Đau đầu khi tội phạm là người tâm thần (4):

Ai cũng có thể mắc chứng tâm thần

ANTĐ - Người tâm thần gây án không còn là hiện tượng mới và xa lạ, nhưng nó luôn là đề tài “nóng” bởi đến nay vẫn chưa có biện pháp triệt để, ngăn chặn.

Theo ông Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có quy định và chế tài bắt buộc gia đình có người mắc bệnh tâm thần phải đưa họ đi điều trị tại các cơ sở y tế. Việc bắt buộc giám định tâm thần và chữa bệnh chỉ được áp dụng khi người tâm thần phạm pháp.

Trong khi đó, có những bệnh nhân tâm thần sau khi điều trị khỏi bệnh, sẽ được bệnh viện trả về cho gia đình và chính quyền địa phương nên vẫn tiếp tục tiềm ẩn các nguy cơ phức tạp vì trong một số trường hợp, đối tượng sau khi trở về gia đình thì lại tiếp tục phát bệnh.

Bên cạnh đó, hầu hết những người sống chung với bệnh nhân tâm thần dù biết người tâm thần không thể kiểm soát hành vi song vì nhiều lý do như vì điều kiện kinh tế, họ vẫn sống chung với những người lẽ ra phải được đưa vào bệnh viện tâm thần chữa trị, để rồi phải gánh chịu hậu quả vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Thậm chí có những gia đình vì ngại và sợ hàng xóm dèm pha, chế diễu nên vẫn cố che dấu người bệnh. Có những gia đình thì vì quá chủ quan khi đã biết rõ “kế hoạch” của người bệnh nhưng vẫn phớt lờ gây nên hậu quả đáng tiếc. Như vụ Lê Trọng Quý nói ở trên. Quý đã mắc bệnh tâm thần từ nhiều năm nay, được bố và mẹ đưa đi chữa trị ở nhiều nơi, nhưng không có kết quả. Quý nói năng lảm nhảm và đã từng có lần tâm sự với người chú ruột rằng sẽ giết chết bố mẹ. Như vậy có nghĩa là, trong lúc không kiểm soát được mình, chính Quý đã tiết lộ “mưu đồ” giết chết bố mẹ, nhưng gia đình lại quá chủ quan, không có biện pháp phòng ngừa như báo Công an xã, chính quyền địa phương khiến hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Vụ án này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những gia đình có người mắc tâm thần khi nguyên nhân khiến người tâm thần gây án thường là do chính  sự chủ quan từ phía người nhà người bệnh.

Theo bác sĩ Hồng Thu, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương- Hà Nội: “Nhiều gia đình nghĩ rằng bệnh tâm thần không bao giờ chữa lành được, hoặc muốn giấu bệnh, hoặc nghĩ rằng phải cách ly người bệnh ra khỏi xã hội... những quan niệm này đã quá lỗi thời nhưng thực tế hiện nay còn rất phổ biến, ngay cả trong số những người dân thành phố. Nhiều người còn cho rằng bệnh tâm thần là một định mệnh tai ác, do ma quỷ xâm nhập vào người, do thần thánh gây ra nên không đưa đến bệnh viện chữa trị mà chữa bệnh theo kiểu cúng bái”. Điều này khiến nguy cơ người điên gây án lớn hơn.

 Ngoài sự nâng cao cảnh giác, cần chia sẻ, tổ chức các hoạt động đoàn thể để người tâm thần có thể hòa nhập cộng đồng để sớm khỏi bệnh

 Ngoài sự nâng cao cảnh giác, cần chia sẻ, tổ chức các hoạt động đoàn thể
để người tâm thần có thể hòa nhập cộng đồng để sớm khỏi bệnh

Cũng theo bác sĩ Hồng Thu, có một số rối loạn tâm thần phổ biến như: Tâm thần phân liệt - là một bệnh tâm thần nặng, có chiều hướng mạn tính với những đợt tái phát. Sau mỗi lần tái phát, tính nết người bệnh càng thay đổi: xa lánh người thân, hướng vào nội tâm, ngôn ngữ hành vi dị kỳ khó hiểu, có khi mang tính chống đối nguy hiểm; Rối loạn cảm xúc lưỡng cực - là một rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm). Bệnh có tính chất chu kỳ xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế. Bên cạnh đó còn có các rối loạn tâm thần khác như: trầm cảm sau sinh đẻ, rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Tuy nhiên, bệnh tâm thần rất thường gặp, ai cũng có thể mắc bệnh này. Bệnh có thể điều trị được, nhưng vấn đề là chữa tích cực, toàn diện và kiên trì mới có hy vọng lành bệnh.

Chính vì vậy, để hạn chế tối đa nhất những hiểm họa do người tâm thần gây ra, điều quan trọng đầu tiên là phải có sự phối hợp từ phía gia đình người bệnh – nơi gần nhất, hiểu nhất về người bệnh và chỉ họ là người có thể quyết định đưa người bệnh đến viện để điều trị. Sau khi người bệnh khỏi bệnh, chính họ là người phải thường xuyên cắt cử nhau, trông giữ, chăm sóc bệnh nhân đề phòng nguy cơ tái bệnh.

Những người tâm thần có gia đình đã vậy, trên thực tế ngoài xã hội vẫn còn nhiều người tâm thần lang thang, khiến xã hội luôn tiềm ẩn loại tội phạm liên quan đến bệnh tâm thần.

Theo ông Bùi Sinh Quyền, hiện vẫn còn nhiều người tâm thần sống lang thang ngoài xã hội, vấn đề này cần sự vào cuộc của ngành lao động, thương binh, xã hội và của địa phương, các cơ quan này cần tiến hành rà soát nhằm quản lý tốt hơn và xây dựng mạng lưới chăm sóc, phục hồi cho họ tại các cơ sở bảo trợ xã hội hay trong các trại dành riêng cho người tâm thần.

Sự nâng cao cảnh giác cộng với sự phối hợp, chia sẻ từ gia đình người bệnh đến các cơ quan chức năng sẽ giúp hạn chế tối đa được các trường hợp người tâm thần phạm tội!