhà ở đây, một hôm không biết ông ấy lên lầu đứng coi công nhân xây dựng thế nào mà trượt chân ngã xuống đất chết ngay tại chỗ, nên giờ đây ông ấy hay hiện về đi lo anh quanh tất cả khu nhà giống như người ta đi kiểm tra vậy đó. 

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật không thêm bớt bất cứ điều gì. Là người trong cuộc và cũng từng ở nơi có ma trong vòng ba tháng, nhưng những điều xảy thật kinh khủng. Sau này dì Út bị bệnh phải điều trị mấy năm mới khỏi. 

Ý kiến nhà “săn ma” 

TS Nguyễn Dũng ( Dự án Phòng chống bệnh Tâm thần) sau khi xem xét câu chuyện đã có ý kiến: “Với tất cả những tình tiết của câu chuyện kể trên, chúng tôi có thể xác định người đàn bà trong cuộc, tức dì Út đã mắc một căn bệnh gọi là ảo giác. Một ảo giác xảy ra khi người đó tin lầm rằng mình có thể thấy hoặc nghe một cái gì đó đang xảy ra chỉ trong địa hạt tưởng tượng của mình. Ví dụ, những bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể “nghe thấy” những tiếng nói, và “trông thấy” những ảo ảnh đe dọa.

Hoang tưởng ảo giác hay hoang tưởng, bị ảo giác là một dạng triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng (Paranoid). Tỉ lệ mắc bệnh là 1% ở mọi quốc gia. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh hoang tưởng ảo giác chiếm khoảng 1% dân số tương đương 860.000 người. Hoang tưởng ảo giác thường xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi 15-25, bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Một nghiên cứu cho biết, các loại hoang tưởng, ảo giác thường gặp ở bệnh nhân là hoang tưởng bị truy hại (chiếm khoảng 68,63%), hoang tưởng bị chi phối (chiếm 50%), hoang tưởng bị kiểm soát (chiếm 30,395%), ảo giác chủ yếu là ảo thanh (chiếm đến 86,6%). Nhưng trường hợp của dì Út là ảo thị. Ảo thị thường xuất hiện khi quá trình tri giác bị trở ngại như rối loạn ý thức (mê sảng, mê mộng), khi quá mệt mỏi, hoảng hốt, hay khi điều kiện ánh sáng thiếu (đêm tối, hoàng hôn). Nội dung của ảo thị rất đa dạng như: thấy ngọn lửa, thấy đom đóm, thấy khói, sương mù, màu sắc mơ hồ hay hình ảnh rõ rệt. Có thể là người, động vật, ma quỷ, phong cảnh, cảnh tượng... ảo thị có thể sinh động hay bất động, nội dung của ảo thị có thể thay đổi hoặc không thay đổi. Ảo thị có thể là một hình ảnh đơn độc, một bộ phận của cơ thể (một con mắt, một cái tai...),  một đám đông người, một đàn thú dữ, một đàn sâu bọ... và có thể là ảo thị tự thấy mình. Kích thước của ảo thị có thể giống như tự nhiên, hoặc có thể lớn lên (Ảo thị khổng lồ - Macropsie) hay nhỏ đi (Ảo thị tí hon - Micropsie). Có thể là ảo thị câm hay ảo thị kèm theo tiếng nói (Ảo thanh). Thái độ của người bệnh trước ảo thị cũng khác nhau: có thể say mê, thích thú nhìn ngắm, bàng quan ngơ ngác, sợ hãi bỏ chạy hay họ tham gia hoạt động cùng ảo thị... Dấu hiệu đáng quan tâm nhất mà bác sĩ lo lắng nhất là bệnh nhân còn có biểu hiện hoang tưởng ma, người chết nhập vào, luôn có cảm giác bị theo dõi, bị hại, bị bắt, bị giết, bị bệnh. Thực tế rất nhiều bệnh nhân tuy mắc bệnh hoang tưởng ảo giác nhưng nói năng lưu loát, trí nhớ tốt, thậm chí nhớ tốt hơn người bình thường. 

Hoang tưởng ảo giác có từng đợt, lúc có lúc không và đặc biệt có tính thu hẹp, thụ động trong hoạt động và suy nghĩ. Về điều trị hiện nay có nhiều thuốc tốt và ít tác dụng phụ. Việc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt 5-7% số ca mắc bệnh. 93-95% bệnh nhân còn lại gần như mắc bệnh suốt đời, nhưng trong số này nếu bệnh nhân được điều trị tốt thì 60-70% sống gần như bình thường, không ai biết họ có bệnh. Yếu tố để bệnh nhân ổn định bệnh tốt nhất là chính người bệnh nhận thức được bệnh của mình. Gần đây người ta cũng phát hiện các bệnh về mắt như chứng loạn dưỡng đáy mắt Sorsby, thoái hóa hoàng điểm (AMD) do tuổi cao cũng có thể gây ra ảo thị. Đây cũng là những bệnh rất khó chữa khỏi hiện nay.

Trường hợp dì Út trên đây thường gặp ảo giác có người đàn ông tấn công và sau đó hình ảnh người đàn ông này ăn vào tiềm thức, lúc nào thuận lợi, hình ảnh ấy lại hiện ra trong đầu và chính dì Út cũng tham gia hoạt động với ảo thị. Sau này dì ốm vài năm chắc để điều trị chứng ảo giác này”. 

Chính vì chỉ những người mắc bệnh hoặc thần kinh yếu, nói như dân gian là yếu bóng vía, mới gặp tình trạng bị ảo giác, gặp “ma”, những người khỏe mạnh về tâm thần không gặp ma bao giờ. Vì vậy yếu tố quan trọng để không gặp ma, không bị ma phá là không sợ ma và có một sức khỏe tốt, nghĩa là có một trạng thái thoải mái cả về thể chất, cả về tâm thần.