CATP Hà Nội khám phá ổ nhóm chặt phá cây sưa:
Ai tiếp tay cho “sưa tặc”?
Bài 1: Ám ảnh làng nghề
(ANTĐ) - Từ Cao Viên (Thanh Oai), Nhị Khê (Thường Tín), đến Đồng Kỵ (Bắc Ninh), có thể thấy rõ sự giống nhau đến bất thường ở những vùng làng nghề ngoại thành, giáp ranh Hà Nội này; đó là nơi “sưa tặc” luôn lợi dụng để tẩu tán hay buôn bán gỗ sưa. Tìm đến những “điểm nóng” này, điều chúng tôi băn khoăn là công tác quản lý, nắm tình hình của chính quyền địa phương đang có quá nhiều lỗ hổng.
Lực lượng Công an kiểm tra kho tập kết gỗ sưa |
Bàng hoàng xóm Bãi
Sáng 21-9, một ngày sau khi CATP Hà Nội công bố bước đầu kết quả điều tra, khám phá ổ nhóm chuyên chặt hạ cây sưa trên địa bàn thành phố, nhóm PV ANTĐ đã tìm về xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. “Từ tối hôm qua sau khi vô tuyến đưa tin ổ nhóm chặt phá cây sưa bị phát hiện, một bầu không khí nặng nề lan tỏa ở địa bàn. Đầu làng, bờ ruộng, đâu đâu người ta cũng bàn tán” - Trưởng Công an xã Cao Viên, ông Đào Xuân Trường cho biết.
Thật dễ hiểu và cảm thông với tâm trạng của đồng chí Trưởng Công an xã; trên tổng số 33 đối tượng trong ổ nhóm “sưa tặc” đang bị cơ quan công an điều tra bắt giữ, có đến 29 là công dân của xã Cao Viên và tập trung nhiều nhất ở xóm Bãi. Có cảm giác, tên những đối tượng trộm cắp mà ông Nguyễn Đình Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Viên liệt kê ra với chúng tôi, đều được xã “nắm trong lòng bàn tay”.
Nhất là “thằng Tuấn con ông Nghĩa” (tức Nguyễn Xuân Tuấn, 23 tuổi, nhà ở thôn Trung, đối tượng đầu vụ hiện đang bỏ trốn); theo tài liệu xã nắm được, đối tượng này từng có 1 tiền án về tội trộm cắp xe máy bị Công an tỉnh Hà Nam khởi tố, rồi từng liên quan đến vụ chặt phá cây sưa ở Hà Đông.
Thông tin nhiều là vậy, nhưng phải đến khi các lực lượng nghiệp vụ CATP và CAH Thanh Oai vào cuộc, cán bộ xã Cao Viên mới “ngã ngửa” vì những công dân của mình. Lời khai của các đối tượng bị bắt cho thấy, ít nhất, chúng tham gia trộm cắp, chặt phá cây sưa từ cuối tháng 7-2009. Cho đến tối 19-9, lần lượt 29 đối tượng ở Cao Viên mới lộ diện. “Trong hơn một tháng rưỡi ấy, xã có phát hiện điều gì nghi vấn ở những đối tượng này”, chúng tôi nêu câu hỏi với ông Nguyễn Đình Thông.
“Thì cũng nghe người dân phản ánh số đối tượng ấy hay đi khỏi làng vào buổi đêm, nhưng không thấy chúng trộm cắp ở địa phương nên xã không có biện pháp quản lý” - ông Thông thừa nhận. Một lý giải khác được đồng chí Trưởng Công an xã Cao Viên đưa ra, là xóm Bãi ở sát đê, gần sông Đáy, chiều dài tới 5km, trong khi chỉ có 2 công an viên nắm địa bàn, nên... không thể phát hiện hành vi bất thường của “sưa tặc”. Thời điểm cách đây 1 tháng, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp cảnh báo tình trạng trộm phá cây sưa; cán bộ xã Cao Viên cũng đã phát hiện nhiều cành, lá sưa vứt trong vườn nhà một số công dân xóm Bãi, nhưng dấu hiệu bất thường ấy đã không được kiểm tra, rà soát.
