Ai có thẩm quyền ra quyết định kê biên tài sản của bị can, bị cáo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước thông tin ca sĩ T có đơn đề nghị phong tỏa tài khoản, kê biên 2 'sổ đỏ' do bà Nguyễn Phương Hằng đứng tên, nhiều người đặt câu hỏi, ai có thẩm quyền ra quyết định kê biên tài sản?

Theo Bộ luật TTHS 2015, kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng với bị can, bị cáo trong những trường hợp nhất định để ngăn chặn sự tẩu tán tài sản nhằm bảo đảm thi hành án nên việc áp dụng cần nhanh chóng và kịp thời.

Chủ thể có quyền ra lệnh kê biên tài sản gồm: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp;

Thẩm phán TAND cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên chủ tọa phiên tòa; Trưởng công an, Phó Trưởng công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp trong quân đội nhân dân. Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản của người phải thi hành án để thi hành án - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an

Về căn cứ áp dụng, chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền hoặc BLHS quy định có thể bị tịch thu tài sản như một số tội trong nhóm tội phạm về ma túy, nhóm tội phạm về chức vụ….hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại trong các vụ án có bị hại là người bị thiệt hại về tài sản; tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, có nguyên đơn dân sự.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và những người này có tài sản.

Theo đó, khi tiến hành kê biên tài sản, Chấp hành viên chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Đồng thời, việc kê biên tài sản phải đảm bảo sự có mặt của đương sự hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện chính quyền cấp xã và người láng giềng chứng kiến.

Pháp luật về thi hành án dân sự cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục kê biên tài sản đối với người phải thi hành bản án dân sự. Theo đó, khi tiến hành kê biên tài sản, tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước, sau đó kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác.

Việc kê biên nhà chỉ được tiến hành khi những tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho chủ tài sản bảo quản. Đối với tài sản là vàng bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, việc giao nhận phải theo thủ tục do Ngân hàng nhà nước và Bộ Tư pháp quy định.

Tài sản bị kê biên chỉ phục vụ cho việc điều tra, xét xử các vụ án và để đảm bảo cho việc thi hành bản án đúng pháp luật. Sau khi bản án được thi hành hoặc khi xét thấy việc kê biên tài sản không còn cần thiết nữa, người có thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản phải kịp thời hủy bỏ lệnh kê biên.