Dòng sông băng trên dãy núi Alps - Thụy Sỹ
Đó là kết luận mà các nhà khoa học đưa ra trong một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Science (Khoa học) của Mỹ. Theo tạp chí này, kể từ khi xảy ra hiện tượng tan chảy sông băng đầu tiên năm 1851 đến giữa thế kỷ XX, không có bằng chứng nào cho thấy con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Thế nhưng từ giữa thế kỷ XX đến năm 1990, con người là tác nhân gây ra 25% tổng lượng băng tan chảy ở các sông băng và tỷ lệ này tăng lên tới 69% trong thời kỳ từ năm 1991 đến nay.
Sông băng là những con sông lớn chứa đầy băng được tạo từ các lớp tuyết bị nén trong nhiều thế kỷ. Dưới tác động của trọng lực, dòng sông băng biến dạng và chậm chạp chuyển động. Lượng băng chứa trong các sông băng là nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất trên Trái đất, chỉ thua các đại dương là nguồn trữ nước nói chung. Các con sông băng bao phủ các vùng lớn tại các cùng cực. Nhưng tại các vùng nhiệt đới, chúng chỉ nằm trên các đỉnh núi cao nhất.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tan băng như nhiệt độ Trái đất tăng lên, phát thải quá nhiều khí nhà kính và những thay đổi trong hoạt động canh tác, sử dụng đất. Đây là quá trình thay đổi kéo dài và rất khó nhận biết ngay lập tức. Thế nhưng có một thực tế đã rõ ràng là hiện tượng tan chảy của các dòng sông băng đang ngày một tăng tốc và hoàn toàn có thể kết luận phần lớn nguyên nhân là do hoạt động của con người.
Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Cơ quan Giám sát sông băng thế giới (WGMS), tốc độ tan chảy trung bình hàng năm của các dòng sông băng trên thế giới đã tăng gấp đôi khi nhân loại bước vào thế kỷ 21 và các dòng sông băng đang bị thu nhỏ nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Trong hai thập kỷ trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 295 tỷ tấn băng tan do tác động từ con người và khoảng 130 tỷ tấn tan chảy do các nguyên nhân tự nhiên.
Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các dòng sông băng ở Alaska (Mỹ) và dãy núi Alps ở châu Âu. Ở Nam Mỹ, sông băng 18 nghìn năm tuổi ở Bolivia đã biến mất hoàn toàn vào tháng 8-2009. Sự tồn tại của các sông băng ở Ecuado, Peru, Bolivia nay cũng chỉ còn tính theo ngày, trong khi các sông băng ở Argentine, Chile cũng đang thu nhỏ lại nhanh và có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong vòng 60 năm nữa với tốc độ tan chảy như hiện nay.
Là nguồn cung cấp nước, sông băng đóng vai trò quan trọng với đời sống con người. Chính vì thế, sự tan chảy quá nhanh của các dòng sông băng trên toàn cầu sẽ làm nảy sinh các cuộc khủng hoảng lương thực mới. Người ta tính rằng, hàng năm có khoảng từ 100-250 triệu người trên thế giới trở thành nạn nhân của hiện tượng tan chảy quá nhanh của các dòng sông băng. Chỉ riêng tại vùng hạ lưu của các con sông băng chảy từ dãy núi Himalaya, sẽ có 60 triệu người bị thiếu lương thực nghiêm trọng trong vài thập kỷ tới khi các dòng sông băng ở khu vực này cạn kiệt. Ngoài ra, băng tan cũng sẽ làm tăng mực nước biển, nhấn chìm nhiều quốc đảo và các vùng đất phì nhiêu trên Trái đất.
Chỉ có cứu lấy những dòng sông băng mới tránh được tác động khôn lường cho cuộc sống của nhân loại và sự hủy hoại với thành quả phát triển mà thế giới đã phải rất nỗ lực mới đạt được.