Xóm Bãi không bình yên như vẻ ngoài của nó |
Mặt trái của làng nghề
Chỉ với hơn 10 xưởng gỗ, mộc mà sự phức tạp ở xã Cao Viên đã như vậy, nói gì đến những làng mộc truyền thống lớn khác. Dân làng mộc tất nhiên sống bằng nghề mộc, thậm chí có những triệu phú, tỉ phú đi lên từ gỗ. Song đúng như một chủ xưởng gỗ ở Đồng Kỵ quả quyết với chúng tôi, dân kinh doanh gỗ muốn giàu, muốn phất phải trông vào “cánh” gỗ quý, và càng dám liều buôn gỗ quý thì càng nhanh giàu. Gỗ sưa thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA (quy định tại NĐ số 32 ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp), thế nên không khó hiểu khi nó lại bị săn lùng để thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận không nhỏ cá nhân cả trong nước lẫn nước ngoài.
Khoảng giữa năm 2007, cơn “sốt” gỗ sưa lan rộng ở các tỉnh phía Bắc. Hàng loạt vụ chặt phá cây sưa xảy ra tại Hà Nội và sau nhiều ngày đêm trinh sát, lực lượng chức năng đã phát hiện, đột kích 2 kho tập kết gỗ sưa ở làng Đồng Kỵ. Tổng trọng lượng gỗ sưa bị thu giữ lên đến 13 tấn. Chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV - CATP Hà Nội (một trong những đơn vị tham gia đột kích các điểm tập kết gỗ sưa ở Đồng Kỵ) nhớ lại, thời điểm lực lượng chức năng thi hành lệnh khám xét khẩn cấp đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của các đối tượng vi phạm.
Khi lực lượng chức năng vào kiểm tra kho hàng, chủ kho tắt cầu dao điện, tìm cách kích động người dân trong làng ra cản trở đoàn kiểm tra làm nhiệm vụ và tổ chức tẩu tán gỗ sưa. Phải đến khi lực lượng CSCĐ được tăng cường, trật tự mới được thiết lập.
2 năm sau, tháng 9-2009, cũng liên quan đến gỗ sưa và sự việc cũng xảy ra tại một làng nghề mộc, nhưng tính chất đối phó của những người liên quan tinh vi hơn trước. Đó là sự việc xảy ra hôm 17-9, tại 2 xã Nhị Khê và Khánh Hà, huyện Thường Tín. Gỗ sưa nguyên cây, hoặc đã bóc vỏ, hoặc cây khô, bị phát hiện tại 2 hộ dân; song điều bất thường là không hiểu bằng cách nào, những người sở hữu số cây, gỗ sưa trị giá tới 3 tỷ đồng ấy (tính theo giá thị trường), đã xuất trình được hóa đơn, giấy tờ mua bán, chặt hạ cây sưa.
Người tường trình mua cây sưa từ Huế ra; người khai mua lại của một hợp tác xã ở Hà Nội. Khi cơ quan công an tìm đến nơi từng trồng cây sưa này ở Hà Nội, chủ cơ sở lý giải một cách ngây thơ: “Do có nhu cầu mở rộng diện tích xây dựng, thấy 1 cái cây trồng lâu năm, không biết là cây gì nên cứ thế gọi người chặt hạ, bán với giá 2 triệu đồng”. Từ nhiều nơi, bằng nhiều con đường, gỗ sưa sẽ tập kết về các xưởng mộc, các làng nghề mộc và “trá hình” với các loại gỗ khác.
Tại đây, loại gỗ quý này sẽ được chế biến và bị xuất lậu ra nước ngoài. Gỗ sưa đang “chảy máu”, bởi lòng tham của một bộ phận người dân và cả sự buông lỏng quản lý của một số địa phương có nghề gỗ truyền thống.
(Còn nữa)
Tuấn-Quân-Trung