Ác mộng IS hoành hành từ Syria qua Iraq vào Libya

ANTĐ - Đất nước Libya có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến và trở thành một “mảnh đất màu mỡ” cho các phần tử khủng bố cũng như Hồi giáo cực đoan trú ngụ.

Khói lửa giao tranh cuồn cuộn bốc lên từ sân bay quốc tế Tripoli

Chính phủ Libya do Thủ tướng Ahmed Miitiq đứng đầu đang gần như không kiểm soát được tình hình an ninh đất nước khi để cho các nhóm Hồi giáo và bộ lạc vũ trang thi nhau xâu xé, chiếm giữ nhiều vị trí trọng yếu trong nước. Mới đây nhất, các tay súng của nhóm Hồi giáo thuộc liên minh Fajr Libya (Libya Rạng đông) từ thành phố Misrata, nằm ở phía Đông Tripoli đã tuyên bố hoàn toàn kiểm soát sân bay quốc tế ở Thủ đô Libya sau nhiều trận giao tranh ác liệt với với lực lượng Zintan đến từ phía Tây Tripoli.

Trước đó, sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011 bị lật đổ, các tay súng thuộc lực lượng Zintan đã giành quyền kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli nằm cách Thủ đô của Libya khoảng 30 km về phía Nam. Tuy nhiên, sân bay quốc tế duy nhất của Libya này đã phải đóng cửa từ ngày 13-7 vừa qua khi các tay súng của nhóm Hồi giáo Fajr Libya tấn công và giao tranh dữ dội với lực lượng Zintan.

Không chỉ có vậy, các tay súng Fajr Libya còn “gây chiến” với cả quân chính phủ và các lực lượng Hồi giáo, bộ lạc khác tại Libya như tấn công trụ sở Bộ Quốc phòng. Trước khi giành quyền kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli, lực lượng Fajr Libya cũng đã chiếm giữ thành phố Benghazi lớn thứ hai tại Libya từ cuối tháng 7 vừa qua.

Chính các cuộc giao tranh dữ dội do các tay súng thuộc nhóm Hồi giáo Fajr Libya châm ngòi đã đẩy đất nước Libya vào cuộc xung đột nghiêm trọng nhất kể từ khi chính quyền ông Gaddafi bị lật đổ. Chiến sự ác liệt tại Thủ đô Tripoli và các thành phố lớn của nước này đã buộc các quốc gia và tổ chức quốc tế phải sơ tán công dân và nhân viên của mình khỏi Libya.

Đi tìm nguyên nhân đất nước Libya rơi vào vòng xoáy bạo lực hiện nay, giới phân tích cho rằng đó chính là hậu quả tai hại từ cuộc chiến lật đổ chế độ Gaddafi do Mỹ và phương Tây cầm đầu. Không phải ai khác mà chính các lực lượng Hồi giáo, bộ lạc từng được Mỹ và phương Tây ủng hộ, hậu thuẫn ngày nào để lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi nay đã quay ra xung đột, tranh giành quyền kiểm soát đất nước với nhau trong sự bất lực của chính phủ hiện nay.

Đáng lo ngại nhất là cuộc chiến “nồi da xáo thịt” đang có nguy cơ biến Libya thành đất nước “vô chính phủ”, một mảnh đất vô cùng màu mỡ cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan và khủng bố làm hang ổ. Quốc hội Libya hiện phải tạm đặt trụ sở ở Tobruk cách Thủ đô Tripoli 1.600 km về phía Đông đã ra tuyên bố liệt các phiến quân Hồi giáo vừa chiếm sân bay quốc tế Tripoli vào danh sách “các phần tử khủng bố”. Theo chính quyền Libya, trong lực lượng Fajr Libya có nhóm Hồi giáo Ansar al-Sharia, tổ chức đã bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố và hiện đang kiểm soát 80% thành phố Benghazi.

Với thực tế tình hình an ninh bất ổn cùng sự yếu kém của chính quyền Trung ương Iraq khiến lực lượng Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tràn từ Syria sang, không ít nhà quan sát cũng lo ngại Libya sẽ trở thành mảnh đất nuôi dưỡng các lực lượng Hồi giáo cực đoan và khủng bố.